Mặc cho khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hàng không thế giới vẫn không ngừng phát triển, tập trung chủ yếu ở khu vực các nước đang phát triển, nhất là khu vực châu Á.
Sẽ tắc nghẽn thê thảm
Năm 2014, đã xảy ra một số vụ tai nạn máy bay dân dụng nghiêm trọng, nhưng các số liệu thống kê và so sánh vẫn cho thấy, đi lại bằng máy bay có độ an toàn cao hơn. Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) cho biết, số vụ tai nạn chết người trên toàn thế giới liên quan đến máy bay dân dụng trong năm 2013 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua, với 17 vụ so với mức trung bình 27 vụ mỗi năm trước đây. Phân tích của các chuyên gia hàng không cho thấy nguy cơ tử nạn trong tai nạn máy bay ở Mỹ chỉ là 1/35 triệu chuyến bay, ở các nước công nghiệp phát triển khác là 1/10 triệu chuyến bay, còn ở các nước kém phát triển như châu Phi là 1/2 triệu chuyến bay.
Do ngày càng an toàn, thuận tiện, nhanh chóng và chi phí ngày càng tiệm cận hơn tới thu nhập của số đông người dân nên ngành Hàng không dân dụng đang tăng trưởng khá ấn tượng dù còn phải chịu tác động tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu suốt hơn 5 năm qua. Hiện mỗi năm có khoảng 20% dân số tại các nước mới nổi sử dụng dịch vụ vận tải hàng không ít nhất một lần. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 70% vào năm 2032, đưa số người đi lại bằng máy bay lên 6,7 tỷ lượt hành khách/năm, tăng gấp đôi so với con số 2,9 tỷ lượt hiện nay.
Số liệu của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho thấy, sự tăng tốc của nền kinh tế Trung Quốc và tăng trưởng thương mại trong khu vực châu Á khiến lượng khách quốc tế tăng 4,5%. Trước sự phát triển mạnh mẽ về nhu cầu đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa, Viện Nghiên cứu quản lý giao thông hàng không Singapore (ATMRI) cảnh báo, trong 5 năm nữa giao thông hàng không châu Á “sẽ tắc nghẽn thê thảm”, nếu hạ tầng hàng không cũng như nguồn nhân lực không đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của chuyến bay cũng như các đường bay mới trong khu vực.
Tiến sĩ Hsin Chen Chung, Giám đốc ATMRI cho rằng, nếu không hành động ngay lập tức, “giao thông hàng không toàn châu Á sẽ trải qua tình trạng tắc nghẽn như châu Âu 15 năm trước”. Theo ông Hsin, các tuyến đường từ Singapore đến Jakarta (Indonesia), từ Bangkok (Thái Lan) đến Hong Kong và từ châu Á đến châu Âu sẽ là những tuyến rơi vào “nút thắt” trước tiên.
Xu hướng mở mới
Giới chuyên gia hàng không quan ngại, châu Á sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại đang bùng nổ này như thế nào, và liệu hệ thống quản lý hàng không có đáp ứng nổi nhu cầu đang tăng lên từng ngày này hay không? Một trong những thử thách lớn nhất trong giải quyết tình trạng tắc nghẽn là việc khó chia sẻ thông tin về kỹ thuật và năng lực hàng không của các quốc gia trong khu vực, xuất phát từ sự khác biệt về kinh tế và chính trị. Các quốc gia này thường sợ việc chia sẻ “sẽ làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia”. Hãng Boeing dự đoán “giao thông hàng không châu Á” cũng sẽ gặp khó khăn do ngành Công nghiệp hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt cơ sở hạ tầng, phi công và lực lượng nhân viên mặt đất, kể cả kỹ sư bảo dưỡng.
Giới chuyên gia hàng không quốc tế đang kêu gọi các nước châu Á phải tăng “năng lực” giao thông hàng không của chính mình. Ít nhất hiện nay là cần có những thỏa thuận chung để các nước phối hợp với nhau, cùng giải quyết tình trạng “mất cân đối giữa cung và cầu” trong giao thông hàng không của khu vực.
Trước tình trạng bùng nổ về nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, chính phủ các nước và bản thân các hãng hàng không đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng lực vận chuyển hàng không của mình. Phía Trung Quốc đang mở rộng đường bay quốc tế từ các thành phố cấp hai thay vì chỉ từ Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu như lâu nay. Xu hướng mở thêm các cảng hàng không quốc tế mới cũng là một trong những giải pháp mà nhiều nước lựa chọn như một giải pháp nhằm giảm tải cho các cảng hàng không quốc tế hiện có và trong đó có Ấn Độ, Singapore, Philippines…