Tìm phương án tốt nhất để xây dựng cầu Long Biên mới

08:46, 29/10/2014

Việc xây dựng cầu đường sắt đô thị vượt sông Hồng (thuộc tuyến đường sắt Yên Viên -Ngọc Hồi) là vấn đề không thể chậm trễ hơn, bởi dự án đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt từ năm 2005.

Tuy nhiên, vị trí xây cầu lại là bài toán hóc búa, do giá trị đặc biệt của cầu Long Biên, của khu phố cổ, phố cũ, cũng như vấn đề giải phóng mặt bằng, hiệu quả kinh tế. Ngày 28-10, Bộ Giao thông vận tải phối hợp UBND thành phố Hà Nội lấy ý kiến các nhà khoa học, các kiến trúc sư để tìm phương án tốt nhất cho việc xây dựng.

 

Cần sự hài hòa giữa các yếu tố Đầu năm 2014, vấn đề xây dựng tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi đã làm "nóng" dư luận. Rất nhiều ý kiến lo ngại khi đi qua sông Hồng, tuyến đường sẽ phá hỏng, hoặc làm biến dạng kết cấu của cầu Long Biên -cây cầu gắn bó hơn 100 năm với Hà Nội. Tháng 2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, nhất thiết cần bảo tồn cầu Long Biên, đồng thời giao Bộ Giao thông vận tải và UBND thành phố Hà Nội chọn phương án tốt nhất cho việc xây dựng cầu đường sắt mới, phục vụ tuyến đường sắt đô thị huyết mạch của thành phố.

 

Vị trí xây dựng cầu đường sắt vượt sông Hồng không chỉ ảnh hưởng đến cầu Long Biên, mà còn liên quan khu phố cổ, phố cũ, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân...

 

Chính vì những điều này, TP Hà Nội đã đề ra các tiêu chí để lựa chọn vị trí xây dựng cầu đường sắt. Đó là cầu mới hạn chế ảnh hưởng đến cầu Long Biên cũng như khu phố cổ, khu phố cũ, các công trình văn hóa; hạn chế tối đa giải phóng mặt bằng, di dân; thuận tiện kết nối giao thông công cộng... Giáo sư sử học Phan Huy Lê cho rằng, việc đưa tiêu chí hạn chế ảnh hưởng cầu Long Biên, khu phố cổ lên đầu, cho thấy TP Hà Nội rất quan tâm bảo tồn di sản.

 

Vấn đề tiếp theo là cân nhắc hợp lý việc chọn phương án để hài hòa các yếu tố cảnh quan, kinh tế - xã hội.

 

Trong quá trình xây dựng dự án tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi, từng có các đề xuất xây dựng cầu mới cách cầu Long Biên 30 m, 75 m và 186 m. Ngoài ra, có hai phương án mới được bổ sung là xây hai cầu nhỏ kẹp sát hai bên cầu Long Biên cũ và xây dựng đường hầm xuyên sông Hồng.

 

Tại Hội thảo về phương án vị trí cầu đường sắt sông Hồng thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1, ba phương án: Xây cầu mới cách cầu Long Biên cũ 30 m, xây cầu hai bên và xây đường hầm đã được tất cả các chuyên gia loại trừ, do việc xây dựng sẽ ảnh hưởng đến không gian phố cổ, hoặc quá tốn kém.

 

Theo phương án xây cầu cách tim cầu Long Biên 75 m, cầu sẽ đi qua các phố Hàng Đậu và Phùng Hưng. Không gian các tuyến phố này đủ để làm đường sắt trên cao, hạn chế giải phóng mặt bằng (tổng số hơn 700 hộ cần di dời). Do cách ga Long Biên 350 m, cách bến xe buýt đầu mối Yên Phụ 10 m, cho nên việc kết nối giao thông công cộng theo phương án này khá thuận tiện. Phương án xây cách tim cầu Long Biên 186 m được coi là tối ưu về kiến trúc. Khoảng cách 186 m không ảnh hưởng đáng kể đến kiến trúc cầu Long Biên, nhưng sẽ phải giải tỏa tới hơn 900 hộ dân, trong đó nhiều hộ dân đã sống ổn định tại khu vực này, cho nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

 

Giáo sư Lã Ngọc Khuê khẳng định: Việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi là không thể chậm trễ hơn. Đây sẽ là "đòn gánh" giao thông của Thủ đô khi đi xuyên trục bắc - nam của thành phố. Giáo sư Lã Ngọc Khuê cho rằng, phương án cách tim cầu Long Biên 75 m là khả thi nhất.

 

Do nhu cầu giao thông hết sức bức thiết, cho nên thành phố cần sớm quyết định để công trình có thể triển khai xây dựng. Đây cũng là ý kiến của các chuyên gia khác như: tiến sĩ Lưu Minh Trị, giáo sư Lê Văn Lan... Kiến trúc sư Lê Văn Lân - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, làm cầu mới cách cầu Long Biên 186 m sẽ bảo đảm tôn vinh kiến trúc cầu Long Biên, nhưng nếu vấn đề giải phóng mặt bằng gặp quá nhiều khó khăn thì phương án cách 75 m có thể chấp nhận được.

 

Riêng tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Hội Kỹ thuật cầu đường thì cho rằng, việc đường sắt trên cao đi qua các con phố Hàng Đậu, Phùng Hưng sẽ ảnh hưởng đến không gian của hai tuyến phố này, vì vậy thành phố cần xem xét kỹ phương án này.

 

Tôn vinh cầu Long Biên Mặc dù cây cầu mới thuộc dự án xây dựng đường sắt đô thị, nhưng các chuyên gia đều khẳng định, không thể tách rời cây cầu này khỏi cầu Long Biên về mặt kiến trúc cảnh quan, cũng như bảo tồn, phát huy giá trị cầu Long Biên. Vấn đề đặt ra là khi xây dựng cây cầu mới, cần bảo đảm các yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật cho tàu thuyền lưu thông. Nếu xây dựng đúng quy chuẩn, cầu mới sẽ cao hơn cầu Long Biên khá nhiều. Nhìn từ phía thượng lưu, dù ở khoảng cách 186 m hay 75 m, kiến trúc của cầu Long Biên vẫn bị che khuất.

 

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long cho rằng, cần tính toán để xây dựng cầu mới không lấn át cầu Long Biên và cần có giải pháp kỹ thuật để bảo đảm cho tàu thuyền lưu thông, bởi sông Hồng là huyết mạch giao thông đường thủy.

 

Nên áp dụng các kỹ thuật như tạo nhịp cất, mở hoặc nâng để giải quyết vấn đề này.

 

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, giáo sư Lưu Trần Tiêu... cùng nhiều chuyên gia khác khẳng định, sở dĩ có câu chuyện xây dựng cầu mới, là vì xuất phát từ bảo tồn các giá trị cầu Long Biên, cho nên dứt khoát cầu mới không được che khuất tầm nhìn về cầu Long Biên. Phó Giáo sư Trần Lâm Biền đồng ý với phương án xây cầu mới cách cầu cũ 75 m, nhưng là sự ủng hộ "có điều kiện": "Cầu Long Biên là một trong những cây cầu đẹp nhất Việt Nam. Cây cầu mới phải có kiến trúc đẹp để tôn vinh cầu Long Biên, chứ không chỉ là một cây cầu đơn thuần giải quyết nhiệm vụ giao thông. TP Hà Nội cần sớm công bố kiến trúc của cầu mới, nếu đáp ứng được yêu cầu này, chắc chắn nhân dân sẽ ủng hộ".

 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học. Trên cơ sở các tiêu chí chọn vị trí và ý kiến nhà khoa học, TP Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải sẽ sớm chọn phương án vị trí cầu đường sắt, đồng thời thành phố sẽ sớm xin ý kiến các nhà khoa học về phương án bảo tồn, phát huy giá trị cầu Long Biên.