Cước vận tải bắt đầu giảm theo giá xăng

09:11, 14/11/2014

Tại cuộc đối thoại với đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài chính chiều 13/11, đại diện nhiều DN vận tải cho hay, từ ba năm nay đã không tăng giá cước vận tải, tuy nhiên, mặt bằng giá cước sẽ tiếp tục được điều chỉnh tới đây.    

Taxi đồng loạt giảm cước

 

 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, dư luận gần đây cho rằng, doanh nghiệp (DN) vận tải “đứng yên” trong khi giá xăng giảm 9 lần liên tiếp là chưa chính xác. Bởi, một số DN đã tăng giá theo giá xăng trước đó thì đã, đang và chuẩn bị giảm giá. Còn nhiều DN hiện không có kế hoạch giảm giá vì họ không hề tăng giá trong ba năm qua. Như các tuyến xe khách Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Thái Bình... và hầu hết các xe khách vẫn “gồng” mình giữ nguyên mức giá cước trong thời gian dài, kể cả khi bị “ăn” vào vốn thì cần biểu dương.

 

Đại diện Vietnam Airlines (VNA) cho hay, suốt từ năm 2011 đến nay, giá vé của VNA đều thấp hơn giá trần do Bộ Tài chính quy định. Hiện VNA có các dải vé từ 800 nghìn  - 2.870.000 đồng cho chặng Sài Gòn - Hà Nội, trong khi mức giá trần quy định là 3,4 triệu đồng. “Xu hướng giá vé hàng không thế giới là giảm, VNA cũng vậy”, đại diện VNA nói.

 

"Theo báo cáo, từ năm 2011 đến nay, cước vận tải hàng không luôn thấp hơn giá trần; Vận tải thủy chỉ giảm, không tăng; Đường sắt liên tục giảm. Còn đường bộ, nhiều DN vận tải đã và đang đăng ký giảm giá, đồng thời Bộ GTVT, các hiệp hội, Sở GTVT địa phương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các DN đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Thông tin từ Hiệp hội Vận tải TP HCM, hầu hết các DN vận tải lớn đều đã giảm giá cước 5 - 10%. Vì thế, nếu nói giá xăng dầu giảm 9 lần mà giá cước vận tải vẫn “án binh bất động” là chưa hoàn toàn đúng”.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia.

 

Còn theo ông Bùi Việt Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải thủy, lần điều chỉnh giá gần nhất của DN là tháng 3/2011, lúc đó giá xăng là 21.100 đồng/lít, nay giá xăng 21.390 đồng/lít. Dù giá xăng có tăng cộng thêm hàng loạt chi phí nâng lên thời gian qua, nhưng DN vẫn giữ nguyên giá cước. “Chính vì DN chia sẻ với khách hàng suốt thời gian qua, nên vừa rồi, khi giá xăng giảm liên tiếp, không khách hàng nào yêu cầu DN giảm giá cước”, ông Hoàng nói.

 

Với những DN vận tải đã từng tăng giá cước theo thị trường nguyên liệu, thì động thái giảm giá cũng khá rõ rệt. Chiều 13/11, ông Hồ Chương, Phó chủ tịch Tập đoàn Mai Linh  cho biết, từ 14/11, Mai Linh sẽ giảm giá cước taxi tại Hà Nội và TP HCM từ 500 - 2 nghìn đồng/km. Trước đó, tại Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Tây Nguyên... giá cước hãng này đã giảm từ 1 - 2 nghìn đồng/km.

 

Tại Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội cho biết, taxi Thanh Nga đã giảm 700 đồng/km; Taxi Group giảm 300 đồng/km và nhiều hãng taxi khác đang hoàn tất thủ tục giảm giá. Tại TP HCM, theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP, nhiều doanh nghiệp cũng đang đăng ký giảm giá cước, như giảm 500 đồng/km đối với tất cả các loại xe từ ngày 14/11. Phó Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa Vương Quốc Tuấn thông tin, từ tháng 10 tới nay, trên địa bàn đã có 4/11 DN taxi đăng ký giảm giá; 6/6 DN xe buýt kê khai giảm giá…

 

Giám sát việc giảm giá cước vận tải

 

Khẳng định nhiều DN đã, đang và sắp giảm giá cước, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đang phối hợp cùng Bộ Tài chính để thúc đẩy, đôn đốc các DN đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện.

 

Bà Lê Thị Lai, Trưởng phòng Quản lý giá (Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) cũng cho biết, Cục Quản lý giá sẽ thành lập các đoàn kiểm tra giá cước vận tải tại các địa phương nhằm tăng cường đôn đốc, tạo sức ép để DN vận tải giảm giá cước khi chi phí đầu vào giảm... “Dù giá cước vận tải được thực hiện theo cơ chế thị trường, không phải mặt hàng áp giá trần, nhưng theo quy định của Luật Giá, khi cần thiết cơ quan Nhà nước vẫn cần kiểm tra, đôn đốc giảm giá để đảm bảo quyền lợi ba bên: DN, Nhà nước và người tiêu dùng”.

 

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng Thư ký Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thì cho rằng, khi giá xăng dầu giảm liên tiếp, Bộ Tài chính có thể thanh, kiểm tra các DN vận tải, tính toán xem xăng dầu chiếm bao nhiêu %, tiền lương công nhân, chi phí khác...  Từ đó, nếu thấy đầu vào giảm mà đầu ra vẫn cao thì đoàn kiểm tra có thể căn cứ vào Luật Giá, đề nghị Sở Tài chính, Sở GTVT nơi DN kê khai giá chỉ đạo, yêu cầu DN điều chỉnh lại giá cước”, ông Thỏa nói.

 

Hôm nay (14/11), Bộ Tài chính sẽ chủ trì cuộc họp về kê khai giá cước của các DN vận tải tại cả ba khu vực Bắc - Trung  - Nam nhằm đánh giá việc thực hiện quản lý giá cước trong thời gian qua.