Nhiều nỗi đau ở xóm nhỏ

14:08, 26/11/2014

Ở một xóm nhỏ với 296 hộ dân, vậy mà chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, tai nạn giao thông (TNGT) đã cướp đi sinh mạng của 13 người dân trong xóm. TNGT đã trở thành vấn nạn nhức nhối, để lại nỗi đau cho những người ở lại. Địa bàn chúng tôi nhắc đến là xóm Kim Tỉnh, xã Trung Thành (Phổ Yên).

 Nỗi đau khôn cùng

 

Đã hơn 4 tháng nay, kể từ ngày chị Nguyễn Thị Hoa, xóm Kim Tỉnh bị tử vong do TNGT, trong ngôi nhà hiện còn chồng, con và mẹ chồng chị vẫn mang một bầu không khí buồn rầu, ảm đạm. Vừa bước chân vào ngõ, bà Đỗ Thị Bảy, mẹ chồng của chị Hoa đã khóc tức tưởi: Thương lắm cháu ạ! Con dâu tôi chết khi đang mang bầu 3 tháng, nó bị tai nạn ở đâu đầu ngõ. Nó là đứa ngoan, hiền, đảm đang, công to việc lớn cháu đều lo cả. Giờ cháu mất, gia đình tôi bị đảo lộn, kinh tế sa sút. Chồng nó chán nản không muốn làm việc, đứa con 3 tuổi Lê Quang Minh suốt ngày nhắc tới mẹ, mỗi khi mở vô tuyến, thấy phát thanh viên nó lại hỏi bố và bà có phải mẹ Hoa của nó không. Tôi phải ngoảnh mặt đi lau nước mắt nói dối cháu, mẹ Hoa đi công tác khi nào lớn thì mẹ Hoa sẽ về với con.

 

Tôi đứng dậy thắp nén nhang cho người xấu số, nhìn vào tấm di ảnh, chị Hoa đã ra đi khi mới 27 tuổi. Còn em Lê Ngọc Mai, ở xóm Kim Tỉnh có bố vừa tử vong vì TNGT nói với chúng tôi: Em buồn lắm! Ngày bố em ra đi chỉ cách ngày cả thế giới tưởng niệm nạn nhân TNGT có 3 ngày, nghĩa là vào ngày 13-11-2014. Hôm đó, bố em làm việc trên Khu Công nghiệp Samsung, sau đó cùng bạn bè lên thành phố ăn đêm, khi về thì bị tai nạn gần chợ Dốc Hanh, thuộc phường Trung Thành, thành phố Thái Nguyên. Khi nghe tin bố bị TNGT, em rụng rời chân tay. Mẹ em đi làm ăn ở tận bên  Angiêri, khi nghe tin bố mất cũng không về được, vì bên đó có dịch Ebola nên họ không cho về. Ma chay cho bố, hai chị em em phải nhờ toàn bộ vào họ hàng và bà con lối xóm.

 

Ông Lê Tiến Dụng, Trưởng xóm Kim Tỉnh cho chúng tôi biết: 10 năm trở lại đây, TNGT đã cướp đi sinh mạng của 13 người dân trong xóm, đấy là chưa kể những trường hợp bị thương. Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, xóm đã có 3 trường hợp bị TNGT, trong đó có 2 người bị chết, 1 trường hợp bị  thương.

 

Đoạn đường nhiều nguy hiểm

 

Địa bàn xóm Kim Tỉnh có Quốc lộ 3 chạy qua khoảng 1.000 mét. Trên địa bàn xóm còn có cả đường sắt đi qua. Ông Lê Tiến Dụng, thông tin thêm: Có những trường hợp bị TNGT ở nơi khác, nhưng phần lớn vẫn là xảy ra tại tuyến Quốc lộ 3, chạy qua địa bàn xóm Kim Tỉnh này. Nói xong, ông cùng tôi ra đoạn đường bà con nơi đây thường hay gọi là “điểm đen” về TNGT. Đó là ngã rẽ vào xóm  phía trong đường tàu. Ông Dụng chỉ tay bảo: Điểm này có tới 3 vụ TNGT xảy ra tại đây. Chúng tôi quan sát, đường từ trong xóm rẽ ra Quốc lộ 3 bị che khuất tầm nhìn, ở lối rẽ lại không có biển báo hiệu đi giao thông chậm lại, do cống rãnh không đồng bộ, nước chảy lênh láng ra lòng, lề đường, gây trơn trượt. Cách đó khoảng vài chục mét là đường rẽ vào Trường THCS Trung Thành, nơi mỗi ngày có hàng nghìn học sinh sang đường để vào trường, nhưng tuyệt nhiên không hề có biển báo hiệu đi chậm lại, hoặc gờ giảm tốc độ.

 

Tìm hiểu thêm về những vụ TNGT xảy ra tại đây, chúng tôi được biết: Nguyên nhân gây TNGT chủ yếu do người tham gia giao thông phóng nhanh vượt ẩu. Ông Nguyễn Hồng Quang, người sống cạnh Quốc lộ 3 bức xúc: Chị xem, đường sá vừa hẹp, vừa xấu, xe cộ đi lại nườm nượp, chúng tôi ở đây hằng ngày thấy có những trường hợp phóng với tốc độ trên 100 km/h, có nhiều trường hợp đi xe máy đầu lại không đội mũ bảo hiểm, thử hỏi nếu có người đi ngang qua đường làm sao mà tránh kịp. Đã vậy, đoạn đường này rất vắng công an giao thông tuần tra, kiểm soát, chỉ khi nào có vụ TNGT xảy ra họ mới có mặt.

 

Ông Nguyễn Viết Nhật đang ngồi chơi tại nhà ông Quang góp chuyện: Thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe tin người dân trong xóm TNGT bị thương vong ngay chính đoạn đường đi qua xóm mình. Chẳng hạn như trường hợp của bà Trần Thị Lan, đi sinh hoạt Hội Người cao tuổi, đã đi sát vào phần đường của mình mà vẫn bị chiếc xe tải tông vào; trường hợp của bà Nguyễn Thị Thoan đi quyên góp tiền cho một chương trình từ thiện khi về nhà sang được gần mép đường bên kia cũng bị xe tông chết; hay cụ Lương Thị Dưỡng chạy sang đường để về nhà cũng bị xe ô tô cán.

 

 - Chúng tôi hỏi, sống ở đây lâu, vậy theo ông làm cách nào để giảm thiểu TNGT ở đoạn đường này? Ông Nhật cho rằng: Ngoài việc giải phóng hành lang, tu sửa lại đoạn đường, cần gắn biển báo hiệu giao thông, đặc biệt đối với những lối rẽ sang đường cần có gờ giảm tốc. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho người dân hai bên đường để họ nâng cao ý thức và cảnh giác khi tham gia giao thông...