Thấy gì sau hơn 7 năm các tuyến xe buýt hoạt động?

10:48, 11/11/2014

Tháng 5-2007, loại hình vận tải khách bằng xe buýt được đưa vào hoạt động trên địa bàn tỉnh. Hình thức vận tải này đã thể hiện được tính  ưu việt như giá rẻ, an toàn hơn các phương tiện khác; thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, từ đó giúp giảm thiểu được sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân, nguy cơ gây ùn tắc giao thông cũng như bụi đường, khí thải, góp phần làm giảm áp lực đối với  việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông...

Sau hơn 7 năm đi vào hoạt động,  loại hình vận tải hành khách bằng xe buýt của Thái Nguyên được các tầng lớp nhân dân đánh giá rất cao khi đáp ứng nhu cầu của người dân, nâng cao an toàn giao thông, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần tạo nên diện mạo mới cho hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh. Đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên, người lao động, người có thu nhập thấp thì loại hình dịch vụ vận tải này hỗ trợ rất nhiều trong quá trình đi lại. Chị Nguyễn Như Quỳnh, một người dân ở tổ 13, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Hiện nay tôi đang công tác tại Trường THPT Đại Từ. Vì vậy, để bảo đảm sức khỏe và sự an toàn của bản thân, tôi sử dụng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt làm phương tiện đi, lại hằng ngày. Tôi thấy tinh thần, thái độ phục vụ của nhà xe (Doanh nghiệp Mạnh Hà, đang khai thác tuyến Gang Thép, T.P Thái Nguyên - Yên Lãng, Đại Từ) rất tốt, hành trình di chuyển đảm bảo đúng thời gian và giá vé tháng lại rẻ hơn rất nhiều nếu tôi di chuyển bằng xe máy.

 

Còn về phía các doanh nghiệp, cũng đã hoạt động ổn định, có hiệu quả, tự hạch toán, trang trải và không phải bù lỗ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 9 tuyến xe buýt đang hoạt động, do 4 đơn vị khai thác với tổng số 102 xe tham gia vận tải hành khách. Với tần suất xuất bến từ 15-25 phút/chuyến, hoạt động 60-80 lượt xe 1 tuyến/ngày đi từ Trung tâm thành phố đến tất cả các huyện, thị trong tỉnh, mỗi năm sản lượng vận tải hành khách của các tuyến xe buýt đạt hơn 3 triệu lượt người. Theo tính toán của Sở Giao thông  - Vận tải, ước tính trong một năm, nhu cầu chuyến đi của tỉnh là gần 844 triệu chuyến, nên với số lượt hành khách như vừa nêu thì thị phần vận tải hành khách bằng xe buýt hằng năm trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm rất ít (khoảng 0,36%) trong tổng nhu cầu các chuyến đi toàn tỉnh.

 

Là trung tâm vùng trung du, miền núi phía Bắc, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 của cả nước với trên 30 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; có nhiều khu công nghiệp lớn, nhỏ với hằng trăm nghìn công nhân lao động... nhu cầu đi lại của người dân là rất lớn. Tuy nhiên, từ con số thực tế trên cho thấy, lượng hành khách di chuyển bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Những người có trách nhiệm của ngành Giao thông - Vận tải tỉnh đều cho rằng lượng hành khách đi xe buýt ít là do tính tiện lợi của các phương tiện cá nhân nên nhiều người vẫn chưa quen sử dụng loại hình dịch vụ vận tải này. Bên cạnh đó, tần suất của các tuyến xe buýt chưa cao nên chưa thu hút được nhiều hành khách…

 

Cùng với số lượng hành khách ít thì hiện nay, hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe buýt còn gặp khó khăn do cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng xuống cấp. Anh Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Hà, có địa chỉ tại tổ 6, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) cho biết: Năm 2008, chúng tôi bắt đầu khai thác loại hình vận tải hành khách bằng xe buýt. Hiện nay, chúng tôi có 25 xe buýt, tham gia khai thác tuyến Gang thép - Yên Lãng. Thời gian gần đây, tuyến Quốc lộ 37 xuống cấp nghiêm trọng dẫn tới việc xe thường xuyên bị hỏng hóc nên chi phí sửa chữa rất tốn kém.

 

Một khó khăn nữa là, hầu hết các điểm đầu, điểm cuối tuyến xe buýt trong tỉnh chưa có bãi đỗ. Xe thường phải đỗ qua đêm tại xưởng bảo dưỡng, sửa chữa hoặc tại các khu vực đơn vị khai thác dịch vụ xe buýt thuê lại trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh vẫn đang hoạt động chung với các phương tiện khác, chưa có sự phân làn giữa các phương tiện giao thông trên đường với xe buýt, gây khó khăn cho hoạt động giao thông và không đảm bảo an toàn giao thông…

 

Theo lộ trình, giai đoạn 2014-2020, hoạt động vận tải bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh phấn đấu đáp ứng được nhu cầu đi, lại 5-6% tổng nhu cầu đi lại của người dân; giai đoạn 2020-2030 đáp ứng 7,5-9% nhu cầu đi, lại của người dân. Để thực hiện được mục tiêu này, trước mắt, các cấp, ngành chức năng cần giải quyết những khó khăn, vướng mắc như vừa nêu trên, trong đó ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và tạo điệu kiện về bãi đỗ xe cho các doanh nghiệp tham gia kinh doanh loại hình vận tải này, địa điểm các bãi đỗ xe phải hợp lý và thuận tuyến. Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách trợ giá cho hoạt động vận tải xe buýt để khuyến khích nhu cầu đi lại của người dân...