Cứ sau mỗi trận mưa lũ, cầu lại trôi, người dân xóm Cây Coóc, xã Bình Thành (Định Hóa) phải góp tre, ván gỗ và công sức làm lại. Thế nhưng, với việc làm tạm bợ bằng những vật liệu này, cây cầu luôn tiềm ẩn nguy hiểm, mất an toàn cho người qua lại, nhất là các cháu học sinh. Bởi vậy, mong muốn lớn nhất bấy lâu nay của bà con trong xóm là sớm được Nhà nước đầu tư xây dựng chiếc cầu cứng để việc đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi hơn...
Sau một ngày làm quần quật của 55 người dân trong xóm, cây cầu đã được hoàn thiện với chiều dài khoảng 20m, rộng khoảng 1m, cách mặt nước dưới suối khoảng 3m. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, cầu không có lan can bảo vệ hẹp, việc di chuyển trên cầu cũng không mấy thuận lợi. Chị Lường Thị Dương, một hộ dân trong xóm Cây Coóc tỏ vẻ rất lo lắng nhìn cây cầu vừa mới được hoàn thành: Tuy được làm lại mới nhưng mỗi lẫn lái xe qua, tôi đều cảm thấy rất sợ do cầu hẹp, không có lan can. Mấy năm trở lại đây, năm nào cũng có người bị rơi xuống cầu, có người đã bị trọng thương phải nằm viện. Chúng tôi rất lo lắng khi cho các cháu đi xe đạp đến trường qua cây cầu này...
Chị Nịnh Thị Minh, một người dân trong xóm cho rằng: Do không có nhiều tiền nên bà con trong xóm chỉ có thể làm được cây cầu tạm bợ như thế này, cũng gọi là đỡ phải lội nước mỗi lần đi qua, còn thực ra việc đi lại còn nhiều bất an. Mong rằng, Nhà nước sớm có sự đầu tư xây dựng một cây cầu cứng, kiên cố để việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con được thuận lợi hơn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, xóm Cây Coóc hiện có 52 hộ dân. Nguồn thu nhập chính của các hộ dân chủ yếu là trồng lúa nước, kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, kinh phí xây dựng cây cầu kiên cố sẽ là khá lớn, việc đóng góp để tự xây dựng cây cầu, kiên cố là vượt quá khả năng đóng của người dân trong xóm. Bà con trong xóm đã nhiều lần kiến nghị đề đạt nguyện vọng được Nhà nước đầu tư xây dựng cây cầu với UBND xã và đại biểu HĐND các cấp trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Anh Trần Văn Tác, Phó xóm Cây Coóc chia sẻ: Từ trước đến nay, bà con trong xóm muốn đi sang xã, lên thị trấn Chợ Chu đều phải đi qua cây cầu tạm. Do vậy, cứ mỗi trận mưa lũ to, cầu lại bị cuốn trôi. Tính từ đầu năm đến nay, bà con trong xóm đã phải làm lại cầu đến 7 lần, rất tốn công sức và tiền của.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Văn Biểu, Chủ tịch UBND xã Bình Thành cho biết: Đây là cây cầu đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng nông sản của hơn 300 hộ dân thuộc 8 xóm trên địa bàn xã Bình Thành. Bà con các xóm đã nhiều lần có ý kiến phản ánh và đề nghị Nhà nước đầu tư xây dựng cầu kiên cố để việc đi lại, giao thông hàng hóa được thuận tiện. Do kinh phí xây dựng cầu khá tốn kém, vượt quá khả năng của xã nên chúng tôi cũng đã có tờ trình gửi lên UBND huyện về việc đầu tư xây dựng cây cầu...
Thiết nghĩ, nguyện vọng trên của người dân xóm Cây Coóc là hoàn toàn chính đáng. Mong rằng các ngành, các cấp quan tâm, sớm đầu tư xây dựng cây cầu cứng kiên cố để việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân được thuận lợi hơn.