Khuyến khích hoạt động của Uber trên cơ sở tuân thủ luật pháp

09:34, 23/12/2014

Chiều 22-12, tại trụ sở Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ đã có buổi làm việc với ông Jordan, giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Uber. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ Việt Nam, Bộ Giao thông - Vận tải khuyến khích hoạt động kinh doanh của Uber cũng như các doanh nghiệp khác tại Việt Nam trên cơ sở thực hiện đúng các quy định của pháp luật nước ta.    

Theo ông Jordan, Uber được khởi nghiệp từ năm 2010 với dịch vụ Uber black, một dịch vụ cho thuê xe hạng sang. Những dịch vụ mà Uber phát triển có thể tận dụng được hoạt động của các loại xe đang chạy lãng phí trên đường.

 

Ý tưởng của Uber là phát triển ra một ứng dụng để phát huy được lợi thế và hiệu quả của các phương tiện vận tải. Sau bốn năm, các hoạt động của Uber đã trải rộng trên 260 thành phố của 53 quốc gia.

 

Cũng theo ông Jordan, việc phát triển dịch vụ của Uber đã tạo ra một loại hình dịch vụ mới giúp cho người di chuyển có thể có được lựa chọn về phương tiện đáng tin cậy hơn và an toàn hơn.

 

Cùng với đó, trước khi sử dụng dịch vụ, người sử dụng có thể biết trước được tài xế, loại xe và mức phí của quãng đường mà mình đi.

 

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam luôn hoan nghênh và khuyến khích tất cả các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước được thực hiện những điều mà pháp luật không cấm.

 

Trước việc đại diện Uber khẳng định Uber không kinh doanh vận tải (KDVT) mà chỉ phát triển công nghệ với phần mềm ứng dụng trong KDVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận định, Uber không phải đối tượng quản lý của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT). Tuy nhiên, Uber có hoạt động liên quan đến KDVT, quan điểm của Bộ GTVT luôn tạo điều kiện cho các DN hoạt động KDVT hiệu quả, đem lại lợi ích cho người dân, cho DN và góp phần giảm chi phí và cước vận tải, nhưng cũng bảo đảm được nghĩa vụ với nhà nước và trên hết là bảo đảm an toàn cho người dân.

 

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Vụ Vận tải soạn thảo công văn đề nghị Uber khi ký hợp đồng với các đơn vị KDVT, phải ký hợp đồng với những đơn vị có giấy phép KDVT theo đúng quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện KDVT bằng xe ô-tô.

 

Theo đó, các xe hoạt động phải có phù hiệu, logo, thiết bị giám sát hành trình,… mới được cung cấp dịch vụ. Các đơn vị KDVT ký hợp đồng với Uber cũng phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật khi cung cấp phương tiện và lái xe theo ứng dụng của Uber.

 

Bộ trưởng giao Thanh tra Bộ thực hiện thanh tra đột xuất hoặc định kỳ các DN và phương tiện KDVT sử dụng dịch vụ của Uber. Nếu không đủ điều kiện theo quy định, cả Uber và DN lẫn phương tiện KDVT đều phải chịu trách nhiệm.

 

Trong vài ngày tới, Bộ GTVT sẽ có công văn trả lời Hiệp hội Vận tải Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, báo cáo Thủ tướng thể hiện quan điểm, tinh thần của Bộ về vấn đề này.

 

Tại buổi làm việc, hai bên cũng đã trao đổi một số vấn đề cụ thể khác liên quan hoạt động của Uber tại Việt Nam như bảo hiểm, giá cước, thuế…