Nỗi đau ở lại

10:08, 04/12/2014

280 vụ tai nạn giao thông xảy ra trong năm 2014 đã cướp đi mạng sống của hơn 100 người. Liên quan tới các vụ tai nạn này còn có gần 280 người bị thương, trong đó nhiều người trở thành tàn phế - Họ đang ở tuổi đầy sức vóc, song chỉ vì một khắc giây bất cẩn đã trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Gánh nặng được ví như “món nợ trần ai”, mà những người thoát nạn và người thân của họ luôn mơ ước tìm được phép nhiệm màu để nạn nhân được sống như trước đó họ đã sống.

Tai nạn giao thông, người vắn số đã về miền đất vĩnh hằng, còn người ở lại phải gánh chịu hậu quả đong đầy nước mắt. Bà Phạm Thị Liễu, tổ 12, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) có lúc lưng còng gập lại như một dấu hỏi ai oán: Bên hương án thờ con trai và con dâu cùng bị tai nạn giao thông cướp đi mạng sống, bà nói như người mất hồn: Tôi có 2 con trai, 1 nghiện hút, trộm cắp rồi vào tù. Còn đứa ở ngoài đời, ngoan ngoãn, siêng làm, là trụ cột trong gia đình thì lại bị xe ô tô cán chết.

 

Hôm đó, anh Phan Thanh Doanh, con trai bà Minh đèo vợ là Nguyễn Thị Trang đi xem Festival Trà Thái Nguyên lần thứ 2 - năm 2013. Tai nạn bất ngờ làm anh Doanh chết tại chỗ, còn chị Trang tắt thở trong bệnh viện. ANh chị để lại cho bà Liễu 2 con nhỏ, cháu lớn Phan Thanh Hiền, 5 tuổi, cháu nhỏ Phan Thanh Lương, hơn 30 tháng tuổi. Bà Liễu cảnh đơn thân, trong người mang nhiều thứ bệnh: Áp huyết cao, máu nhiễm mỡ, hoa mắt chóng mặt, cuộc sống hằng ngày trông vào 2 sào ruộng nên túng khó quanh năm. Bà bảo: Sau vụ tai nạn, “người ta” bồi thường cho gia đình 360 triệu đồng để tôi nuôi 2 cháu nhỏ đến năm 18 tuổi. Số tiền đó, tôi gửi tiết kiệm ở ngân hàng để hằng tháng lấy lãi nuôi các cháu. Có lần, cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội vào vận động tôi cho các cháu vào Trung tâm ở, nhưng tôi không đành, vì lo sau này các cháu sẽ lớn lên ra sao?...

 

Trong ngôi nhà cấp 4, bà Liễu một thân nuôi dạy 2 cháu với số tiền lãi gửi tiết kiệm và tiền hỗ trợ cho trẻ mồ côi. Cộng lại mỗi tháng có hơn 3 triệu đồng, bà cháu tằn tiện sống. Năm học 2014-2015, cháu Hiền vào lớp 1, cháu Lương đi nhà trẻ. Biết gia cảnh bà cháu nghèo, nhà trường chỉ thu tiền ăn hằng tháng mà không thu học phí và các loại quỹ xây dựng trường, lớp. Bà Liễu kể: Nhiều hôm tôi thấy đau khắp mình mẩy nhưng không dám đi khám. Có lần ốm quá, tôi khóa trái cửa lại, nằm mê man mất 2 ngày, đến lúc tỉnh dậy mới biết 2 đứa nhỏ tự vào bếp bốc cơm nguội cho nhau ăn.

 

Hiền lớn hơn, có lần thấy bạn ăn xúc xích, quay lại hỏi: - Bà nội ơi, bạn đang ăn cái gì ngon thế? Bà vội bế xốc cháu lên, bỏ về nhà để mọi người không nhìn thấy nước mắt mình đang chảy giàn giụa. Còn cháu Lương, ngay lúc chào đời đã phải về Bệnh viện Nhi Trung ương nằm điều trị cấp cứu 30 ngày. Sau đó, cứ 1 tháng 1 lần, bố mẹ cháu phải về Viện Nhi để mua thuốc cho bé. Nhưng từ ngày mất cả bố lẫn mẹ, không đủ tiền thuốc, bà Liễu đành chấp nhận để cháu đau ốm rồi… tự khỏi.

 

Ông Trần Hữu Ký, tổ trưởng dân phố 12 nói với chúng tôi đầy suy tư: 3 bà cháu hiện sống rất kham khổ, bà con trong tổ toàn người lao động chân tay, chưa dư dật nhiều, nên chỉ biết qua, lại thăm nom, động viên nhau thôi.

 

Tình người dành cho nhau được thế là quý, không như hoàn cảnh của anh Chu Văn Mạnh, xóm Khuôn Nang (Liên Minh, Võ Nhai). Sau khi bị tai nạn, nằm viện 3 tháng điều trị, anh trở về với chứng thương sọ não, toàn thân bất động, nằm liệt giường. Từ gần 1 năm nay, vợ bỏ nhà, bỏ luôn lại cho anh đứa con nhỏ. Ông bà nội ở gần đó lại dang rộng vòng tay để cưu mang bố con anh. Nhưng đau lòng hơn trong tai nạn giao thông phải kể đến trường hợp gia đình ông Hà Văn Lý, tổ 12, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên), trong tích tắc, 5 người thân của ông, gồm: vợ, con trai, con gái, con rể và 1 cháu nội bị chết trong cùng 1 vụ tai nạn giao thông.

 

Vụ tai nạn giao thông làm mất 5 mạng người của gia đình ông Lý làm nhiều người dân có tâm trạng bất an khi có việc ra đường. Nhiều người bảo nhau: Nhà có việc, đi đâu, không nên đi cả nhà trên cùng một xe ô tô. Rồi, hằng ngày trên các trục đường chính của tỉnh, mọi người vẫn bắt gặp những hình vẽ bằng sơn màu trắng, đó là dấu tích của một vụ tai nạn giao thông vừa mới xảy ra. Có những chỗ trong cùng một thời gian ngắn, vết sơn cũ chưa hết, vết sơn mới lại chồng lên, nhìn mà nhói đau, người qua đường bảo: Đấy là chỗ có “dớp”. Bà Dương Thị Gia, 58 tuổi, xóm Bồng Lai (Thượng Đình, Phú Bình) nói với chúng tôi trong nước mắt: Từ sau ngày bố, mẹ các cháu: Duyên, Huyền, Huỳnh mất vì tai nạn giao thông, vợ chồng già chúng tôi phải nuôi các cháu ăn học.

 

Vợ chồng bà Gia đều tuổi cao, sức yếu, nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu trông vào 3 sào ruộng và 1 sào trồng màu. Ngày nông nhàn, ông bà cùng các cháu đan rọ tôm bán cho người làng đi đơm cá… Nhìn mâm cơm nguội ngắt, thức ăn chỉ có rau xanh, bà Gia tủi thân: Thỉnh thoảng nhà mới có bữa thịt, bữa cá cho các cháu. Nhiều khi dọn bữa, bưng bát cơm lên miệng mà không nuốt được vì thương các cháu sớm phải mồ côi cả bố lẫn mẹ. Bà Gia kể lại: Tháng 9-1999, con trai tôi là Hà Quốc Hưng bị chết do tai nạn giao thông. Tháng 11- 2012, vợ Hưng lại bị chết vì tai nạn giao thông. Kể từ bấy giờ, gánh nặng áo cơm cho các cháu đè lên 2 thân già.

 

Trên ban thờ, đôi mắt người vắn số từ di ảnh nhìn xuống, buồn man mác. Họ đã chết khi tuổi đời còn quá trẻ. Và để lại cho người sống một gánh nặng áo cơm và nỗi đau thương ám ảnh trong từng giấc ngủ... Khi ngồi vào bàn viết lại những câu chuyện tang thương từ tai nạn giao thông, tôi còn nhớ nguyên câu nói của bà Liễu: Tôi bị đau ốm luôn, người lắm lúc muốn lả xuống nhưng không dám chết vì tôi là chỗ dựa cuối cùng của các cháu. Qua bài viết này, tôi mong trong cuộc đời sẽ có nhiều tấm lòng từ tâm, sẻ chia, giúp đỡ những nạn nhân không may bị chết, hoặc vĩnh viễn trở thành tàn phế do tai nạn giao thông. Vì trong cuộc sống, chắng ai muốn điều đó xảy ra bao giờ.