Trong khi chờ đợi các cơ quan liên quan như Bộ Thông tin & Truyền thông và Bộ Công thương xác định trách nhiệm quản lý Uber, thì các nhà quản lý chuyên ngành và chuyên gia cho rằng hoàn toàn có thể quản lý và thu thuế từ dịch vụ này tại Việt Nam.
Xác định loại hình dịch vụ
Theo chuyên gia Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hải Âu, trên thế giới có nước cấm Uber, có nước không cấm, do liên quan đến quyền lợi của các hãng taxi địa phương. “Tuy nhiên, đã kinh doanh thì phải đăng ký và đóng thuế. Vấn đề là các cơ quan quản lý coi đây là loại dịch vụ gì, căn cứ vào đó quy định, hướng dẫn việc đăng ký và trách nhiệm thuế cho chủ xe và Uber”, ông Nam nói.
Vậy cơ quan nào sẽ quản lý Uber? Đặt câu hỏi với đại diện Bộ TT&TT, ông này thông tin ngắn gọn, Bộ không có chức năng quản lý loại hình dịch vụ này và cho rằng liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công thương, mà cụ thể là bộ phận thương mại điện tử (TMĐT).
"Một mô hình dịch vụ mới thì có cả ưu và nhược, không thể chỉ có ưu. Về những rủi ro với dịch vụ này (trình độ lái xe, bảo hiểm, thông tin cá nhân..), các cơ quan quản lý giúp người tiêu dùng hiểu rõ để họ tự quyết định, Nhà nước không cần quyết định thay”.
Ông Lương Hoài Nam
Trong khi đó, trao đổi với báo chí mới đây, Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT Trần Hữu Linh chỉ nêu ý kiến, đang theo dõi rất kỹ Uber và Grab Taxi vì việc người mua - người bán có doanh thu nhờ các phương tiện điện tử có liên quan đến TMĐT. Ông Linh cũng gián tiếp bày tỏ quan điểm khi cho biết rất tâm đắc với bình luận “doanh nghiệp taxi nên cải tiến phương thức kinh doanh thay vì yêu cầu “chặn” Uber hay Grab taxi”.
Đại diện Hiệp hội TMĐT (không muốn nêu tên) cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu về loại hình dịch vụ mới này, trên cơ sở đó sẽ có đề xuất cách thức quản lý, song hiện tại chưa có câu trả lời “Uber có nằm trong loại hình dịch vụ của lĩnh vực TMĐT?”.
Còn theo góc nhìn của ông Lương Hoài Nam, Uber chỉ cung cấp nền tảng kết nối hành khách và chủ xe, họ kinh doanh công nghệ, chủ xe mới là người kinh doanh vận tải. Mỗi bên phải đăng ký và đóng phần thuế của mình. “Nhà nước cứ ra quy định và thu thuế, còn họ có cạnh tranh được với taxi thường hay không thì tự các bên tính toán, quyết định và lựa chọn là của hành khách”, ông Nam nói.
Có thể quản lý và thu thuế
Liên quan đến vấn đề quản lý kinh doanh Uber tại Việt Nam, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, cơ quan chức năng đang nghiên cứu hành lang pháp lý để Uber hoạt động. “Hiệp hội Vận tải taxi TP HCM có văn bản gửi Bộ GTVT cho rằng, Uber là hình thức kinh doanh vận tải bằng taxi. Tuy nhiên, bản chất của Uber là dịch vụ hỗ trợ vận tải, với nhiệm vụ kết nối giữa người kinh doanh dịch vụ và khách hàng. Dịch vụ hỗ trợ vận tải đã được quy định trong Luật GTĐB và để kinh doanh, các doanh nghiệp cần đăng ký theo pháp luật Việt Nam”, ông Hùng nói.
Về việc trên trang web của Uber bằng tiếng Việt hiện vẫn ghi Uber thực hiện theo quy định pháp luật của Hà Lan và sử dụng tòa án Amsterdam để xử lý các tranh chấp giữa Uber và những người mua bán dịch vụ thông qua Uber, ông Hùng nêu quan điểm: “Đại diện của Uber phải thực hiện đăng ký kinh doanh và đảm bảo các điều kiện hoạt động theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và đó là điều kiện pháp lý để họ được phép cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải nói trên.
Việc cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải thông qua sàn giao dịch điện tử như Uber tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sử dụng với mức chi phí phù hợp, thời gian đi lại thuận tiện và thông tin đầy đủ hơn. Tuy nhiên, hiện nay Uber không chịu trách nhiệm về chất lượng cũng như sự an toàn của dịch vụ vận tải. Vì vậy, những người cung cấp dịch vụ vận tải thông qua Uber phải có đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật. Tới đây, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu và trình Chính phủ những đề xuất để tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để dịch vụ đi chung xe có thể được chính thức quy định và cung cấp tại Việt Nam”.
Về việc Uber chưa đăng ký kinh doanh, song phát sinh doanh thu tại Việt Nam thì chúng ta làm thế nào để thu được thuế với dịch vụ này? Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết, hoàn toàn có thể thu thuế từ Uber. Theo quy định tại Thông tư 134/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính về thuế nhà thầu, đối tượng nộp thuế là các tổ chức nước ngoài kinh doanh, có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa họ với tổ chức, cá nhân Việt Nam.
Cũng theo bà Cúc, một số công ty đa quốc gia, khi thực hiện các hoạt động kinh doanh tại nước ngoài mà họ chưa có sự hiện diện pháp lý, thì trong các mẫu điều khoản hợp đồng dịch vụ mà họ ký với các đối tác nước sở tại có quy định các nghĩa vụ thuế (gián thu hay trực thu) của họ (nếu có) cùng với nghĩa vụ đăng ký, kê khai, trả thuế sẽ do người mua dịch vụ của họ gánh chịu. Do vậy, trong trường hợp này, cơ quan quản lý phải xác định được hợp đồng giữa Uber và các doanh nghiệp đối tác tại Việt Nam đã có nội dung về trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện nghĩa vụ thuế hay chưa và đây là căn cứ để quản lý, thu thuế.