Nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông trên đèo Nhỡn

08:41, 21/01/2015

Là điểm giáp ranh giữa 2 xã: Bình Sơn (T.X Sông Công) và Phúc Thuận (Phổ Yên), đoạn đường qua đèo Nhỡn từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân sinh sống ở khu vực này bởi sự hẻo lánh, nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Từ khi đoạn đường WB3 đi qua đèo Nhỡn hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2008, người dân ở tỉnh Vĩnh Phúc và các xã lân cận như Đắc Sơn, Thành Công, Minh Đức, Phúc Thuận, Bắc Sơn đều đi qua đường đèo Nhỡn ra Phổ Yên hoặc lên T.P Thái Nguyên và ngược lại, tiết kiệm được khoảng 20-40km. Bởi vậy, lưu lượng phương tiện giao thông qua đây trong ngày là rất lớn. Thường xuyên xuống công tác tại một số xã của huyện Phổ Yên như Phúc Thuận, Minh Đức và thị trấn Bắc Sơn, nhiều lần tôi cũng sởn da gà khi đi qua đoạn đèo hơn 2km heo hút, với những khúc cua nguy hiểm này. Ngay cạnh khúc cua mà bà con quen gọi là điểm hòn đá chữ X, con dốc xuống ngoằn ngoèo theo hướng từ Bình Sơn sang Phúc Thuận nhìn thật hiểm trở với một bên là vách núi, một bên là lũng sâu. Theo như người dân và những gì quan sát được chúng tôi nhận thấy, khu vực đèo Nhỡn có 2 điểm đen giao thông: Một là ngay chân đèo từ hướng Thái Nguyên sang có nhiều ổ voi, cua gấp; hai là khúc cua gần hòn đá chữ X đã nói ở trên. Cung đường này nhỏ (chưa đầy 3m), nếu xe đi với tốc độ cao, khuất tầm nhìn dễ gây tai nạn.

 

Trong cuốn sổ ghi chép các vụ tai nạn giao thông mà ông Trần Văn Sử, công an viên xóm Phú Sơn, xã Bình Sơn cung cấp cho chúng tôi, rất nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra trong khoảng hơn 4 năm nay trên đèo Nhỡn. Cụ thể là: Khoảng 22 giờ ngày 25-3-2013, có hai thanh niên đèo nhau trên xe máy đi từ hướng Thái Nguyên xuống qua khu vực này, do trời tối không quan sát được, lại đi với tốc độ nhanh nên họ đã tự lao xuống lũng sâu (cách mặt đường khoảng 7-8m). Vụ tai nạn khiến anh Lê Trọng Sinh, sinh năm 1984, người xóm Bến, xã Đắc Sơn (Phổ Yên) tử vong trên đường đi cấp cứu, còn chiếc xe máy thì bị hư hỏng nặng. 5 ngày sau vụ tai nạn kể trên, anh Phạm Văn Lợi, xóm Linh Sơn 1, xã Bình Sơn đi qua đoạn đường này với tốc độ nhanh cũng lao xuống lũng, ngay đoạn hòn đá chữ X, bị gẫy chân trái. Đoạn đường nguy hiểm này không chỉ khiến người lái không làm chủ được tốc độ, tự ngã mà còn khiến các xe đi ngược chiều va chạm. Điển hình như vụ tai nạn vào hồi 22 giờ 30 phút ngày 22-1-2014 trên đỉnh đèo Nhỡn, hai xe mô tô đi ngược chiều do anh Vũ Công Toại, xóm Linh Sơn 1 và anh Dương Quốc Mạnh, xóm Đông Hưng, đều ở xã Bình Sơn điều khiển lao vào nhau. Hậu quả, anh Toại bị chấn thương nặng ở đầu, anh Mạnh bị gẫy 2 ngón tay…

 

Chúng tôi có mặt ở gần lũng sâu trên đèo Nhỡn và quan sát khu vực này, nhiều biển báo bị cây che khuất tầm nhìn, có chỗ chỉ còn chân cột (nhất là biển báo gần hòn đá chữ X, cảnh báo khúc cua gấp) ngay gần nơi xảy ra nhiều vụ tai nạn nhất. Anh Trần Minh Miên, xóm 6, xã Phúc Thuận ở gần khu vực đèo Nhỡn đã chứng kiến khá nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra và trực tiếp cùng một số người dân giúp những người bị nạn. Anh chỉ dưới lũng cho chúng thấy mấy mảnh vỡ xe máy của các vụ tai nạn giao thông trước đó để lại. Cạnh đó, cột mốc lộ giới bị bật lên, gốc cây bạch đàn chưa bao giờ lành vỏ vì bị xe lao vào. Anh Miên nhớ lại, khoảng năm 2011, có vụ tai nạn giao thông của hai thanh niên đi xe máy không làm chủ được tốc độ đã lao xuống lũng, chết tại chỗ. Mới 2 năm nay thôi, anh và người dân cũng ra giúp hai vợ chồng đi về từ hướng Thái Nguyên sang khi họ bị lao thẳng xuống lũng, xe hỏng mất 70%, người bị thương nặng. Cũng sống ngay chân đèo Nhỡn nên bà Nguyễn Thị Thành, người dân ở xóm Phú Sơn, xã Bình Sơn chứng  kiến nhiều vụ tai nạn giao thông và đã xuống giúp các nạn nhân. Bà bảo: Nhiều ô tô, xe máy, máy cày, xe đạp của học sinh đi học… bị mất phanh, mất lái lao xuống dưới chân đèo. Có trường hợp xe tải lao vào xe máy đi ngược chiều ở ngay đoạn dốc khiến 2 chiếc xe bị hư hỏng nặng, may là không có người bị thiệt mạng.

 

Theo thông tin từ Cơ quan công an của xã Bình Sơn và Phúc Thuận cung cấp, trung bình 1 tháng, ít thì có 3-4 vụ tai nạn giao thông, cao điểm có tháng xảy ra 11 vụ trên đoạn đèo này. Nguyên nhân chính là do mặt đường nhỏ, có nhiều vòng cua gấp và ổ gà, che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện đi ngược chiều nhau, dẫn tới người lái không làm chủ được tốc độ, tự lao xuống lũng sâu.

 

Để giảm thiểu tai nạn giao thông trên đoạn đường này, ông Trần Ngọc Hà, Trưởng Công an xã Phúc Thuận kiến nghị: Chúng tôi mong rằng các cơ quan chức năng mở rộng đoạn đường, nắn thẳng chân dốc để không còn tình trạng cua gấp ở khu vực hòn đá chữ X, nhằm hạn chế tai nạn giao thông ở điểm đen này. Còn ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng Công an xã Bình Sơn đề nghị: Các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện, sửa chữa, thay mới biển báo trên đoạn đèo Nhỡn, nhất là cần có những biển báo nguy hiểm về hai điểm đen trên đèo để người tham gia giao thông quan sát và sớm có hướng xử lý tình huống. Đồng thời sửa chữa các ổ voi, ổ gà hư hỏng trên đường để giảm thiểu tai nạn giao thông khu vực này.