Năm 2014 đã khép lại, tình hình tai nạn giao thông có những chuyển biến tích cực, giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Tính từ ngày 16-12-2013 đến 15-12-2014, toàn quốc đã xảy ra 25.322 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người. Với Thái Nguyên, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 280 vụ tai nạn giao thông, cướp đi mạng sống của hơn 100 người làm gần 280 người bị thương, trong đó nhiều người trở thành tàn phế…
Tuy có giảm cả ba tiêu chí, nhưng nhìn vào những con số đó cũng đủ thấy sự mất mát là quá lớn! Các cấp, ngành và toàn xã hội đã đưa ra nhiều giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông nhưng kết cục trong năm qua cả nước vẫn có gần 9.000 nghìn người chết, trong đó có nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra.
Những mất mát ấy phần lớn do chính ta gây ra, đó là từ sự thiếu ý thức, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông. Trên các tuyến giao thông, ta vẫn bắt gặp những trường hợp phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, không đội mũ bảo hiểm; sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông; vượt đèn đỏ; không dừng, đỗ đúng phần đường quy định; các doanh nghiệp vận tải vi phạm về tải trọng, chở quá số lượng khách trên xe; sự vô cảm trước những vụ tai nạn giao thông…
Vậy, giải pháp nào để kìm chế tai nạn giao thông trong năm 2015? Mới đây, phát biểu chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn giao thông năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tính mạng con người là trên hết. Và đó cũng là mục tiêu của Năm an toàn giao thông 2015 do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia triển khai với chủ đề “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”.
Có thể nói, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chọn đúng chủ đề đang làm nhức nhối xã hội hiện nay. Trên các tuyến đường, những xe ô tô chở quá tải trọng, chở quá số người theo quy định vẫn diễn ra. Ta siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát được tải trọng phương tiện thì tai nạn giao thông ắt hẳn sẽ giảm. Để thực hiện chủ đề này, tới đây ngành Giao thông, lực lượng công an sẽ bố trí cân kiểm soát tải trọng tại tất cả các trạm thu phí BOT để xử lý xe quá tải. Cùng với đó, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu đặt ra mức chở vượt tải trọng bao nhiêu phần thì không xử phạt hành chính nữa mà tiến hành xem xét truy tố hình sự. Bởi đây rõ ràng là hành vi cố tình chứ không phải vi phạm hành chính, là nghiêm trọng vì cố tình phá hoại đường giao thông - tài sản Quốc gia.
Bên cạnh đó, trong năm 2015, thông qua các hoạt động cả công khai lẫn bí mật, Bộ Công an sẽ tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), đặc biệt là liên quan tới quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của CSGT ở ngoài đường. Các hoạt động có dấu hiệu vi phạm như dừng xe không đúng quy định, dừng xe không kiểm soát hoặc kiểm soát qua loa, đứng chốt thường xuyên một chỗ, kiểm tra quá nhiều xe tại một chỗ... sẽ bị xử lý nghiêm. Việc kiểm soát và phát hiện vi phạm sẽ được thông báo bằng văn bản tới giám đốc công an các địa phương để những người đứng đầu lực lượng này tại địa phương đó trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo xử lý dứt điểm. Tới đây, ngoài việc các trưởng, phó phòng CSGT thì phó giám đốc công an địa phương phụ trách phải thường xuyên ra đường kiểm tra hoạt động của cán bộ, chiến sĩ CSGT nhằm nắm bắt những khó khăn, thuận lợi cũng như biểu dương, nhắc nhở và có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, Bộ Công an đang nghiên cứu để hướng tới ứng dụng khoa học kỹ thuật trong xử lý vi phạm, trong đó có việc xử phạt vi phạm thông qua tài khoản để đảm bảo có hiệu quả.
Với sự kiên quyết như trên, mục tiêu trong năm 2015 sẽ cơ bản giải quyết xong nạn quá tải. Hết quá tải thì cũng giảm tai nạn giao thông, bớt tiêu cực và quan trọng nữa là kỷ cương phép nước được thực hiện nghiêm túc.
An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội. Tất cả hãy nghiêm chỉnh chấp hành pháp Luật An toàn giao thông. Các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể và toàn xã hội cần có những suy nghĩ và hành động đúng đắn, gương mẫu thực hiện những giải pháp thiết thực để góp phần đảm bảo an toàn giao thông…!