Sau 9 tháng đưa Trung tâm xử lý, khai thác, sử dụng thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) vào hoạt động mới chỉ có hơn một nghìn phương tiện vi phạm bị xử lý, thấp hơn nhiều vi phạm thực tế.
Doanh nghiệp tắt thiết bị, phá sóng “trốn” kiểm soát
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đến nay, hệ thống thông tin đã được tích hợp dữ liệu trên 80 nghìn phương tiện để tổng hợp, phân tích về vi phạm tốc độ, thời gian lái xe (quá 4 giờ lái xe liên tục, quá 10 giờ lái xe trong ngày) và theo dõi hành trình xe chạy. Tuy nhiên, hàng ngày chỉ có khoảng 70% tổng số phương tiện truyền dữ liệu về máy chủ của Tổng cục Đường bộ VN. Trong số 30% còn lại, ngoài nguyên nhân một số ít xe dừng hoạt động, có một phần không nhỏ lái, chủ xe tắt thiết bị, sử dụng thiết bị phá sóng để vô hiệu hóa...
Kết quả thống kê của Trung tâm về số lần vi phạm tốc độ phương tiện tại 10 tỉnh, thành phố cao nhất đã lên đến hơn 4 triệu lượt. Cùng đó, vi phạm về thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc của lái xe trong ngày cũng liên tục tăng lên. “Đến nay, mới chỉ có 46 địa phương thực hiện xử lý bằng các biện pháp quản lý với tổng số phương tiện bị xử lý là 1.329 xe. Trong số này, chỉ có 893 xe bị thu hồi phù hiệu một tháng. Thu hồi chấp thuận khai thác tuyến một tháng đối với 353 xe (tạm dừng khai thác), đồng thời từ chối cấp phù hiệu 83 xe. Tới nay, vẫn còn 17 Sở GTVT mới chỉ có văn bản nhắc nhở doanh nghiệp chứ chưa thực hiện việc xử lý vi phạm theo quy định”, ông Quyền nói.
Theo Tổng cục Đường bộ VN, đến nay, do chưa hoàn thành việc xây dựng bản đồ số chính thức của Bộ GTVT nên chưa thể phát hiện hành vi vi phạm về hành trình chạy xe đối với xe khách tuyến cố định do không cập nhật được dữ liệu của các tuyến vận tải cố định lên hệ thống. Bên cạnh đó, do chưa có bản đồ số nên không xác định được đầy đủ các vi phạm về tốc độ theo biển báo hoặc khu vực hạn chế tốc độ trên thực địa mà chỉ có thể căn cứ trên quy định về tốc độ tối đa cho phép. Đến nay cũng chưa có giải pháp để xác định phương tiện đang ngừng hoạt động hay đang hoạt động nhưng cố tình tắt thiết bị để vô hiệu hóa...
Nhiều lái xe cố tình ngắt thiết bị giám sát hành trình để tránh bị xử phạt.
Lãnh đạo tỉnh can thiệp để doanh nghiệp không bị xử phạt
Liên quan đến hiệu quả của thiết bị này đối với công tác quản lý vận tải và bảo đảm ATGT, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN khẳng định, TBGSHT có tác dụng lớn để kéo giảm TNGT. Tuy nhiên, sau khi có dữ liệu, vẫn chưa thấy tỉnh nào dám thu hồi giấy phép kinh doanh, mặc dù sai phạm rất nhiều. Nếu làm thẳng băng theo Nghị định 86 là sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh từ một đến ba tháng nếu có hai đến ba xe vi phạm tốc độ sẽ phải thu hồi khoảng 50% giấy phép kinh doanh của các đơn vị.
“Hiện chế tài xử phạt đã đầy đủ nhưng thực thi không được. Lãnh đạo tỉnh cũng can thiệp để doanh nghiệp vi phạm không bị xử phạt. Sự can thiệp còn mạnh hơn cả việc chống xe quá tải. Một số tỉnh như: Đắk Nông, Lào Cai... còn không có biện pháp xử lý nào. Chỉ cần thu hồi giấy phép kinh doanh của một đơn vị từ một đến ba tháng, chắc chắn sẽ có tác động mạnh đến ý thức của các doanh nghiệp chứ chỉ thu hồi vài cái phù hiệu thì không ăn thua”, ông Huyện thẳng thắn nói.
Liên quan đến câu hỏi về hiệu quả của TBGSHT, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định: “Nếu năm 2013 có 22 vụ TNGT liên quan đến xe khách thì 2014 chỉ còn 13 vụ. Điều này chưa thể nói có liên quan trực tiếp đến việc kiểm soát bằng TBGSHT hay không, nhưng chắc chắn các doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện đang biết mình bị giám sát nên đã có ý thức hơn. Chưa bao giờ chúng ta tước phù hiệu kinh doanh vận tải nhiều như năm 2014. Vì thế, việc xử lý vi phạm thông qua TBGSHT chắc chắn có hiệu quả”.
Sẽ bịt “lỗ hổng” bằng pháp luật
Cũng theo ông Hùng, hạn chế cơ bản khi sử dụng thiết bị này là việc chưa thực hiện được qui định cảnh báo trực tiếp trên xe. Nếu doanh nghiệp tự giác thực hiện, khi vi phạm tốc độ, lái xe quá số giờ quy định sẽ có tín hiệu “tít, tít” thông báo ngay trên xe. Thế nhưng hiện có doanh nghiệp duy trì, nhưng có doanh nghiệp lại tắt đi. Lẽ ra, Trung tâm dữ liệu phải phát hiện được quá tốc độ để cảnh báo trực tiếp nhưng đến nay cũng chưa làm được.
“Thời gian tới, nếu bản đồ kỹ thuật số được hoàn thành sớm, sẽ giải quyết được vấn đề này. Hệ thống sẽ đo vị trí, cập nhật toàn bộ biển báo và tổ chức giao thông trên toàn bộ 20 nghìn km quốc lộ trên cả nước. Thiết bị có thể cập nhật được hành trình từ bến, biết xe chạy từ bến mấy giờ về bến mấy giờ nên việc tắt thiết bị hoàn toàn có cơ sở để xử phạt”, ông Hùng cho biết.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng TBGSHT, ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN kiến nghị, cần siết chặt hơn về chất lượng thiết bị, chất lượng sóng truyền dẫn bởi nhiều lái xe phản ánh do sóng yếu, thiết bị kém chưa cập nhật đủ thông tin nên bị nghi là tắt thiết bị...
Chỉ đạo về việc sử dụng TBGSHT trong quản lý vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN tiếp thu đề xuất giải pháp, trong đó có việc đề nghị cơ chế phối hợp với các cơ quan liên quan để sử dụng thiết bị hiệu quả hơn. Tổng cục Đường bộ VN phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để sử dụng thiết bị này để xử lý vi phạm có hiệu quả hơn.
“Phải kiểm soát được chất lượng TBGSHT và quy định thời hạn đăng kiểm thiết bị, đồng thời hoàn thiện các VBQPPL đối với việc sử dụng thiết bị này. Việc quản lý phải bằng VBQPPL, chế tài chứ không bằng lời khuyên. Đặc biệt, tới đây phải xử lý nghiêm các trường hợp tắt thiết bị. Phải có chế tài xử lý tiếp đối với các doanh nghiệp vi phạm”, Bộ trưởng yêu cầu.