Mười hai hồi còi đón xuân sang

13:53, 19/02/2015

Có dịp ngồi với các lái tàu Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội những ngày cuối năm, tôi hỏi: Công nhân các ngành khác được nghỉ 9 ngày, còn lái tàu các anh được nghỉ bao nhiêu? Câu hỏi khiến mấy lái tàu cười lớn. Họ bảo, nhiều năm rồi cánh lái tàu có nghỉ Tết đâu. Càng Tết, càng bận.  

Những chuyến tàu hai năm

 

Ông Hoàng Ngọc Trìu, Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho tôi xem lịch lái tàu Tết của các ban lái. Dịp Tết này, cả xí nghiệp có 25 ban lái máy phải trực, chưa kể số lái tàu hàng.

 

“Riêng đêm Giao thừa, có 16 ban lái máy tàu khách phải làm việc. Đấy là tiền tuyến, còn hậu phương luôn có một đội túc trực sẵn sàng áp máy bất cứ lúc nào”, ông Trìu nói.

 

Mỗi ban lái máy có hai lái tàu, gồm lái chính và lái phụ. Cả xí nghiệp có 193 lái chính và 145 lái phụ thì khoảng hơn 2/3 trong số này nhận nhiệm vụ trong dịp Tết. Anh Đinh Đức Huy - lái tàu hơn 20 năm của xí nghiệp tâm sự, trong chừng ấy năm làm nghề, có đến 18 năm anh nhận nhiệm vụ lái tàu đúng vào những ngày Tết. “Những năm đầu nhớ nhà lắm, nhưng lâu dần thành quen rồi. Cũng may gia đình thông cảm và hiểu cho nghề của mình nên rất yên tâm.

 

Tết năm ngoái, anh Huy và lái tàu Nguyễn Hồng Linh nhận nhiệm vụ điều khiển chuyến tàu SE3 cuối cùng trong năm xuất phát tại ga Hà Nội lúc 23h đêm. Chuyến tàu này có hơn 300 hành khách và được Bộ trưởng Đinh La Thăng xuống tặng quà động viên. Anh Linh cho biết, mỗi lần nhận nhiệm vụ Tết và nhất là được lái chuyến tàu đêm Giao thừa, anh cảm thấy tự hào vì đây là chuyến tàu chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Anh em vẫn gọi vui là chuyến tàu hai năm.

 

Ông Trìu cho biết thêm, xí nghiệp đã tổ chức cho anh em lái tàu được luân phiên nghỉ trước Tết, trả sớm tiền Tết để anh em có thể sớm chăm lo cho gia đình và yên tâm với công việc. “Đội lái tàu bao giờ cũng được ưu tiên số một”, ông Trìu nói.

 

Đón giao thừa trong khoang lái

 

Để điều khiển được đoàn tàu nặng hàng nghìn tấn chạy trên đường ray trong điều kiện đường ngang dày đặc quả thật phải rất bản lĩnh. Thông thường, ban lái cách biệt với toa xe khách nên dường như nỗi cô đơn luôn hiện hữu, nhất là những đêm Giao thừa khi nhà nhà được quây quần bên nhau, thì người lái tàu vẫn phải thực hiện nhiệm vụ một cách chính xác và kỷ luật nhất.

 

Lái tàu Nguyễn Hồng Linh kể, nhiều lần lái tàu đúng đêm Giao thừa, hai anh em lái tàu kéo 12 hồi còi để chào đón năm mới. Ở dưới các toa xe khách đêm Giao thừa dù sao cũng có đầy đủ các anh em tổ tàu và hành khách nên bớt thấy cô đơn. Còn trên đầu máy chỉ có hai lái tàu nên chỉ biết kéo những hồi còi dài để đón năm mới. Tranh thủ lúc tàu vào ga nghỉ được mấy phút là gọi điện về nhà chúc Tết gia đình. Những lúc như thế, được nghe tiếng người thân, được anh em ở ga ra động viên, chúc mừng năm mới thấy ấm áp lắm. Cái nghề lái tàu vốn vậy.

 

Anh Huy cho biết, nhiều lần lái tàu đúng dịp Tết, ban lái máy đều chuẩn bị sẵn một thùng quà nhỏ gồm ít bánh kẹo được gói cẩn thận trong những chiếc túi xinh xắn. Đi dọc đường nếu gặp anh tuần đường hay chị gác chắn mà đúng lúc tàu đang đi chậm, có thể thả quà xuống tặng họ coi như lời chúc năm mới bình an. Anh tuần đường và chị gác chắn luôn là bạn với lái tàu. Những chuyến tàu có an toàn hay không cũng đều nhờ họ cả.

 

Theo quy định, mỗi một vòng tàu Bắc - Nam thì ban lái lại được nghỉ một vòng. Thế nên rất ít khi lái tàu được nghỉ trọn vẹn những ngày Tết, bởi lẽ cái nghề dịch vụ càng vào ngày nghỉ, ngày lễ, Tết thì khách đi lại càng đông, nên nhà tàu phải tăng ca, tăng chuyến. Kéo theo đó là số giờ làm việc của lái tàu cũng tăng lên. Để đảm bảo an toàn, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội kiểm tra nghiêm ngặt sức khỏe của từng lái tàu. Tất cả lái chính và lái phụ trước khi lái máy đều phải nghỉ ngơi đầy đủ, luôn tỉnh táo, không được phép uống rượu, bia. Trước khi làm nhiệm vụ, lái tàu được đo huyết áp cẩn thận, đo nồng độ cồn kỹ lưỡng... Ai không vượt qua được các bài kiểm tra này sẽ không được lái tàu.

 

Tôi hỏi ông Hoàng Ngọc Trìu tại sao không tuyển thêm lái tàu để anh em đỡ vất vả dịp Tết? Ông Trìu bảo rất muốn vậy, nhưng nghề lái tàu đòi hỏi khắt khe, dù là công nhân nhưng phải đào tạo ba năm. Hơn nữa, chỉ những ngày cao điểm lễ, Tết lượng khách đông nên lái tàu mới phải tăng cường.

 

Tết này, theo lịch trực ban, anh Linh lại tiếp tục lái chuyến tàu hai năm. Đây là lần thứ 28 anh nhận nhiệm vụ này. Chúc anh và các ban lái máy một năm mới an bình.