Như thành quy luật, cứ dịp cuối năm hoặc trong những ngày Tết, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông lại tăng cao. Nguyên nhân của các vụ tai nạn được xác định là phần lớn do "ma men" gây ra. Mặc dù là chuyện biết rồi, tuy nhiên tình trạng uống rượu bia say điều khiển phương tiện vẫn diễn ra, gây nhiều vụ tai nạn thương tâm, kiến nhiều người mất mạng, hay bị thương tật suốt đời, phải đón Xuân, đón Tết trong bệnh viện. Vì vậy, những bài học cảnh giác từ bia rượu không khi nào là cũ, nhất là trong những ngày Tết Ất Mùi.
Thông tin từ Cảnh sát Giao thông Hà Nội cho hay, trong tháng 12/2014 và dịp nghỉ tết Dương lịch năm 2015, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 158 vụ TNGT làm 53 người chết, 148 người bị thương. Đáng quan ngại, nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT nói trên xuất phát từ việc người điểu khiển phương tiện đã sử dụng bia, rượu, đồ uống có cồn trước khi tham gia giao thông. Cụ thể, 33 vụ tai nạn do rượu, chiếm tới 38,8% tổng số vụ trên địa bàn.
Còn số liệu tại Bệnh viện Việt Đức cho thấy, số người bị TNGT phải vào cấp cứu tại BV Việt Đức trong dịp Tết Ất Mùi này không hề giảm. Hầu hết những người đã phải đưa vào BV Việt Đức đều ở tình trạng rất nặng như: chấn thương sọ não, gãy đùi, cụt tay, vỡ hàm mặt, dập nội tạng, đa chấn thương...
Có quá nhiều bài học đắt giá từ việc uống rượu bia dịp tết, gây ra tai nạn thương tâm, nhưng những ngày Tết đến Xuân về, người ta vẫn tìm đủ lý do để tổ chức các cuộc rượu tới bến. Trong các cuộc rượu đó, họ tìm ra hàng trăm nghìn nguyên nhân để uống: đúng uống, sai uống, thưởng cũng cạn, mà phạt thì cũng cạn ly 100%... Tâm lý cả nể, ham vui khiến không it người khi tỉnh dậy mới thấy mình ... đang trong bệnh viện, mới cảm nhận được hậu quả ghê gớm do rượu bia gây ra.
Chị Nguyễn Thị Thiện, sống ở quận Cầu Giấy cho biết, mỗi dịp tết hai vợ chồng chị phải về quê nội và ngoại ở hai tỉnh khác nhau. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho cả nhà chị luôn phải sát sao bên cạnh chồng. Mỗi khi chồng chuẩn bị nâng cốc chúc tụng, chị lại ra "ám hiệu" để anh chồng dừng lại, đủ tỉnh táo lái xe. Chị Thuận phàn nàn việc hạn chế chồng uống rượu ngày tết rất khó, bởi đi đến đâu họ hàng, bạn bè cũng mời nâng ly. Nếu không kiên quyết từ chối thì nhiều khi cả nhà bị tai nạn oan, ...
Còn chị Mai Hiên nhà ở quận Ba Đình phản ánh hiện có nhiều người cứ uống rượu là ép tới bến nên xuất hiện ngày càng nhiều người khi bị ép, lại cả nể, dẫn đến say mèm, đi đứng loạng choạng gây tai nạn giao thông. Vui Xuân mà rượu bia triền miên là một mối lo lớn. Đã đến lúc phải thay đổi văn hóa uống rượu - chị Mai Hiên nói.
Theo một con số thống kê, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 2,7 tỷ lít bia và 350 triệu lít rượu. Như vậy, chia bình quân cho 90 triệu người dân Việt Nam thì mỗi người khoảng 16 lít bia và 4 lít rượu, số lượng rượu bia này, phần nào nói lên con số tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn toàn quốc.
Để ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu bia, gây tai nạn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có kế hoạch mở đợt cao điểm xử lý người uống rượu bia điều khiển phương tiện trên toàn quốc từ 1/12/2014 đến hết ngày 28/2/2015.
Vẫn biết, ngăn chặn việc uống rượu bia, nhất là trong dịp Tết rất khó, nhưng để đảm bảo tính mạng cho mình và cho người khác, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật pháp khi tham gia giao thông; mỗi cơ quan, tổ chức và mỗi gia đình cần nhắc nhở đối với nhân viên và người thân chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Đặc biệt, đối với người đã uống rượu, bia thì không tham gia giao thông để tránh hậu quả cho gia đình, bản thân và xã hội, nhất là dịp Tết đến Xuân về./.