Năm 2015, một thông điệp được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát đi đã tạo dư luận rất tích cực đối với toàn xã hội, đó là quyết tâm "không còn xe quá tải lưu thông" trên đường.
Đây là việc làm khó, không chỉ đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt trong xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng ở mỗi địa phương mà còn phải có những giải pháp quản lý tận gốc, mang tính dài hạn.
Ở tỉnh ta, thời gian qua, dù các ngành chức năng đã có không ít biện pháp quản lý, từ lập chốt, bố trí cân tải trọng lưu động và thường xuyên cơ động tuần tra xử lý, nhưng bằng cách này hay cách khác, nhiều phương tiện vận chuyển quá tải vẫn lưu thông chót lọt. Ghi nhận từ thực tế cho thấy, các phương tiện chở quá tải tìm đủ mọi cách để tránh né trạm kiểm soát. Trong đó, chủ yếu là lợi dụng thời tiết xấu, thời gian nghỉ giữa giờ, đêm khuya hoặc móc ngoặc với cò mồi để dẫn xe đi đường tắt hay tổ chức vượt qua trạm kiểm soát. Không ít trường hợp sử dụng hóa đơn, phiếu cân, giấy xuất kho hoặc các chứng từ giả để qua mặt cán bộ kiểm soát tải trọng.
Thời gian qua, báo chí đã đề cập đến một số tuyến đường thường xuyên xuất hiện xe vận chuyển quá tải chạy qua địa bàn như tuyến Quốc lộ 1B, Quốc lộ 37, Quốc lộ 3 cũ, đường cao tốc Hà Nội Thái Nguyên và một số tuyến đường tỉnh. Gần đây nhất là tình trạng nhiều xe chở quá tải trốn trạm kiểm soát của lực lượng chức năng tại Quốc lộ 37 chạy vào các đường tỉnh (thuộc địa bàn huyện Định Hóa và Đại Từ) làm hư hỏng nghiêm trọng hạ tầng giao thông. Rồi trên tuyến tỉnh lộ 269 từ khu vực Mỏ sắt Trại Cau ra thị trấn Chùa Hang vẫn thỉnh thoảng xuất hiện xe vận chuyển tải trọng lớn. Lực lượng Công an giao thông, Thanh tra giao thông và các đơn vị hỗ trợ khác thời gian qua đã cùng phối hợp tăng cường tuần tra, lập chốt cân tải trọng ở hầu hết các tuyến đường huyết mạch. Tuy vậy, theo đánh giá chuyên môn, các biện pháp đó vẫn chưa gải quyết được tận gốc vấn đề này. Nếu tình trạng "cấm tránh, đuổi chạy" cứ diễn ra đều đều như thời gian qua thì quả thật rất khó có thể xử lý triệt để tình trạng quá tải trên địa bàn như theo chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Qua đây có thể nhận thấy, lâu nay chúng ta chủ yếu tập trung quản lý hoạt động vận tải trên các trục đường. Mặc dù đó là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết song vẫn là chưa đủ. Bởi chúng ta đều biết, khi các phương tiện vận chuyển quá tải bị xử lý nghĩa là phương tiện đó đã vi phạm quy định và chí ít cũng chạy được một quãng đường nhất định và đã gây hại cho hạ tầng giao thông. Thường khi xử lý, lực lượng chức năng đều yêu cầu chủ phương tiện san tải, điều đó gây nhiều phiền hà, mất thời gian, công sức và chi phí cho cả đơn vị xử lý lẫn chủ phương tiện. Nếu kiểm soát tải trọng ngay từ nơi giao nhận hàng hóa thì chắc chắn sẽ không chỉ giảm thiệt hại mà còn mang lại nhiều tiện ích.
Năm 2014, năm đầu tiên triển khai thực hiện siết chặt quản lý tải trọng phương tiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các lực lượng chức năng của tỉnh: "Kiên quyết xử lý theo thẩm quyền đối với người vận tải và người bốc, xếp hàng hóa vi phạm quy định tải trọng; báo cáo và đề xuất xử lý đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, kinh doanh kho cảng, kho bãi, ga đường sắt, các đơn vị cung ứng hàng hóa không thực hiện đúng quy định về bốc xếp hàng hóa lên xe ô tô, chở hàng quá tải trọng quy định". Đầu năm 2015, trước tình hình xe quá tải vẫn chưa được xử lý triệt để, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị yêu cầu: UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải, Công an tỉnh và các ngành chức năng triển khai thực hiện tốt Năm an toàn giao thông 2015 với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý tình trạng xe quá tải trọng phá hoại cầu đường, gây mất an toàn giao thông. Thực hiện nghiêm túc kế hoạch liên tịch giữa Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Công an về phối hợp xử lý xe quá tải; làm tốt công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới, đặc biệt đối với xe vận tải hàng hóa; duy trì thường xuyên và hiệu quả hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe; xử lý triệt để với các phương tiện tự ý cải tạo, cơi nới thành, thùng xe để chở hàng quá tải trọng...
Đây được xem là những chỉ đạo quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị ở địa phương trong quản lý hoạt động vận tải trên địa bàn. Tuy nhiên, nếu chỉ có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị chức năng thôi là chưa đủ. Trong vấn đề này, sự thấu hiểu, chấp hành quy định về tải trọng của chủ doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện cũng như các đơn vị, cơ sở sản xuất, bốc xếp hàng hóa mới thực sự quan trọng.
Gần đây, khi trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho rằng, để quản lý triệt để tình trạng vận chuyển quá tải cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Trước tiên là phải tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là của lực lượng thực thi công vụ. Tiếp đến, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chấp hành quy định tải trọng xe cơ giới đến tất cả người dân, trong đó tập trung vào các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động vận tải. Mặt khác, phải quan tâm xử lý tận gốc tình trạng quá tải ngay từ khâu nhập xe, đăng kiểm xe đến khâu xuất hàng. Với trách nhiệm của mình, trong năm 2015, ngành Giao thông - Vận tải sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xe vận tải còn cơi nới thùng hàng, kiểm tra các doanh nghiệp vận tải về chấp hành quy đinh tải trọng theo quy định. Nghĩa là, không những siết chặt xử lý chủ xe, lái xe mà còn cả chủ cơ sở cung ứng hàng hóa.