Đó là ý kiến của PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Giám đốc Trung tâm tư vấn, giám định dân sự khi trao đổi với báo chí xoay quanh đề xuất mới đây của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về hình thức xử phạt đối với những trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Phóng viên (PV): Thưa ông, xin ông cho biết ý kiến về đề xuất tịch thu phương tiện nếu lái xe có nồng độ cồn vượt quá quy định của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia?
PGS. TS Hoàng Mạnh Hùng: Với mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến hành vi sử dụng rượu bia, tôi cho rằng, đây là một đề xuất hoàn toàn phù hợp với tình hình giao thông ở Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, đề xuất đưa ra trong thời điểm này là khó khả thi. Nhìn ra các quốc gia phát triển trên thế giới, đa số họ chỉ phạt nặng về mặt tài chính đối với hành vi này, chứ ít có quốc gia nào áp dụng tịch thu phương tiện. Hơn nữa, khi xây dựng đề xuất, cơ quan soạn thảo cần phải tính đến các quy định liên quan trong Hiến pháp, Luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Chúng ta phải tính toán, xem xét thật kỹ để tránh tình trạng chồng chéo “luật đối luật”.
PV: Mặc dù mới chỉ là kiến nghị, nhưng hiện nay, đã có rất nhiều luồng ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất này. Vậy theo ông, chúng ta nên giải quyết vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng: Theo tôi, chúng ta nên tạm dừng đề xuất này để tiếp thu thêm ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, của cơ quan thông tin đại chúng và đặc biệt là của người dân.
Cùng với xây dựng luật, chúng ta cũng phải từng bước thông tin để người dân nắm được cụ thể các quy định; ví dụ: Khi kiểm tra nồng độ cồn thì quy tắc như thế nào, hay vấn đề xử lý xe bị tịch thu ra sao. Bên cạnh đó, vấn đề về thẩm quyền tịch thu phương tiện khi vi phạm cũng cần được lấy ý kiến rộng rãi.
Tôi cho rằng, vấn đề lớn nhất khi đưa ra đề xuất này là làm sao vừa đảm bảo được mục tiêu giảm số người chết do tai nạn giao thông, vừa thể hiện tính công bằng, nghiêm minh của luật pháp với mọi người tham gia giao thông.
PV: Theo ông, về mặt luật pháp, chúng ta cần dựa trên những yếu tố nào để có được một kiến nghị thực sự đúng pháp luật và đi vào thực tế?
PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng: Tôi cho rằng, Hiến pháp 2013 là căn cứ, là "tấm gương" để chúng ta "soi" vào đó xây dựng luật. Trong trường hợp này, nếu phương tiện là tang vật phạm tội hình sự thì tịch thu là điều không phải bàn. Nhưng đối với vi phạm hành chính, sự thay đổi này sẽ kéo theo một loạt những phát sinh như: Quyền bảo hộ của công dân, chủ sở hữu phương tiện, vấn đề tiêu cực trong xử phạt …Ở đây, chúng ta xây dựng luật phải dựa trên sự xem xét, làm sao các giải pháp dung hòa được tất cả những phát sinh thì quy định mới có thể đi vào thực tế.
PV: Vậy theo ông, làm thế nào để người dân có thể hiểu thấu đáo mục đích của quy định này, hạn chế những bức xúc không đáng có?
PGS. TS Hoàng Mạnh Hùng: Tôi cho rằng, trước hết, chúng ta cần ban hành Luật về rượu, bia trước khi đưa ra đề xuất này, vì bao giờ Nghị định cũng phải dưới Luật.
Thứ hai, với trình độ hiểu biết về luật pháp còn hạn chế của người dân hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, liên tục đăng tải thông tin để người dân thấy được tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, cũng như những quy định về xử phạt.
Thứ ba, nếu kiến nghị này được thông qua, chúng ta phải có một khoảng thời gian để người dân hiểu và nắm được, ví dụ như Luật Giám định tư pháp, Quốc hội thông qua năm 2012, nhưng phải đến tháng 1/2013 mới được áp dụng. Quan trọng hơn, mỗi khi ra một quy định mới, nhà làm luật phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong cả một hệ thống pháp luật hiện hành. Theo tôi, công tác chuẩn bị ở đây phải đặc biệt được coi trọng.
PV: Xin cảm ơn ông!