Nhiều người dân chưa hiểu biển điểm đón trả khách tuyến cố định

08:51, 31/03/2015

Thực hiện Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), tỉnh ta đã hoàn thành việc cắm biển báo “Bến xe khách - Điểm đón, trả khách tuyến cố định” vào đầu tháng 12-2013.

Theo quy định, xe khách tuyến cố định phải đón trả khách tại khu vực đặt biển báo, tuy nhiên, thực tế sau hơn 1 năm triển khai, các nhà xe chưa chấp hành nghiêm chỉnh việc đón trả khách đúng điểm quy định và nhiều người dân vẫn chưa hiểu nội dung biển báo.

 

Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT của Bộ GTVT ban hành ngày 6-8-2013 quy định về quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách; vận tải hàng hóa bằng xe ô tô; dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; trạm dừng nghỉ đường bộ thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ; trong đó có quy định cho phép cắm các biển báo điểm dừng, đón trả khách trên các tuyến Quốc lộ. Thực hiện Thông tư này, đầu tháng 12-2013, Sở GTVT đã hành thành việc cắm 54 biển báo “Bến xe khách - Điểm đón, trả khách tuyến cố định” trên các tuyến Quốc lộ thuộc địa bàn tỉnh. Theo đó, tuyến Quốc lộ 3 có 26 điểm, Quốc lộ 37 có 18 điểm, Quốc lộ 1B có 10 điểm, vị trí các điểm cách nhau 5km. Theo quy định, xe khách tuyến cố định chỉ được đón, trả khách tại biển báo “Bến xe khách - Điểm đón, trả khách tuyến cố định”, tuy nhiên qua thực tế hơn 1 năm qua cho thấy, nhiều người dân chưa hiểu nội dung của biển báo “Bến xe khách - Điểm đón, trả khách tuyến cố định”, không đón xe tại điểm và nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành việc dừng, đón trả khách đúng biển báo quy định.

 

Tìm hiểu thực tế tại các điểm đón, trả khách tuyến cố định trên Quốc lộ 37 đoạn qua địa bàn huyện Đại Từ, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến của người dân. Ông Phùng Văn Tống, ở phố Chợ 1, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), có nhà cạnh biển báo “Bến xe khách - Điểm đón, trả khách tuyến cố định” cho biết: Tôi thấy biển báo này cắm đã lâu nhưng đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu nội dung của biển báo là gì, xe nào dừng tại đây. Tôi cũng rất ít khi thấy người đứng đón xe khách tại khu vực này. Còn ông Nguyễn Văn Thơm, xóm Gò Thang, xã Khôi Kỳ (Đại Từ), làm nghề cắt tóc gần biển báo “Bến xe khách - Điểm đón, trả khách tuyến cố định” ở thị trấn Hùng Sơn thì nói: Thi thoảng tôi thấy có người đứng đón xe buýt tại đây chứ chưa thấy ai đón xe khách liên tỉnh cả.

 

Không chỉ ở huyện Đại Từ, trao đổi với một số người dân sống gần biển báo “Bến xe khách - Điểm đón, trả khách tuyến cố định” trên tuyến Quốc lộ 3 đoạn qua thị trấn Giang Tiên (Phú Lương), chúng tôi cũng nhận được câu trả lời: không biết nội dung biển báo hoặc chưa từng đứng đón xe khách tại biển báo. Theo người dân sống tại đây thì từ khi có biển báo giao thông này, chính quyền địa phương không tổ chức tuyên truyền về nội dung biển báo, còn người dân thì vẫn đón được xe khách ngang đường nên không quan tâm đến vị trí biển báo. Bà Đỗ Thị Vân, ở phố Giang Bình, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) nói: Từ trước đến nay, tôi vẫn đón xe khách ngang đường, nhà tôi lại xa biển báo “Bến xe khách - Điểm đón, trả khách tuyến cố định” nên dẫu có biết vị trí biển báo, tôi vẫn đón xe khách ở vị trí gần nhà.

 

Qua tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng này không chỉ xảy ra ở huyện Đại Từ, Phú Lương mà ở hầu hết các huyện trong tỉnh. Nguyên nhân là do thói quen đón xe khách ngang đường của người dân và lái xe nhiều năm qua. Nhiều người dân cho rằng, việc đón xe khách tại các điểm quy định chưa phù hợp với xã hội hiện nay, do đó, cắm các biển báo gây lãng phí cho xã hội, không đáp ứng được nhu cầu đi lại hợp lý của người dân. Còn một số lái xe khách chia sẻ, mặc dù biết rất rõ đón khách dọc đường là vi phạm, lái xe sẽ bị cảnh sát giao thông phạt từ 1 đến 2 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày nhưng xe dời bến lượng khách rất ít, có xe 30 chỗ chỉ có 3 khách, nếu không đón thì xe chạy cả tuyến không đủ tiền đổ xăng. Ngoài ra, nhiều xe vẫn đón khách ngang đường, nếu không đón khách ngang đường sẽ chịu thiệt.

 

Có thể thấy rằng, mục đích việc cắm biển báo “Bến xe khách - Điểm đón, trả khách tuyến cố định” là rất tốt, nhằm hạn chế xe vừa chạy vừa bắt khách dọc đường, tranh giành hành khách của các hãng xe khác, gây hỗn loạn giao thông, mất an toàn cho người đi đường và ổn định trật tự hoạt động vận tải khách. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần xét một thực tế là thói quen bắt xe khách ngang đường đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên không thể thực hiện trong “một sớm, một chiều” do đó, ngành chức năng, chính quyền địa phương nên xem xét tăng cường tuyên tuyền tới người dân, có biện pháp quản lý, xử lý xe khách vi phạm để từng bước đưa hoạt động vận tải khách vào quy củ, trật tự.