Nhiều người dân vẫn không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông

10:43, 23/03/2015

Hiện nay, trên các tuyến đường nông thôn huyện Phú Bình, tình trạng người dân không đội mũ bảo hiểm còn khá phổ biến. Điều này không chỉ đe dọa đến tính mạng mỗi người mà còn gây phản cảm, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông.

Trên các tuyến đường trên địa bàn huyện từ Quốc lộ 37 cho đến đường liên xã, liên thôn, nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm Luật giao thông đường bộ với các lỗi: phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người cho phép. Việc chấp hành Luật giao thông đặc biệt là quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông như… chưa từng tồn tại ở đây. Tại UBND xã Nga My, Úc Kỳ, Thượng Đình… hầu hết người dân đến đây làm việc đều không đội mũ bảo hiểm, vậy nhưng không thấy bất kỳ ai nhắc nhở. Anh Nguyễn Văn Tuấn, 25 tuổi, xóm Đồng Hòa (Nga My) đến UBND xã làm hồ sơ xin việc cho biết: Tôi nghĩ là đường làng, đi lại cũng gần và không thấy có lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nên từ trước đến giờ, đi trong xã tôi gần như không đội mũ bảo hiểm. Cá biệt hơn, một số trường hợp cán bộ xã cũng “lười” đội mũ, mang theo chỉ để treo ở xe, một số khu vực đông người tập trung như chợ, trạm y tế, người dân từ già đến trẻ đều không chấp hành đội mũ bảo hiểm.

 

Nga My là xã đông dân với hơn 10.000 nhân khẩu, khoảng cách từ xóm nọ đến xóm kia hay từ các xóm đến trụ sở UBND cũng tầm 5 - 6km. Hơn nữa, tuy địa bàn rộng nhưng vẫn còn nhiều tuyến đường lầy lội, nhiều đá sỏi, nhiều tuyến đường bê tông nay đã xuống cấp, nứt, vỡ thành từng mảnh lớn gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Các tuyến đường mới được xây dựng lại tập trung ở trường học, trạm xá, làng nghề nên lượng người qua lại rất đông với tình trạng người dân “ngại” đội mũ như thế này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn xảy ra.

 

Tương tự, tại xã Úc Kỳ, xã Thượng Đình… dù giáp ranh với Quốc lộ 37 nhưng người dân cũng chwua chấp hành việc đội mũ bảo hiểm. Ông Dương Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Thượng Đình cho biết: Thời gian qua, xã phối hợp với Ban An toàn giao thông, công an huyện tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phát tờ rơi, tài liệu về an toàn giao thông về trưởng xóm, để tuyên truyền trong những cuộc họp dân. Song vẫn còn rất nhiều người không chấp hành do ý thức còn hạn chế và chủ quan.

 

Theo số liệu của Đội CSGT Phú Bình, năm 2014 đơn vị đã lập biên bản xử lý 3.112 trường hợp vi phạm, trong đó riêng với mũ bảo hiểm là 1.339 trường hợp. Từ đầu năm 2015 đến nay có 303 vi phạm trong đó không đội mũ là 156 trường hợp, 9 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh... Tuy nhiên, đây chỉ là con số vi phạm trên Quốc lộ 37, với đường liên xã, liên thôn do lực lượng tuần tra ít nên không có xử lý vi phạm.

 

Theo Thiếu tá Hứa Thanh Ngân, Đội trưởng Đội CSGT huyện Phú Bình cho biết việc chấp hành đội mũ bảo hiểm của người dân còn nhiều hạn chế, nhất là với thanh thiếu niên. Họ có suy nghĩ rất thiếu trách nhiệm khi cho rằng: “Đi đường liên thôn, liên xã thì… không cần phải đội mũ bảo hiểm” do vậy tình trạng này diễn ra khá phổ biến. Chúng tôi cũng tổ chức các buổi tuyên truyền, cung cấp hỗ trợ đơn vị trường học một phần về kinh phí, kỹ thuật để xây dựng tuyên truyền bằng sân khấu hóa… tuy nhiên, hiệu quả cũng chưa cao.

 

 Thực tế cho thấy, ngoài lực lượng cảnh sát giao thông, Ban An toàn giao thông cấp xã nhiều nơi hoạt động vẫn mờ nhạt, chưa phát huy hết vai trò của mình. Việc tuyên truyền về Luật giao thông vẫn chưa nhiều, chưa sâu ở các thôn, xóm. Đặc biệt, dù lực lượng công an xã, công an viên khá đông nhưng thời gian qua cũng chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình.

 

Thiết nghĩ, để đảm bảo an toàn giao thông nông thôn, các địa phương, nhất là chính quyền các xã, thị trấn, đi đôi với việc tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT, cần phối hợp với ngành chức năng của địa phương để khảo sát, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông. Ðối với các điểm giao cắt đường liên xã, liên thôn với trục đường chính, lực lượng công an huyện, công an xã cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn cho người dân tham gia giao thông thuận lợi; kiên quyết xử lý các vi phạm để đảm bảo được an toàn giao thông ở các vùng nông thôn.