Những người gác đường

18:38, 13/03/2015

Trên tay cầm gậy hiệu lệnh, cổ đeo còi giống như cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, nhưng họ lại không có quyền xử phạt lỗi vi phạm mà chỉ tuyên truyền, giải thích người đi bộ, xe máy, xe thô sơ không được đi vào đường cao tốc.

Trời mưa rả rích cả tuần, ở gầm cầu vượt qua đường cao tốc, nút giao Yên Bình (thuộc địa phận huyện Phổ Yên), mùi đất, mùi xú uế  bốc lên thật khó chịu, nhưng anh Phạm Văn Trọng, xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên, là công nhân hợp đồng của Công ty cổ phần Quản lý và Đầu tư xây dựng công trình giao thông 238, cả ngày phải đứng ở đó để gác người đi bộ, xe máy, xe thô sơ đi vào đường cao tốc. Hằng ngày, anh Trọng phải canh chốt từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, liên tục dõi trên đường cao tốc xem có trường hợp nào vi phạm thì vẫy ra hiệu cho họ quay lại. Anh Trọng cho biết: Mỗi ngày bình quân anh ngăn chặn từ 30 đến 40 trường hợp là người đi bộ, xe máy, xe thô sơ đi vào đường cao tốc.

 

Tôi hỏi: Không có chức năng xử phạt, người mắc lỗi đi vào đường cao tốc có nghe theo lời hướng dẫn của anh không ?

 

- Có người khi được tôi giải thích, họ hiểu ra và quay xe lại, nhưng cũng có nhiều trường hợp khi tôi giải thích họ phản ứng gay gắt. Anh Trọng nhớ lại: Khoảng đầu tháng 2 mới đây, có một đám thanh niên nhuộm tóc đỏ đi xe máy vào đường cao tốc, tôi ra ngăn họ lại, nhưng chưa kịp giải thích thì bị một thanh niên văng tục rồi gạt tôi ngã, sau đó cả nhóm la hét, phóng xe chạy tiếp trên đường cao tốc. Khoảng thời gian giờ này năm ngoái, cũng ở nơi này, có một trường hợp đi xe máy vào đường cao tốc, thấy công an đứng phía trước, họ sợ nên quay đầu xe lại, do không nhìn phía sau đã bị xe ô tô chạy tốc độ cao đâm vào.

 

Không được thuận lợi như anh Trọng có gầm cầu để trú tạm khi trời mưa, em Nguyễn Văn Duy, 23 tuổi làm nhiệm vụ gác lối rẽ vào đường cao tốc tại nút giao Sông Công chỉ có một chiếc ô nhỏ để tránh mưa, tránh nắng, Duy cho biết: Chiếc ô được Công ty phát cho cách đây 3 tháng. Mưa nhỏ còn dùng ô được, nếu trời mưa nặng hạt em phải chạy vào nhà dân để trú tạm, khi nào ngớt mưa lại ra canh đường.

 

Khoản 4 Điều 26 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô và máy kéo; xe máy chuyên  dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Căn cứ điểm e Khoản 4 Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 quy định về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ thì hành vi điều khiển xe đi vào đường cao tốc (trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc) sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng. Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cũng chính thức kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện nếu đi vào đường cao tốc.

Nhà Duy ở xã Tiên Hội, huyện Đại Từ. Duy đã tốt nghiệp cao đẳng kinh tế cách đây 3 năm, nhưng chưa xin được việc làm nên em vào làm hợp đồng thời vụ cho Công ty cổ phần Quản lý và Đầu tư xây dựng công trình giao thông 238. Vì nhà cách chỗ làm gần 30 cây số, nên ngày nào Duy cũng phải dậy từ 5 giờ sáng để 6 giờ có mặt làm nhiệm vụ.

 

Duy bảo: Ở thị xã Sông Công có nhiều nhà máy, nên công nhân từ thành phố Thái Nguyên về làm việc khá đông, nhiều người đi bộ, xe máy, tiện thể cứ đi vào đường cao tốc. Trung bình mỗi ngày, Duy hướng dẫn khoảng 30-40 trường hợp đi vào đường cao tốc sai quy định. Không chỉ ngăn người đi bộ, xe máy, xe thô sơ đi vào đường cao tốc, nhiều người về Hà Nội lại đi nhầm sang đường lên Thái Nguyên và ngược lại, những lúc như vậy, Duy lại ân cần hướng đề họ đi đúng phần đường.

 

Tại đường rẽ nút giao Tân Lập, thành phố Thái Nguyên, mấy ngày hôm nay, em Nguyễn Nhật Minh, ở phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên thay mẹ làm nhiệm vụ gác đường vì mẹ em bị ốm. Minh tâm sự: Buồn lắm chị ạ! Lỗi vi phạm đi vào đường cao tốc khá nhiều, khi em nhắc nhở rất ít người chấp hành, có người còn văng ra những lời tục tĩu, chửi bới.

 

Chia tay 3 người gác lối rẽ vào đường cao tốc (đoạn qua tỉnh Thái Nguyên) tôi nghĩ: Giá như, những người tham gia giao thông có ý thức hơn, thì họ đã không phải vất vả đội mưa, đội gió đứng gác đường từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối như vậy?