Nền kinh tế phát triển đã, đang thúc đẩy sự lớn mạnh của ngành Kinh doanh vận tải nhằm giải quyết nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá của các thành phần trong xã hội.
Mặc dù vậy, không ít người làm nghề “nắm vô-lăng” lại chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của nghề mình đang làm nên có lối sống buông thả, tự đánh mất nhân cách khi vin vào lý do: Môi trường làm việc phức tạp, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn trong những chuyến hành trình dài phải xa gia đình...
“Có sừng, có ngạnh mới sống được”
Bắt đầu từ năm 1995, Nhà nước đã “mở cửa” ngành Vận tải nên có nhiều thành phần kinh tế trong xã hội cùng tham gia kinh doanh lĩnh vực này và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá các doanh nghiệp kinh doanh vận tải do Nhà nước nắm giữ. Từ đó, người làm nghề lái xe ô tô của các doanh nghiệp vận tải chẳng khác mấy so với lao động tự do ngoài xã hội bởi cơ chế khoán chi phí, khoán doanh thu theo đầu xe hoặc lượng hàng hoá, hành khách phải vận chuyển. Cạnh tranh khốc liệt do có nhiều thành phần tham gia, chế tài quản lý và hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển nên những người làm nghề lái xe phải “thích ứng” để tồn tại. Anh Đ.V.Đ làm nghề lái xe ô tô khách tuyến Thái Nguyên - Quảng Ninh tâm sự: Để đảm bảo nguồn thu nhập, mỗi chuyến xe phải có đủ lượng khách nhưng người đi lại ngày thường thì ít nên chúng tôi phải giành khách với xe ô tô khách khác chạy cùng tuyến. Ở bến xe và dọc hành trình, lái xe hiền lành quá sẽ bị bắt nạt nên không có sừng, có ngạnh khó sống trong nghề này! Còn anh N.C.T lái xe ô tô tải trọng lớn cho một doanh nghiệp ở phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) chuyên chở vật liệu xây dựng đi hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và ngược lại cho biết: Hành trình dài nên chủ xe khoán chi phí, lái xe tự lo chuyện ăn cơm dọc đường, ngủ đêm trên xe.
Thời gian chờ bốc dỡ hàng hoá, cánh lái xe chẳng có việc gì làm lại tụ tập đánh bài ăn tiền hoặc tham gia những trò giải trí khác nên đã là lái xe đường dài chẳng có tật này cũng có tật kia. Khi hành nghề, nhiều người lái xe ô tô chở khách, chở hàng còn ăn mặc “hầm hố”, xăm trổ trên người những hình thù quái dị, văng tục, chửi bậy và luôn hành xử theo kiểu “chợ búa” khiến mọi e ngại khi giao tiếp, coi thường. Chị Nguyễn Thị Hiền có 2 năm học cao học ở Hà Nội nên hay đi xe ô tô khách cho biết: Khi khách chưa lên xe, lái xe, phụ xe nói rất ngọt ngào, lễ phép mời chào. Nhưng đã yên chỗ mà thắc mắc chuyện ngồi chật, xe chạy lòng vòng bắt khách, muốn xuống đi xe khác là bị nghe những lời nói xúc phạm thậm tệ. Tôi được chứng kiến một bác cao tuổi không chịu cảnh xe ô tô khách chạy như rùa bò nên muốn xuống đi xe khác, bị lái xe gọi ngay là thằng rồi mở cửa đẩy xuống. Có trường hợp người bị xúc phạm phản ứng lại, ngay lập tức bị lái xe, phụ xe đe dạo, hành hung… Những thói hư, tật xấu của một số người làm nghề lái xe chẳng những bị hạn chế đi mà người vào nghề sau lại học đòi theo người làm nghề trước nên xã hội đã có câu nói: “Trai nghề lái”…
Lực lượng hùng hậu
Tính đến hết năm 2014, Sở Giao thông - Vận tải đã cấp phép cho 45 tổ chức có pháp nhân được cấp phép kinh doanh vận tải hành khách đang quản lý 360 xe ô tô khách chạy tuyến cố định và 561 xe ô tô tắc-xi. Cùng đó là trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận tải hàng hoá nên lực lượng chuyên làm nghề lái xe ô tô để kiếm sống khá hùng hậu. Theo thống kế của ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh có 19 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tắc-xi, quản lý thường xuyên 510 lái xe, 20 doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải hành khách đường dài với 431 lái xe; 3 doanh nghiệp có ô tô nhận hợp đồng chở thuê với 25 lái xe. Riêng lĩnh vực vận tải hàng hoá, cơ quan quản lý chưa thống kê được số lái xe chuyên tham gia kinh doanh. Ông Bùi Xuân Trưởng, Trưởng phòng Quản lý Vận tại (Sở Giao thông-Vận tải) cho biết: Thực hiện các giải pháp để kiềm chế tai nạn giao thông, thời gian quan, chúng tôi đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra sức khoẻ bắt buộc đối với tất cả lái xe đang làm việc tại các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải hành khách. Qua các đợt kiểm tra bắt buộc có 55 lái xe cố tình lẩn tránh, không đi khám sức khoẻ. Chúng tôi nghi ngờ trong số 55 lái xe ô tô này có thể đã dùng chất kích thích nên yêu cầu chủ doanh nghiệp có biện pháp kiểm tra sức khoẻ, nếu không đảm bảo buộc không cho điều kiển phương tiện tham gia giao thông...
Đối với chủ các cơ sở kinh doanh vận tải hành khách, hàng hoá trên địa bàn tỉnh đã và đang có nhiều giải pháp để chọn lựa lái xe có tay nghề giỏi, tư cách đạo đức tốt. Anh Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc hãng tắc-xi Thái Bảo cho biết: Lái xe trực tiếp quản lý khối tài sản lớn nên khi xảy ra tai nạn, gây hậu quả, doanh nghiệp phải gánh chịu là chính. Do vậy, khi tuyển dụng, ngoài đề cao tay nghề, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến tư cách đạo đức người lái xe. Hiện đơn vị có 70 lái xe đã gắn bó nhiều năm nên chúng tôi yên tâm về nghiệp vụ và tư cách khi quan hệ với hành khách. Công ty cổ phần vận tải Khánh Thịnh lại sử dụng thiết bị giám sát hành trình để quản lý phương tiện và lái xe đối với tất các tua mà đơn vị hoạt động kinh doanh. Anh Lương Văn Thưởng, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Khánh Thịnh thông tin: Khi hành nghề, lái xe, phụ xe phải tự giác chấp hành quy định của pháp luật, nội quy của Công ty. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải có những biệt pháp riêng để điều hành, quản lý và khuyến khích hành khách phản ánh trực tiếp về Công ty theo các số máy nóng niêm yết trên xe.
Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản được xác định nguyên nhân là do lái xe sử dụng chất kích thích hoặc do vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Người lái xe do những lỗi chủ quan gây tai nạn để lại hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự. Vậy, để không gây hại cho người tham gia giao thông, bản thân, mỗi người làm nghề lái xe phải chấp hành nghiêm quy định của Luật giao thông đượng bộ và rèn cho mình sự đức độ, tính cận trọng, tránh buông thả trong sinh hoạt, khi hành nghề…