Với đề xuất tịch thu phương tiện nếu tài xế say, nhiều người cho rằng phải nặng như vậy mới đủ sức răn đe.
Mạnh tay là vì tính mạng con người
Dư luận đang nóng với đề xuất mới của Ủy ban ATGT Quốc gia về việc người điều khiển ôtô, xe máy có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu có thể bị tịch thu phương tiện. Có những ý kiến cho rằng chưa hợp lý, nhưng nhiều người tỏ ra đồng tình và ủng hộ biện pháp “tịch thu xe nếu quá chén”.
Bạn Lương Thị Lim – sinh viên trường Đại học Công đoàn nói: “Em hoàn toàn ủng hộ việc xử lý mạnh tay với những tài xế không kiểm soát được bản thân, uống rượu quá chén rồi cầm lái, gây hiểm họa cho rất nhiều người đi đường”. Theo Lim, một khi không đủ tỉnh táo mà vẫn điều khiển cả một “khối sắt” lưu thông, không thể nói trước những hiểm họa nào có thể xảy ra. Có chế tài xử lý mạnh tay thì bản thân tài xế mới ý thức được mỗi khi vào cuộc nhậu, hoặc say quá thì tự biết không được cầm lái.
Cùng quan điểm với Lim là rất nhiều người khác lo lắng cho sinh mạng của bản thân và mọi người khi ngày càng có nhiều thông tin về tài xế say rượu gây tai nạn trên đường.
Chia sẻ trên báo An ninh Thủ đô, anh Cao Phong – một người vừa chuyển sang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản được 3 năm bày tỏ: “Không dễ để thực hiện đề xuất này do vướng về pháp lý của Việt Nam. Nhưng tôi rất ủng hộ đề xuất tịch thu đó. Cần phải có biện pháp mạnh và không chỉ riêng Bộ Giao thông Vận tải triển khai, mà phải có sự phối hợp liên ngành. Theo tôi, việc tịch thu xe nên áp dụng ở lần vi phạm thứ 3, ở 2 lần trước đó là phạt tiền thật nặng, lần sau gấp đôi lần trước”.
Trong khi đó, anh Ngô Thắng (kỹ sư điện tại Hà Nội) chia sẻ quan điểm: “Tôi cho rằng những ai từng một lần chứng kiến “xe điên” do tài xế say điều khiển sẽ ủng hộ ngay đề xuất mạnh tay mới. Cảm giác kinh hoàng khi phải né “xe điên” thực sự là rất ám ảnh”.
Thậm chí, ngay cả không ít người sở hữu xe hơi cũng tỏ ra ủng hộ đề xuất mạnh tay mới của Ủy ban ATGT Quốc gia.
Nhà chị Thu Hiền (Liên Ninh, Hà Nội) hiện có 2 chiếc xe hơi để phục vụ nhu cầu đi lại của 2 vợ chồng. Theo chị Hiền, ở vị trí là người cầm lái, chị cũng thấy sợ hãi nếu như người điều khiển không đủ tỉnh táo, cứ nhấn chân ga một lúc thì không biết bao nhiêu hiểm họa có thể giáng xuống những người đi đường quanh mình.
“Mạnh tay là cần thiết, phải siết chặt vì tính mạng của mọi người!” - Chị Hiền nhận định.
CSGT ủng hộ phạt nặng
Trả lời trên báo Đất Việt về mức độ xử phạt, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó cục trưởng Cục CSGT khẳng định: "Việc xử lý cứ theo luật mà làm thôi. Làm như vậy không nặng, phải làm theo luật, luật quy định rồi thì cứ làm và áp dụng theo luật. Nếu không muốn thế thì phải sửa đổi luật thôi".
Trong khi đó, về phía những người làm nhiệm vụ, anh N.V.C – làm việc tại đội CSGT số 7 cho rằng đề xuất này là hợp lý, nếu không làm thế thì còn ảnh hưởng đến tính mạng người tham gia giao thông.
Anh C cho rằng làm như vậy mới có sức răn đe cao. Còn trường hợp mà xe cho mượn lại bị tịch thu thì phải chịu. Vấn đề nồng độ cồn không chỉ ảnh hưởng đến người lái xe, nhiều khi người gây tai nạn không ảnh hưởng tính mạng mà lại gây thiệt mạng tới người xung quanh.
Cũng trả lời trên báo Đất Việt, anh Q. (chiến sĩ đội CSGT số 7), anh cho rằng đã uống rượu, bia thì không nên đi xe. Đúng ra đã lái xe thì phải đảm bảo an toàn tính mạng cho người khác nữa.
Về đề xuất tịch thu phương tiện có nhiều người cho rằng xử như thế là quá nặng, anh Q. giải thích vì tại người nhà người ta chưa có ai gặp tai nạn, chứ có thì người ta sẽ không kêu.
"Với lại cái này đã thành luật đâu, khi nào áp dụng mới đánh giá chính xác được. Vì nhiều vụ tai nạn giao thông chủ yếu do rượu bia" - Anh Q. tâm sự.
Cần thiết thì sửa luật
Trao đổi với Báo Giao thông Ông Nguyễn Sỹ Cương (Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) ủng hộ biện pháp mạnh trong việc xử phạt. Vì đó là một trong những giải pháp rất cơ bản giúp lập lại trật tự ATGT, nhưng biện pháp mạnh đó trước tiên phải đảm bảo cơ sở pháp lý. Trước kia, khi xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đã có những đề xuất liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính đối với xe vi phạm. Có ý kiến yêu cầu xe vi phạm bị giữ sẽ xem xét và có trường hợp tịch thu, bán sung công quỹ, nhưng vấn đề này đưa ra Quốc hội thảo luận vẫn còn nhiều ý kiến.
"Bấy lâu nay chúng ta đều nói chế tài không đủ sức răn đe, nhưng tôi thấy, điều quan trọng hơn là tỉ lệ người vi phạm bị xử phạt ở nước ta quá thấp. Nếu đứng ở một ngã tư đường thì có thể dễ dàng thấy số người vi phạm giao thông bị xử phạt chỉ khoảng 15-20%. Vậy nên, trong tiềm thức của người dân tạo thói quen rằng, những ai bị bắt và bị phạt chỉ là tình cờ thôi", ông Cương bày tỏ.
Riêng với đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia, theo ông Cương, việc tịch thu phương tiện nên áp dụng đối với những trường hợp tái phạm, còn đối với vi phạm lần đầu thì chưa nên áp dụng ngay. Để thực hiện đề xuất này, nếu cần thiết thì phải sửa luật, vì pháp luật của ta ban hành ra trong thời điểm chưa xuất hiện những tình huống điển hình. Giờ trong xã hội có tình huống phát sinh, nếu cần thiết thì phải sửa đổi cho phù hợp, có những khi vừa sửa xong nhưng cần thiết thì vẫn phải sửa đổi tiếp.
Bổ sung, Đại tá Đào Vịnh Thắng, trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội nói Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm nồng độ cồn, uống rượu, bia quá quy định khi điều khiển phương tiện đã dẫn tới những hậu quả vô cùng đau lòng. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Hiện chế tài xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
“Chúng tôi kiến nghị, đối với những vi phạm này phải xử lý thật nghiêm. Ví dụ, lái xe vi phạm lần 1 sẽ bị tước giấy phép lái xe 3 tháng. Vi phạm lần 2 thì bị tước giấy phép 6 tháng. Còn tái phạm nhiều lần sẽ bị “treo” bằng vĩnh viễn, không được phép điều khiển phương tiện. Riêng những trường hợp uống rượu, bia, điều khiển phương tiện gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, cần phải truy tố trước pháp luật để làm gương, răn đe đối với các lái xe khác”, Đại tá Thắng đề xuất.