Cần những giải pháp quyết liệt hơn

16:23, 03/04/2015

Như chúng ta đã biết, thời gian gần đây trên cả nước lại tiếp tục xảy ra những vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, làm chết  nhiều người.

Bên cạnh nguyên nhân ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn kém, hạ tầng giao thông chưa bảo đảm thì còn có nhiều nguyên nhân khác.

 

Mới đây nhất, trên tuyến đường 32 nối Hà Nội với Sơn Tây (vừa được sửa chữa, nâng cấp) đã xảy ra một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giữa 2 xe ô tô chở khách làm 5 người chết, hàng chục người bị thương. Còn theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 3 tháng đầu năm nay, số vụ TNGT xảy ra trên toàn quốc có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng số người chết lại không giảm (riêng trong tháng 3, số người chết do TNGT lên đến hơn 2.700 người, tăng 169 người so với cùng kỳ). Có một thực trạng là các vụ TNGT nghiêm trọng gây chết nhiều người thường xảy ra trên các tuyến đường ở khu vực ngoại thành (nơi mật độ người và phương tiện tham gia giao thông không quá đông đúc) và liên quan đến xe ô tô chở khách. Theo nhận định  của các ngành chức năng, nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông và tình trạng kỹ thuật phương tiện (đặc biệt là xe ô tô khách).

 

Về ý thức của người tham gia giao thông, các cơ quan chuyên môn và báo chí đã đề cập nhiều, đó là tình trạng một bộ phận người dân còn kém hiểu biết, thậm chí… coi thường Luật Giao thông. Từ đó mới dẫn đến các hành vi như sau khi uống rượu, bia mà vẫn lái xe, rồi lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ trên đường, không tuân thủ các biển báo giao thông, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy… Đối với người đi bộ thì tùy tiện sang đường, không chú ý đến các phương tiện qua lại. Tình trạng này tuy đã được tuyên truyền, cảnh báo rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa giảm, nhất là ở các vùng nông thôn mới mở đường.

 

Bên cạnh đó còn có một nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT nhưng lại chưa được lưu tâm đúng mức, đó là tình trạng bóc lột quá sức lao động đối với những người làm nghề lái xe, rồi hiện tượng “dễ dãi”, “xuê xoa” trong khâu quản lý kỹ thuật đối với các phương tiện tham gia giao thông. Theo ngành chức năng, trong những vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra thời gian gần đây (dù là ở khu vực miền núi có nhiều đèo dốc hay tại khu vực đồng bằng) đều có nguyên nhân chủ yếu là do lái xe thấm mệt (dẫn đến thiếu sự tỉnh táo cần thiết, thậm chí ngủ gật) hoặc chủ quan, không làm chủ được tốc độ; rồi do tình trạng kỹ thuật của phương tiện không bảo đảm an toàn…

 

Từ thực trạng nêu trên đòi hỏi các cơ quan quản lý, ngành chức năng cần có giải pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn những hiện tượng, hành vi tiêu cực liên quan đến lĩnh vực này, nhất là việc đào tạo, tuyển dụng lái xe cần được tiến hành chặt chẽ, kỹ lưỡng hơn (ví dụ, đối với những người không bảo đảm sức khỏe, nghiện các chất ma túy, thường xuyên uống rượu bia hoặc có tiền sử xấu với nghề thì nhất định không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông). Cùng với đó cũng cần ban hành những quy định có tính pháp lý chặt chẽ hơn trong việc sử dụng lái xe (như quy định về việc sử dụng thời gian lao động tối đa, thời gian hoạt động ban đêm, việc chấp hành pháp luật của lái xe trên đường, đặc biệt là quy định nghiêm cấm sử dụng các chất kích thích, chất cấm khi lái xe...).

 

Về tình trạng kỹ thuật phương tiện, lâu nay ngành chức năng đã duy trì công tác kiểm định nhưng hiệu quả đạt được chưa cao, chưa triệt để (theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước hiện có 120.000 xe cơ giới đã quá niên hạn sử dụng nhưng vẫn lưu thông, trong đó có 80.000 xe tải, 40.000 xe chở khách từ 10 chỗ ngồi trở lên). Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, nếu không có biện pháp quyết liệt quản lý thì chúng ta không thể ngăn chặn các vụ TNGT thảm khốc có thể xảy đến bất cứ lúc nào, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình các nạn nhân cũng như toàn xã hội...