Bến xe khách phía Nam được UBND tỉnh phê duyệt xây dựng tại phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên) trên diện tích 5,4ha với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng.
Mục tiêu của Dự án này là giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tại nạn giao thông tại một số khu vực nội thị T.P Thái Nguyên, nhất là tuyến đường Lương Ngọc Quyến. Theo kế hoạch, công trình này sẽ hoàn thành giai đoạn I để đưa vào sử dụng trong năm 2016 nhưng hiện nay công tác giải phóng mặt bằng đang bị chậm tiến độ…
Trong các khoảng thời gian từ 6 giờ 30 phút đến 8 giờ và từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút hàng ngày, tại các tuyến đường, như: Lương Ngọc Quyến; Dương Tự Minh và điểm vòng xuyến Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc phương tiện tham gia giao thông. Ngoài nguyên nhân do mật độ phương tiện trong khu vực nội thị gia tăng nhanh, còn nguyên nhân khác nữa là tình trạng xe ô tô chở khách, xe ô tô tắc-xi ra, vào Bến xe khách Thái Nguyên hàng ngày. Hiện Bến xe khách Thái Nguyên có trên 400 đầu xe ô tô khách hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại của hàng chục nghìn người mỗi ngày (đợt thi đại học, cao đẳng, THCN và lễ, tết tăng thêm 200 đầu xe ô tô khách dự phòng/ngày). Để điều tiết phương tiện, lực lượng bảo vệ của Bến xe khách Thái Nguyên, Công an T.P Thái Nguyên đã thường trực tại những khu vực hay ùn tắc, yêu cầu các nhà xe tuân thủ hành trình, giờ ra, vào bến; ngăn chặn tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để bán hàng…Tuy nhiên, do lượng phương tiện tham gia giao thông quá lớn nên tình trạng ùn tắc nhiều khi kéo dài cả một đường...
Theo kế hoạch, Bến xe khách Thái Nguyên sẽ hoàn thành giai đoạn I để đưa vào sử dụng trong năm 2016 nhằm giãn khoảng 200 đầu xe ô tô khách khỏi khu vực nội thị. Tuy nhiên, việc triển khai Dự án quan trọng này vẫn còn nhiều khó khăn công tác huy động nguồn vốn đầu tư và giải phóng mặt còn chậm so với kế hoạch đề ra. Đối với công tác giải phóng mặt bằng Dự án Bến xe khách phía Nam đã được cấp uỷ, chính quyền phường Tích Lương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chủ đầu tư Dự án (Bến xe khách Thái Nguyên) tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án nên 70 hộ gia đình ở 3 tổ dân phố:11, 12, 13 (trong đó có 21 hộ bị thu hồi đất ở) của phường Tích Lương và một số hộ gia đình có 62 ngôi mộ nằm trong vùng Dự án phải di dời. Đây là khối lượng công việc rất lớn nhưng với sự vào cuộc tích cực của cán bộ từ các tổ dân phố đến phường, cơ quan chức năng của T.P Thái Nguyên và chủ đầu tư nên đến cuối năm 2014, Trung tâm Phát triển Quỹ đất T.P Thái Nguyên đã hoàn tất thủ tục để di dời 62 ngôi mộ (kinh phí đền bù trên 600 triệu đồng); trình cấp có thẩm quyền thực hiện đền bù, thu hồi 1,9ha đất nông nghiệp (kinh phí đền bù 4,8 tỷ đồng). Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Dương Tiến Dũng, Chủ tịch UBND phường Tích Lương thông tin: Dự án xây dựng Bến xe khách phía Nam có lợi ích lớn với địa phương nên tập thể cấp uỷ, chính quyền phường đều đồng tình và 100% số hộ trong vùng ảnh hưởng của Dự án khi được tuyên truyền, vận động đã chấp thuận chủ trương thu hồi đất của Nhà nước, sẵn sàng bàn giao đất khi được giải quyết chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư theo quy định. Bước đầu, chủ đầu tư Dự án xây dựng Bến xe khách phía Nam cũng cam kết thực hiện đầy đủ các chính sách, như: Đền bù đất, tài sản trên đất theo đúng giá quy định của Nhà nước; có chính sách tái định cư theo mức 150m2 đất ở/hộ phi nông nghiệp, 250m2 đất ở/hộ sản xuất nông nghiệp (đối với những hộ phải di dời nơi ở); xây dựng 50 ki-ốt bán hàng để giải quyết việc làm cho hộ gia đình bị thu hồi diện tích đất sản xuất lớn và có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp.
Người dân đồng tình và có trách nhiệm cao; chủ đầu tư cam kết thực hiện nghiêm túc cơ chế, chính sách trong công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất nên công tác giải phóng mặt bằng Dự án Bến xe khách Thái Nguyên tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, Dự án này đang bị chậm tiến độ xây dựng các hạng mục thuộc giai đoạn I khi mà Trung tâm Phát triển quỹ đất T.P Thái Nguyên chưa bàn giao đủ 2,9ha đất để Bến xe khách Thái Nguyên thi công các công trình. Lý giải về nguyên nhân các hạng mục của Dự án Bến xe khách phía Nam chưa được triển khai, ông Lê Hồng Phong, Phó Giám đốc Bến xe khách Thái Nguyên cho biết: Năm 2011, chúng tôi có chủ trưởng đầu tư khoảng trên 99,5 tỷ đồng xây dựng Bến xe khách phía Nam nhưng do khó khăn trong việc huy động vốn nên buộc phải chia nhỏ mức đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I, chúng tôi quyết định đầu tư 30 tỷ đồng và đề nghị Trung tâm Phát triển Quỹ đất T.P Thái Nguyên bàn giao 2,9ha đất sạch vào tháng 1-2015 để chúng tôi triển khai Dự án nhưng đến nay đơn vị này vẫn chưa giải quyết xong các thủ tục đền bù, thu hồi đất.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, được biết, do những thay đổi về giá đất và quy trình thu hồi đất nên mới đây, Trung tâm Phát triển quỹ đất T.P Thái Nguyên mới hoàn tất thủ tục để trình cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi tiếp 3.800m2 đất nông nghiệp thuộc Dự án. Khó khăn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án Bến xe khách phía Nam là trong vùng Dự án có gần 4.000m2 đất và tài sản trên đất của Doanh nghiệp tư nhân Hạ Lương buộc phải di dời để bàn giao mặt bằng vì nằm ở vị trí đấu nối giữ đường 3-2 và cổng vào Bến xe khách phía Nam. Bà Đàm Thị Siêng, Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hạ Lương cho biết: Chúng tôi ủng hộ Dự án và mong các cơ quan chức năng sớm thẩm định giá trị tài sản để thực hiện hỗ trợ, đền bù theo đúng quy định của Nhà nước, giúp doanh nghiệp có nguồn kinh phí xây dựng cơ sở sản xuất ở nơi khác…Vẫn theo ông Lê Hồng Dương, nếu Trung tâm Phát triển quỹ đất T.P Thái Nguyên bàn giao đủ quỹ đất sạch, ngay trong quý II này, chủ đầu tư sẽ thực hiện đấu thầu, tiến hành xây dựng một số hạng mục thiết yếu. Phấn đấu đến giữa năm 2016 sẽ đưa Bến xe khách phía Nam vào hoạt động…
Tiến độ xây dựng Bến xe khách phía Nam nên sớm được các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh, T.P Thái Nguyên quan tâm để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Bởi, Dự án này kéo dài thời gian nào thì tình trạng ùn tắc sẽ tiếp diễn và tai nạn là nỗi lo thường trực với người tham gia giao thông tại một số tuyến đường của T.P Thái Nguyên.