Không đua xe, không đánh võng, không vượt đèn đỏ… như ở đô thị, trên quốc lộ, nhưng nhiều tai nạn thương tâm vẫn đến với những người dân nông thôn. Tư duy “đường làng ra phố” cần sớm bị loại bỏ.
Tai nạn vì coi thường luật
Người dân xã Mão Điền (Thuận Thành, Bắc Ninh) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra tại đường liên thôn trong xã hồi tháng 12/2014. Chỉ vì mạnh ai nấy đi, mà trong tích tắc, vụ tai nạn đã cướp đi sự sống của anh Nguyễn Duy Lợi ở xóm Lũy. Sự việc xảy ra vào sáng 1/12/2014, xe máy BKS 99H4-5661 do anh Nguyễn Mậu Khiết, ở xóm Bàng đi ăn cỗ cưới về, uống rượu bia, đi từ trong ngõ ra đường chính với tốc độ cao, đâm trực diện vào xe máy BKS 99F5-4677 do anh Nguyễn Duy Lợi đang đi ở đường chính. Hậu quả là anh Lợi tử vong ngay tại chỗ, vì không đội mũ bảo hiểm, đầu đập xuống đường…
Hai yếu tố chính khiến trật tự an toàn giao thông (ATGT) nông thôn thời gian qua diễn biến khó kiểm soát, là sự kém hiểu biết, thiếu ý thức chấp hành, coi thường Luật Giao thông đường bộ của không ít người dân và hạ tầng giao thông nông thôn phát triển không đồng bộ, tạo ra nhiều “bẫy” bất ngờ, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT.
Bà Nguyễn Thị Phin, thôn Nho Gia, xã Phương Liễu (Quế Võ, Bắc Ninh), người đã bị TNGT cướp đi chân phải, liệt chân trái chia sẻ: “Tôi đang đi ở đường làng, bất ngờ bị xe tải chở cát phóng nhanh va vào, may không mất mạng, nhưng sức khỏe bị giảm sút nhiều…”. Đây là hệ quả của tình trạng người gây tai nạn và người bị nạn đều mạnh ai nấy đi.
Thực tế, trật tự ATGT nông thôn đang có những diễn biến xấu, trong khi vai trò tuần tra, kiểm soát của lực lượng công an cơ sở chưa phát huy hiệu quả. Ông Hà Đại Thắng, Trưởng Công an xã Đồng Nguyên (Từ Sơn, Bắc Ninh) phân trần: “Công an xã chỉ có 10 người, trong khi kiêm nhiệm nhiều việc như: Bảo đảm an ninh trật tự, đăng ký nhân khẩu, hướng dẫn giao thông… nên không thể tập trung vào một nhiệm vụ. Thêm vào đó, công an xã không có đủ chế tài để xử phạt, như không được phép giữ xe vi phạm, nên không đủ sức răn đe...”.
Trách nhiệm người đứng đầu
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: Nguyên nhân của TNGT nông thôn còn ở mức cao là do hiểu pháp luật về trật tự ATGT của người dân khu vực nông thôn hạn chế, tỷ lệ vi phạm cao, nhất là người điều khiển xe gắn máy, chủ yếu là các lỗi uống rượu bia, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm… Để công tác tuyên truyền tới được người dân, thực chất đi vào thôn làng, cần sự vào cuộc thực sự, quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Ông Lê Nguyên Khính, Giám đốc Sở GTVT Nam Định, Phó ban ATGT tỉnh nhận định: Vận động nhân dân muốn hiệu quả phải từ các phong trào gắn với phong tục tập quán từng vùng, từng khu dân cư. Các phong trào “toàn dân tham gia bảo đảm ATGT”, “đoạn đường tự quản”, “xứ, họ tiên tiến tích cực đảm bảo ATGT”… do Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động đã góp phần tích cực giảm TNGT. Tỉnh hiện đã có hơn 300.000/500.000 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa” đi đầu trong các phong trào về ATGT.
Ở góc độ quản lý, theo ông Khuất Việt Hùng, vùng nông thôn hiện nay phải phân biệt rõ giao thông nông thôn trong đô thị và ngoài đô thị. Người dân với tư duy “đường làng ngõ xóm” trong khu vực làng xóm thì không sao, nhưng ra ngoài vùng là có thể thiệt mạng. Tuy chưa có tiêu chí ATGT chung cho các vùng nông thôn, nhưng các địa phương phải coi đây là “tiêu chí bắt buộc” để phấn đấu.
Trao đổi vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh: Bộ sẽ sớm xây dựng và ban hành quy chế: Gắn trách nhiệm cấp trưởng từ thôn, làng, xã đến huyện với các tiêu chí về ATGT và cấp trưởng phải chịu trách nhiệm với cấp cao hơn trong công tác đảm bảo ATGT. Thực tế đã chứng minh, khi bí thư, chủ tịch các cấp vào cuộc quyết liệt, các vấn đề “nóng” đều được giải quyết triệt để. Trách nhiệm quản lý từ cấp thôn, xã, phường, lên đến huyện tỉnh thể hiện rõ bằng thực tế ấy. Thời gian tới, trách nhiệm cấp trưởng và tiêu chí giảm TNGT sẽ được Bộ GTVT đề xuất với Chính phủ coi là tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Một giải pháp áp dụng khả thi ngay để giữ ATGT được nhiều địa phương đồng tình thực hiện sớm là xây dựng gờ giảm tốc trên tất cả các tuyến đường đấu nối từ đường nhỏ ra đường lớn, từ đường xã ra huyện lộ, huyện lộ ra tỉnh lộ, tỉnh lộ ra quốc lộ. Giải pháp này sẽ được các địa phương cam kết thực hiện ngay theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng.