Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, tỉnh ta bị giặc Mỹ điên cuồng đánh phá Khu công nghiệp Gang thép và các tuyến đường huyết mạnh vận chuyển hàng hoá vào chi viện cho chiến trường miền Nam.
Để mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh thông suốt, cán bộ ngành Giao thông - Vận tải thời kỳ đó đã không tiếc máu xương, công sức…
Giai đoạn năm 1965, Thái Nguyên vừa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của Khu Tự trị Viết Bắc, vừa là trung tâm cơ khí luyện kim lớn nhất miền Bắc và là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc để huấn luyện tân binh trước khi vào chiến trường. Đặc biệt, tỉnh ta là đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất trong vận chuyện hàng háng hoá ở miền Bắc lúc bấy giờ (bao gồm: Quốc lộ 3 nối Hà Nội - Thái Nguyên - Cao Bằng; Quốc lộ 1B Thái Nguyên - Lạng Sơn; đường 13A Thái Nguyên - Tuyên Quang; đường 19 Thái Nguyên - Bắc Giang, đường sắt Lưu Xá - Kép; đường sắt Quán Triều - Hà Nội…).
Với vai trò đặc biệt quan trọng nêu trên nên trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá tỉnh ta vô cùng ác liệt nhằm tiêu diệt các cơ sở quân sự, kinh tế và cắt đứt đường vận chuyện hàng hoá chi viện từ Liên Xô, Trung Quốc qua biên giới phía Bắc và lương thực, thực phẩm từ các tỉnh Việt Bắc vào chi viện cho miền Nam. Chỉ trong ngày 17-10-1965, giặc Mỹ đã bắn 116 quả bom xuống khu vực cầu Gia Bảy nhằm cắt đứt mạng lưới giao thông giữa Quốc lộ 1B và Quốc lộ 3. Cầu Gia Bảy lúc đó có lưu lượng ô tô qua lại khoảng 1.000 lượt xe/ngày nên khi bị bom Mỹ làm hư hỏng khiến giao thông đình trệ… Đã có tinh thần chuẩn bị từ trước nên ngay sau khi bom nổ, Ty Giao thông có biện pháp ứng phó kịp thời để trong vòng 2 giờ sau cầu phao Bến Oánh đã được bắc xong, giúp nhân dân trong Thành phố đi sơ tán. Đến tối ngày hôm đó, cầu Gia Bảy đã được sửa chữa kịp thời để cho xe ô tô nhỏ qua lại. Cán bộ, công nhân giao thông và các lực lượng khác đã thức 2 đêm để dồn sức làm 120m đường ngầm tại địa phận Sơn Cẩm để thông xe các loại. Tiếp những thời gian sau đó, giặc Mỹ điên cuồng đánh phá cầu Gia bảy và các công trình giao thông khác như: Cầu Đa Phúc (21 lần), cầu Trà Vườn (11 lần), ga Lưu Xá (11 lần), ga Quán Triều (8 lần), ga Lương Sơn (9 lần), ga Phổ Yên (8 lần), đoạn đường đê Tân Phú - Thuận Thành của huyện Phổ Yên (9 lần)… Sau mỗi trận đánh của giặc Mỹ, cán bộ kỹ thuật, công nhân giao thông và nhân dân địa phương lại cố gắng nhanh chóng khắc phục để tầu hàng, các phượng tiện vận tải tái hoạt động trở lại. Mặc dù vậy, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ở những nơi quan trọng bị phá đi phá lại nên sức lực, công của bỏ ra để khắc phục vô cùng lớn. Riêng cầu Gia Bảy bị đánh phá đến lần thứ 8 thì 3 trụ cầu chỉ còn trơ cốt thép. Vậy mà ngay sau khi Quân khu có điện giao cho Ty Giao thông - Vận tải phải sửa chữa ngay để đoàn xe quân đội 30 tấn qua sông làm nhiệm vụ khẩn cấp. Trước yêu cầu cấp thiết, cán bộ kỹ thuật, công nhân cầu đường, người lặn xuống sông, người bò lên mặt cầu trong khi vẫn còn bom chưa nổ hết, kiểm tra kỹ lưỡng, thấy 3 trụ cầu Gia Bẩy vận chịu được lực nên Ty Giao thông - Vận tải quyết định cho gia cố mặt cầu, tăng cường dầm thép. Đến 1 giờ đêm hôm sau cầu Gia Bảy đã được gia cố, sửa chữa và trực tiếp đồng chí Trưởng Ty Giao thông ngồi trên xe ô tô để đi qua kiểm nghiệm trước sự chứng kiến của đồng chí Doanh Hằng, Chủ tịch UBND tỉnh. Tối đó, đoàn xe quân sự 30 tấn đi qua để vào tham gia giải phóng làng Vây Khe Sánh…
Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt đó, để duy trì mạng lưới giao thông và bảo vệ các mục tiêu kinh tế - xã hội trên địa tỉnh đã có 264 người hy sinh, 1.080 người bị thương (tại các chiến trường miền Nam 7.790 người con của Thái Nguyên đã hy sinh; gần 7.800 người để lại một phần xương máu, trở thành thương binh) trong đó có cả những cán bộ, công nhân của Ty Giao thông Vận tải. Đồng chí Đỗ Vũ Bình, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Đảm bảo giao thông thông suốt mọi tuyến đường trên địa bàn tỉnh là thành tích rất lớn của Ngành và nhân dân trong tỉnh lúc bấy giờ. Kinh nghiệm, ý chí của lãnh đạo, cán bộ, kỹ thuật ngành Giao thông - Vận tải lúc đó luôn là bài học, truyền thống quý báu để thế hệ chúng tôi hôm nay kế thừa, phát huy. Trên tinh thần ấy, tập thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Giao thông - Vận tải Thái Nguyên sẽ làm hết sức mình để mạng lưới giao thông của tỉnh luôn thông suốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn...