Những hiểm họa khó lường

08:36, 13/04/2015

Năm 2014 là năm thứ 4 tỉnh Thái Nguyên giảm tai nạn giao thông (TNGT) về cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương).

Tuy nhiên, điều khiến các cấp, ngành lo lắng chính là tỷ lệ các vụ TNGT nghiêm trọng lại đang có xu hướng gia tăng, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.

 

Về xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, hẳn nhiều người còn chưa quên vụ tai nạn thảm khốc xảy ra cách đây chưa đầy một năm khiến 4 người tử vong tại chỗ và 1 người bị thương nặng. Vụ tai nạn xảy ra giữa xe mô tô mang biển kiểm soát 20D1-019.58, do Hoàng Văn Hòa, sinh năm 1996 chở Trần Văn Hùng, (cùng trú tại xóm Làng Chẽ, xã Dân Tiến Võ Nhai) đâm va với xe mô tô mang biển kiểm soát 20M2-1422, do Nông Thanh Lý điều khiển chở Trần Văn Thọ và Bế Văn Đạo (cùng trú tại Xóm Nà Canh, Phương Giao) trên tuyến tỉnh lộ 265 hướng Bình Long - Đình Cả, đoạn Km10+200, thuộc xóm Cầu Nhọ, xã Tràng Xá. Điều đáng nói là nạn nhân trong độ tuổi còn rất trẻ, (2 em học sinh lớp 12 và 3 thanh niên nông thôn từ 22- 24 tuổi). Nguyên nhân tai nạn do người điều khiển phương tiện với tốc độ cao, đèo quá số người quy định và không đội mũ bảo hiểm. Vụ tai nạn nghiêm trọng này là lời cảnh báo và là minh chứng về hậu quả của việc không chấp hành Luật Giao thông đường bộ đang diễn ra khá phổ biến ở địa bàn nông thôn hiện nay.

 

Năm 2014, Võ Nhai là địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng. Toàn huyện xảy ra 12 vụ, trong đó có 12 người chết, 11 người bị thương. Quý I/ 2015 đến nay xảy ra 1 vụ, chết 1 người, bị thương 2 người. Trung tá Hạc Sỹ Đông, Đội trưởng Đội CSGT, Công an huyện Võ Nhai cho biết: Phần lớn những vụ tai nạn này đều do người dân thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông và xảy ra trên các tuyến đường liên xã, liên thôn, hoặc điểm giao cắt giữa các tuyến này với tỉnh lộ, Quốc lộ.

 

Theo số liệu báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh,  năm 2014  toàn tỉnh xảy ra 238 vụ, số người chết 107, bị thương 223 vụ (giảm 10% năm 2013. Qúy I/2015 toàn tỉnh xảy ra 48 vụ, làm chết 26 người, 40 người bị thương. Xử lý 7.176 trường hợp vi phạm, trong đó tập trung vào các lỗi như không đội mũ bảo hiểm, nồng độ cồn… Tuy nhiên, tỷ lệ vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng lại xảy ra ở nông thôn có chiều hướng tăng, với 39 vụ chiếm 16% (đường giao thông nông thôn, tỉnh lộ, chưa kể số vụ trên quốc lộ, đoạn qua các xóm, xã các huyện) và tập trung ở các địa bàn nông thôn như: huyện Võ Nhai Phổ Yên, Đại Từ…

 

Cũng theo thống kê thì hơn 60% số vụ TNGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là do xe gắn máy gây ra và đa phần là do thanh thiếu niên điều khiển (46%). Nguyên nhân là do số km đường nông thôn, miền núi tăng lên liên tục nhưng chưa có quy chuẩn về lộ giới, hành lang an toàn hai bên. Ngoài ra, các tuyến đường này thường giao cắt với đường tỉnh, quốc lộ, cong cua, độ dốc, tầm nhìn bị che khuất bởi hai bên đường người dân trồng cây, làm nhà, hệ thống biển báo tín hiệu, gờ giảm tốc thiếu… Trong khi đó, tình trạng người tham gia giao thông chủ quan, chở quá số người quy định, phóng nhanh vượt ẩu, sử dụng rượu bia, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông… diễn ra khá phổ biến. Mặt khác do đặc thù của người dân vùng nông thôn nên việc hiểu biết về kiến thức Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng điều khiển phương tiện không cao, xử lý tình huống kém. Phần lớn xe máy lưu hành ở nông thôn thường cũ nát, không đảm bảo an toàn.

 

Theo ông Trương Việt Hùng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, để đảm bảo ATGT khu vực nông thôn thì tuyên truyền vẫn phải đặt lên hàng đầu. Song để người dân thay đổi từ nhận thức đến ý thức không phải là chuyện một sớm một chiều. Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo Ban ATGT các cấp tham mưu giúp UBND, đồng thời huy động các ban, ngành, đoàn thể như Hội Phụ Nữ, Đoàn Thanh niên… để lồng ghép, triển khai tuyên truyền ATGT về từng thôn xóm, trường học, vận động người dân tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT; thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn như đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; tuân thủ tốc độ quy định; giảm tốc độ, quan sát an toàn khi đi từ đường phụ ra đường chính; đã uống rượu bia thì không lái xe... Phát huy vai trò các mô hình tự quản ở nông thôn, tổ chức đội tuyên truyền lưu động bằng hình thức sân khấu hóa, cấp biển báo, gờ giảm tốc, vận động người dân phát quang cây cối, chỉnh sửa tường rào tránh ảnh hưởng đến tầm nhìn tại các đường giao cắt liên xã, liên thôn. Tăng cường kiểm tra liên ngành về công tác đảm bảo ATGT nông thôn, nhất là các tuyến có TNGT tăng cao. Tuyên truyền là vậy, song bản thân mỗi người dân cần nâng cao ý thức bởi hơn ai hết, mình là người trực tiếp tham gia giao thông.