Những người làm giao thông vận tải của một thời “chống Mỹ cứu nước” không bao giờ quên một kỷ niệm thật sâu sắc với Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu.
Đó là vào buổi sáng ngày thứ ba, ngày cuối của Hội nghị thi đua đảm bảo giao thông chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc lần thứ nhất (họp sáng ngày 25/3/1966 tại Hội trường Trường Đại học Kinh tế Tài chính, gần ngã tư Vọng (Hà Nội) bây giờ - NV), các đại biểu bất ngờ được đón Bác Hồ đến thăm. Bất ngờ vì không ai trong những đại biểu về dự hội nghị hôm đó dám mơ ước được Bác đến thăm. Vào những tháng năm đầu tiên của cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ, Bác bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác vẫn dành thời gian đến hội nghị. Thật là vinh dự cho những đại biểu ưu tú của ngành.
Hà Nội lúc đó vẫn đang mùa Xuân, không khí thật ấm áp. Vào khoảng 9h sáng, trong khi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ đang đọc bản tổng kết hội nghị sau khi đã tiến hành lễ khen thưởng, biểu dương các đơn vị và cá nhân điển hình thì có tiếng reo hò từ phía cuối hội trường: “Bác đến!... Bác Hồ đến!... Hồ Chủ tịch muôn năm! Muôn năm! Muôn… năm…!”. Bác đấy, giản dị trong bộ quần áo nâu, bên ngoài khoác chiếc áo ka ki quen thuộc, vừa bước đi nhanh nhẹn vừa giơ tay vẫy mọi người. Khi Người từ cuối hội trường đi lên, Bộ trưởng Tuệ vội vã rời bục phát biểu chạy xuống bậc tam cấp đón Bác.
Bắt tay Bộ trưởng xong, Bác bước lên vài bậc rồi ngồi bệt xuống bậc tam cấp trên cùng. Chờ cho tiếng reo hò lắng xuống, Bác chậm rãi rút tờ báo Nhân Dân từ trong túi áo khoác ra giơ lên: “Các cô các chú đã đọc báo ngày hôm nay chưa?”. Lác đác có tiếng trả lời “Có ạ!” và “Chưa ạ!”… Bác nói: “Hôm nay báo đưa tin quân dân Bình Định mới đây đánh to, thắng lớn. Bác khen quân dân miền Nam, quân dân Bình Định”. Hội trường hoan hô rầm rầm. Sau đó bác hỏi: “Có ai trong các cô, các chú quê ở Bình Định không?” Có đến dăm bảy đại biểu nhấp nhổm đứng lên, miệng nói to: “Có cháu ạ, cháu ạ…”.Bác lại bảo những đồng chí đó đứng hẳn lên, rồi Bác nói: “Bác khen Bình Định, khen các cô các chú ở ngoài này cũng có nhiều thành tích đóng góp cho đảm bảo giao thông, chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ. Như vậy là ngày chiến thắng sẽ gần lại, các cô các chú sẽ được trở về quê hương sớm hơn…”.
Sau ngày đất nước thống nhất, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã đề nghị chọn ngày 25/3 hàng năm làm ngày truyền thống biểu dương lực lượng sản xuất, chiến đấu của ngành. Nhiều năm sau đó, ngày 25/3 hàng năm vẫn được lấy làm Ngày truyền thống của ngành GTVT.
Mọi người lại hoan hô vang hội trường. Rồi đột ngột Bác lại hỏi: “Ở đây có cô chú nào biết cháu Nguyễn Thị Châu ở miền Nam là ai không?”. Mọi người còn đang ngơ ngác, hội trường lặng xuống dễ đến vài mươi giây đồng hồ. Bỗng từ dãy ghế gần cuối hội trường có một giọng nói Nam bộ rụt rè: “Thưa Bác, có ạ… Thưa Bác đó là chị phụ nữ được gọi là “chị Y” trong cuốn sách Sống như anh viết về Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi ạ…”, Bác gật đầu: “Cháu thế là giỏi, chịu khó đọc sách, lại chịu khó tìm hiểu những tấm gương dũng cảm…”.
Rồi Bác bước lên bục phát biểu, yêu cầu Bộ trưởng Tuệ mời tất cả những cá nhân và đại diện tập thể điển hình mới được tuyên dương lên trên sân khấu để Bác khen thưởng. Hội trường lại rộn rã. Những khuôn mặt phấn chấn, xúc động của các anh, các chị: Võ Xuân Nở, Võ Xuân Khuể, Trương Thành, Nguyễn Thị Kim Huế, Nguyễn Thị Mỵ, Mai Xuân Điểm, Trần Văn Thi, Cao Bá Tuyết, Lê Minh Đức, Vị Hải, Trần Mãn, Phan Xuân Thung… và gần một chục anh chị đại diện cho các đội cầu, cung đường, bến phà, tổ lái ca nô, tổ lái máy xe lửa, đội xe vận tải, thủy thủ và thuyền trưởng các tàu vận tải sông, vận tải biển, thanh niên xung phong Khu 4 và Tây Bắc, đại diện cơ quan và nhân dân địa phương ở các vùng trọng điểm giao thông mà máy bay giặc Mỹ hay đánh phá dọc các tuyến đường quốc lộ nhất là ở vùng Khu 4 cũ,… vui mừng ùa lên sân khấu xúm quanh Bác.
Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế trong bộ đồng phục Thanh niên xung phong màu xanh cỏ sẫm được thay mặt lớp Anh hùng trẻ tuổi lên tặng hoa Bác Hồ.
Bác xếp mọi người đứng thành hàng ngang. Bác nhìn xuống cử tọa, vẫy gọi Bộ trưởng Tuệ lúc đó đang đứng ở hàng ghế đầu dưới hội trường lên đứng cùng. Bác nói: “Miền Nam đang còn nhiều khó khăn gian khổ. Quân Mỹ và quân ngụy ngày càng dã man, xảo quyệt hơn. Trong đó đang rất cần sự giúp đỡ cả về người và của từ hậu phương lớn chúng ta. Giặc Mỹ đánh phá giao thông miền Bắc là để chặn đường tiếp tế cho miền Nam. Chúng đánh cả vào bệnh viện, trường học, khu dân cư, khu kinh tế, giết hại dân thường cả các cụ già, phụ nữ và em nhỏ... chính là muốn làm nhụt ý chí quyết tâm giành độc lập thống nhất của chúng ta. Các cô, các chú, các cháu vừa qua đã rất dũng cảm, thông minh, sáng tạo trên mặt trận đảm bảo giao thông. Nhân dân biết rõ sự hy sinh dũng cảm của đội ngũ chiến sĩ giao thông và nhân dân cũng đã hết lòng giúp đỡ đùm bọc các chiến sĩ giao thông làm tròn nhiệm vụ của mình. Bác mong các chiến sĩ giao thông lập nhiều chiến công trên mặt trận này. Bây giờ Bác sẽ khen thưởng cho các cô các chú, nhưng - Bác thò hai tay vào túi áo rồi rút ra, mở xòe hai bàn tay không trước mặt mọi người, nói tiếp - Bác nghèo quá, Chủ tịch nước mà không có gì cả! Thôi thế Bác sẽ bắt tay mỗi người, coi như đây là lòng biết ơn của nhân dân và bộ đội đối với những công lao của các cô, các chú trên mặt trận đảm bảo giao thông, được chứ?” Thế là mọi người lại vỗ tay reo vang hội trường.
Bác lần lượt đi bắt tay tất cả những đồng chí trên sân khấu và khi đến người cuối cùng là Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ, bác vừa cầm tay Bộ trưởng vừa khoát rộng về phía hội trường lúc đó tất cả đang đứng dậy vỗ tay xúc động. Xong, Bác quay về phía hội trường hô và bắt nhịp để mọi người cùng vỗ tay và hát vang bài “Kết đoàn! Chúng ta là sức mạnh!”. Hát xong, Bác giơ tay vẫy chào mọi người rồi đi theo cửa ngách phía sau hội trường ra về.
Chúng tôi ngồi lại hội trường và nghe nốt bản tổng kết của Bộ trưởng Tuệ, nhưng hình ảnh Bác chợt đến, chợt đi và những lời Người nói trong cuộc đời làm nghề giao thông của mình chúng tôi không bao giờ quên được. Trong có mấy phút nói chuyện, Bác ba lần gọi chúng tôi là những “chiến sĩ” trên mặt trận giao thông!
Sau đó gần một năm, vào dịp đầu năm 1967, Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước toàn quốc lần thứ Nhất triệu tập những đại biểu ưu tú của ngành Giao thông. Những người được khen thưởng tại Hội nghị thi đua đảm bảo giao thông chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc lần thứ nhất lại một lần nữa vinh dự được đứng cạnh Hồ Chủ tịch trong Đại hội ở hội trường Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Và người may mắn nhất là Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế trong bộ đồng phục Thanh niên xung phong màu xanh cỏ sẫm được thay mặt lớp Anh hùng trẻ tuổi lên tặng hoa Bác Hồ. Tấm ảnh ấy sau này còn được các báo in lại nhiều lần…
Sau lần ấy, chúng tôi không ai nghĩ chỉ có gần hai năm rưỡi sau, Bác đã từ biệt chúng ta, để lại cho chúng ta muôn vàn tình thương yêu và những hình ảnh đậm nét, gần gũi của vị cha già vĩ đại.