Kỳ I: Từ thực tiễn ở huyện miền núi Định Hoá

15:12, 21/05/2015

Hạ tầng giao thông đảm bảo có vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Tại tỉnh ta hiện nay, hạ tầng giao thông nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển do thiếu nguồn vốn đầu tư và công tác quản lý, bảo trì của một số địa phương còn hạn chế, ý thức, trách nhiệm chưa cao…

“1 đồng vốn bảo trì bằng 4 đồng vốn đầu tư”

 

Là huyện miền núi có nhiều xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, trung tâm vùng ATK kháng chiến nên trong khoảng 10 năm trở lại đây, Định Hóa đã được thụ hưởng các nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Ngoài các tuyến đường do tỉnh trực tiếp quản lý, mạng lưới giao thông thuộc trách nhiệm quản lý của huyện liên tục được đầu tư làm mới, nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, giao thương phát triển. Trên địa bàn hiện có 135km đường do huyện trực tiếp quản lý và hàng trăm km đường nông thôn phục vụ dân sinh, sản xuất do cấp xã quản lý đã được trải nhựa hoặc bê tông. Sau nhiều năm khai thác, cơ bản các tuyến đường trên địa bàn huyện Định Hoá quản lý vẫn duy trì chất lượng khá tốt.

 

 

Ông Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa: “Qua quá trình thực hiện công tác quản lý, bảo trì hạ tầng giao thông trên địa bàn, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm như: Cần áp dụng hình thức giao khoán hợp lý, cụ thể. Địa phương chọn tổ chức cựu chiến binh vì họ là những người có trách nhiệm, có uy tín trong cộng đồng. Bên cạnh đó là phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp xã trong quản lý nhà nước về giao thông; đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa…”.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, có được kết quả đó là do địa phương đã chú trọng cân đối nguồn ngân sách được phân cấp quản lý để dành đầu tư bảo trì. Cụ thể, mỗi năm huyện cân đối được khoảng 200 triệu đồng để chi cho việc quản lý, bảo trì 135km đường do huyện quản lý (1,3 triệu đồng/km/năm) và hỗ trợ cho cấp xã thực hiện việc này. Cùng với đó, huyện thường xuyên khuyến kích, động viên nhân dân, huy động các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn cùng góp sức, góp của để bảo trì, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông. Theo nhận định của đại diện Sở Giao thông - Vận tải, nếu Định Hoá không làm tốt công tác bảo trì thì có thể ngân sách sẽ phải mất nhiều tỷ đồng để tái đầu tư các tuyến đường nhựa hoặc bê tông đã được xây dựng trên địa bàn trong những năm qua. Điều đó là minh chứng sống động cho phương châm: 1 đồng vốn bảo trì bằng 4 đồng vốn đầu tư.

 

Giao khoán quản lý, bảo dưỡng đường

 

Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng, cơ quan Thường trực Ban An toàn giao thông huyện Định Hóa cho biết: Trên cơ sở Đề án quản lý, bảo trì hạ tầng giao thông của huyện, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch và các giải pháp cụ thể. Đặc biệt, từ năm 2013 huyện đã tiến hành phân đoạn rồi giao khoán cho Hội Cựu chiến binh huyện trực tiếp thực hiện với mức kinh phí 1,3 triệu đồng/km/năm (trước đó kinh phí bảo dưỡng được giao khoán cho các xã). Cụ thể, Hội Cựu chiến binh huyện đứng ra nhận quản lý, bảo trì thường xuyên 13 tuyến đường trên địa bàn với tổng chiều dài 108km, sau đó tiếp tục phân đoạn và giao cho tổ chức hội cấp dưới trực tiếp thực hiện trên cơ sở thành lập các tổ tự quản. Để hình thức này đạt hiệu quả cao, huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan và chính quyền cấp xã thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

 

 

Ông Đào Văn Thanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bảo Cường (Định Hóa): “Từ cuối năm 2013, khi Hội Cựu chiến binh huyện giao quản lý, bảo trì 3,2km đường liên xã Bảo Cường - Đồng Thịnh, chúng tôi đã phân giao cụ thể cho 7 chi hội trong xã. Dù khoản thù lao được trả thấp nhưng các chi hội đều rất tích cực tổ chức phát quang hành lang, nạo vét những đoạn mương thoát nước bị tắc và tuyên truyền, nhắc nhở người dân không vi phạm các quy định về bảo vệ hạ tầng giao thông. Đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là vinh dự của hội viên khi được góp công sức để duy trì chất lượng tuyến đường và đảm bảo an toàn giao thông…”.

 

Thực tế qua 2 năm áp dụng hình thức giao khoán cho thấy, những đoạn đường do các cấp Hội Cựu chiến binh nhận quản lý, bảo dưỡng thường xuyên được phát dọn hành lang, khơi thông cống, rãnh, phát hiện và sửa chữa kịp thời những hư hại nhỏ. Qua đó góp phần duy trì chất lượng, kéo dài tuổi thọ các công trình giao thông trên địa bàn huyện. Ông Ma Khánh Huân, Chủ tịch UBND xã Định Biên cho rằng: Cựu chiến binh là những người có uy tín trong cộng đồng nên khi họ tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định về bảo vệ công trình giao thông, bà con chấp hành ngay. Do vậy, tình trạng người dân trên địa bàn xã tập kết vật liệu xây dựng, phơi rơm, rạ hoặc trồng cây vi phạm hành lang giao thông, để nước chảy ra đường gần như không còn xảy ra. Theo tôi, hình thức giao khoán này là hợp lý, vì chính quyền cấp xã thường phải giải quyết khối lượng công việc lớn nên khó có thể thường xuyên, sát sao trong quản lý và duy tu bảo dưỡng các tuyến đường.

 

Huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho giao thông

 

Nguồn ngân sách còn hạn hẹp nên để có kinh phí đầu tư cho việc duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông, ngoài việc cân đối các nguồn, đề nghị sự  hỗ trợ của cấp trên, huyện Định Hóa còn rất tích cực thực hiện xã hội hóa, kêu gọi sự tham gia đóng góp của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Năm 2104, huyện đã đề nghị Sở Giao thông - Vận tải đầu tư, cải tạo, sửa chữa các tuyến tỉnh lộ 268, 264 và 264B với những hạng mục như: Chống xói lở mái ta luy âm, lắp đặt hơn 1.000m lan can thuộc địa phận xã Quy Kỳ; xây rãnh dọc, bổ sung cống ngang chống ngập, nâng cấp mặt đường tại các xã: Kim Sơn, Trung Hội, Bình Yên… với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Đối với các tuyến đường do địa phương quản lý, riêng trong năm 2014, huyện đã cân đối, bố trí các nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp 13,4km và nâng cấp 2 cầu treo; huy động 5.700 ngày công của nhân dân, gần 400 ca xe ô tô tải, máy xúc và nhiều phương tiện của các doanh nghiệp để duy tu, sửa chữa 122km đường, lắp bổ sung 28m cống, nạo vét và làm mới hơn 80km rãnh thoát nước với tổng giá trị trên 11,1 tỷ đồng. Cùng với đó là qua đợt diễn tập chiến đấu trị an, 24 xã, thị trấn của huyện đã huy động được 26.700 ngày công, 148 lượt xe ô tô và hàng trăm phương tiện khác để thực hiện duy tu, sửa chữa 462km đường do cấp xã quản lý (tổng giá trị ước tính gần 8,9 tỷ đồng). Trong quá trình đó, huyện hỗ trợ mỗi xã từ 5 - 7 triệu đồng để mua xăng, dầu cho các đơn vị ủng hộ bằng máy móc…

 

Có thể nói, kết quả huy động nguồn lực cũng như cách làm sáng tạo và hiệu quả của huyện miền núi Định Hoá trong công tác quản lý, bảo trì hạ tầng giao thông thời gian gần đây là rất đáng ghi nhận. Sự nỗ lực đó đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương và giúp Định Hoá 3 năm gần đây liên tục kiềm chế được số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.   

(Còn nữa)