Kỳ II: Vừa xây mới, vừa phải bảo trì thường xuyên

15:14, 22/05/2015

Nếu ở huyện Định Hoá, nguồn ngân sách dành cho công tác bảo trì, bảo dưỡng mạng lưới giao thông thuộc quyền quản lý được bố trí ổn định theo năm và triển khai thực hiện thường xuyên thì một số địa phương khác trong tỉnh lại chỉ khi nào đường xuống cấp nghiêm trọng mới tiến hành sửa chữa, cải tạo. Cách làm này vừa tốn kém, vừa rút ngắn tuổi thọ các tuyến đường vì kết cấu đã hỏng nặng, dù có thảm lại mặt đường cũng chỉ được thời gian ngắn là bong tróc…

Nước -  “kẻ thù” của đường

 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều tuyến đường liên xã, liên xóm trong tỉnh đã được rải nhựa hoặc bê tông nhưng nhanh chóng xuống cấp là do việc nạo vét cống, rãnh thoát nước, hạ thấp hai bên lề đường không được thực hiện thường xuyên. Do vậy, sau những cơn mưa lớn (hoặc nước sinh hoạt của người dân sinh sống hai bên đường), nước thường đọng lại lênh láng trên mặt đường. Nước ngập lâu ngày, cộng thêm mặt đường phải chịu tải thường xuyên của các loại phương tiện giao thông dẫn tới gẫy, vỡ lớp nhựa hay bê tông, tạo thành các vũng lớn, nhỏ. Ông Ngô Mạnh Cường, Trưởng phòng Quản lý Giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) cho biết: Đường liên xã, liên xóm thường được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn cấp VI miền núi (nền đường 6m, mặt đường rải nhựa hoặc bê tông 3,5m) hoặc đường loại A (nền đường 5m, mặt đường rải nhựa hoặc đổ bê tông từ 3- 3,5m), cường độ mặt đường, phù hợp với xe tải nhẹ, máy kéo, xe thô sơ. Nếu công tác bảo trì, bảo dưỡng tốt, không có xe quá tải thì tuổi thọ công trình được khoảng từ 7 đến 8 năm, còn để tình trạng cống, rãnh thoát nước 2 bên bị bồi lấp, lề đường cao hơn mặt đường, nước đọng thường xuyên trên lòng đường thì tuổi thọ công trình chỉ còn từ 2 năm đến 3 năm. Qua các đợt kiểm tra chuyên môn, chúng tôi thấy tình trạng nhiều tuyến đường nông thôn trong tỉnh không có rãnh rọc, thường bị ngập nước, trũng nước bề mặt khá phổ biến.

 

Bên cạnh đó là việc quản lý xe chở quá tải trọng so với khả năng chịu tải của đường ở nhiều địa phương trong tỉnh chưa triệt để trong khi giao thông nông thôn (đường cấp VI và đường loại A, B) chỉ chịu được tải của các loại xe thô sơ, xe cơ giới nhẹ (tải trọng trục tiêu chuẩn để thiết kế đối với đường là 6 tấn/trục - theo TCVN 10380:2014). Nhưng trên thực tế, phần lớn chủ phương tiện vận tải đều không chấp hành mà thường chở quá tải trọng so với khả năng chịu đựng của đường nên gây hư hỏng đường rất nhanh.

 

Cụ thể hoá trách nhiệm quản lý

 

Ngoài 4 tuyến Quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh (chiều dài khoảng 208km - bao gồm cả đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) và 15 tuyến đường tỉnh (chiều dài 338km) có nguồn kinh phí ổn định, còn 894km đường huyện (trừ 135km của huyện Định Hoá) chưa được các địa phương bố trí nguồn kinh phí hàng năm để dành cho công tác bảo trì, bảo dưỡng mà chỉ khi nào hỏng nặng mới sửa. Mới đây, chúng tôi đã có chuyến đi thực tế để tìm hiểu về việc bảo dưỡng, sửa chữa tuyến đường liên xã: Hùng Sơn - Khôi Kỳ - Mỹ Yên - Văn Yên (Đại Từ) và tuyến đường từ Yên Ninh (Phú Lương) đi xã Phú Tiến (Định Hoá). Đây là 2 tuyến giao thông nông thôn đã được nhựa hoá bằng nhiều nguồn vốn khác nhau từ vài năm trước nhưng giờ nhiều đoạn đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Tại tuyến đường Hùng Sơn - Khôi Kỳ - Mỹ Yên - Văn Yên, nhiều đoạn nứt, vỡ, không chỉ bị bong tróc hết lớp nhựa thảm mặt đường mà đã tạo thành những thùng vũng, cản trở giao thông. Ông Trần Văn Huân, xóm Dưới, xã Văn Yên cho biết: Một bên đường là ruộng lúa, bên còn lại hiện không có rãnh thoát nước nên nước mưa, nước sinh hoạt của một số hộ dân tràn ra mặt đường. Nước đọng trên đường nên đi lại rất bẩn, những chỗ nứt vỡ trên mặt đường bị ngâm nước ngày càng vỡ to hơn. Tôi đã chứng kiến cảnh người tham gia giao thông bị trơn trượt, ngã xe khi đi qua đoạn đường này.

Ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình: “Trong giai đoạn 2015-2020, chúng tôi sẽ sử dụng nguồn phí đường bộ theo phân cấp quản lý để đầu tư cho công tác bảo trì, sửa chữa định kỳ các công trình giao thông trên địa bàn. Đồng thời đề nghị tỉnh, Trung ương tăng nguồn kinh phí cho phát triển mạng lưới giao thông nông thôn của huyện vì số tuyến, chiều dài tuyến quá lớn so với khả năng đầu tư của địa phương”.

Lý giải về tình trạng các tuyến đường do cấp huyện quản lý nhanh xuống cấp do bị ngập nước và một số nguyên nhân khác, lãnh đạo một số địa phương đều cho rằng do thiếu nguồn kinh phí dành cho công tác bảo trì, sửa chữa và cơ bản đường qua địa phận xã nào thì đã giao cho xã đó quản lý. Ông Trương Anh Kiểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ thông tin: Mỗi năm chúng tôi bố trí khoảng 500 triệu đồng để sửa chữa những điểm xuống cấp của 200km đường do huyện trực tiếp quản lý và hỗ trợ cấp xã sửa chữa 400km đường nông thôn. Số tiền này chỉ đáp ứng được khoảng 10% so với yêu cầu nên huyện không thể bố trí ổn định nguồn kinh phí dành cho công tác bảo trì theo tỷ lệ/số km đường.

 

Còn tuyến đường Kha Sơn - Thanh Ninh - Dương Thành - Tân Đức, trước đây do huyện Phú Bình quản lý nhưng nhanh chóng xuống cấp và không được sửa chữa kịp thời vì thiếu vốn, công tác bảo trì chưa khoa học, thường xuyên. Để “cứu” tuyến đường này, UBND huyện Phú Bình đã đề nghị Sở Giao thông - Vận tải tham mưu với tỉnh, hoàn tất thủ tục chuyển thành tỉnh lộ với mục đích bố trí nguồn vốn bảo trì, sửa chữa thường xuyên.

 

Có một nghịch lý là những tuyến đường giao thông nông thôn mà người dân bỏ tiền đối ứng xây dựng thì công tác bảo vệ, bảo dưỡng được cộng đồng dân cư hưởng lợi trực tiếp rất quan tâm. Ngược lại, các tuyến đường liên xã, liên xóm thường được coi là “của chung”, cấp huyện lại không phân giao quản lý rõ ràng và quy trách nhiệm cụ thể nên việc bảo dưỡng định kỳ chưa được thực hiện. Ông Lại Hợp Hân, xóm Đồng Kem 4, xã Yên Ninh (Phú Lương) thông tin: Tuyến đường trục của xóm tôi đã đổ bê tông được 3 năm nhưng giờ chưa hề xuất hiện điểm nào nứt vỡ vì rãnh thoát nước 2 bên luôn được bà con nạo vét thông thoáng, xe tải lớn chở hàng nặng không được đi vào. Nhưng tuyến đường liên xã Yên Ninh - Phú Tiến giờ xuất hiện nhiều ổ gà, có điểm tụt lún sâu tới 30-40cm. Theo tôi, nguyên nhân dẫn tới đường xuống cấp là việc giao quản lý chưa cụ thể, những chỗ xuống cấp không được sửa chữa kịp thời.

 

Chỉ chú trọng xây dựng mới là chưa đủ

Ông Đỗ Vũ Bình, Phó Giám đốc Sở Giao thông  - Vận tải: “Việc các địa phương trong tỉnh nỗ lực bê tông hoá, nhựa hoá mạng lưới giao thông được phân cấp quản lý là điều rất mừng. Nhưng nếu không hài hoà giữa đầu tư xây dựng mới với đầu tư cho công tác bảo trì, sửa chữa định kỳ thì chỉ sau vài năm, những tuyến đường đã đầu tư cứng hoá sẽ lại xuống cấp…”.

3 năm trở lại đây, vấn đề phát triển hạ tầng giao thông, nhất là giao thông thôn đã, đang được các địa phương trong tỉnh quan tâm, dồn lực để thực hiện. Chỉ tính riêng năm 2014, toàn tỉnh đã đầu tư trên 822 tỷ đồng để bê tông hoá 356km đường, nhựa hoá mặt đường 81km, xây dựng 466 cống thoát nước, xây dựng 5 cầu treo dân sinh… Trong đó, ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ 75,2 tỷ đồng, ngân sách các cấp trong tỉnh là gần 470 tỷ đồng, nhân dân đóng góp tới 230 tỷ đồng (gồm tiền mặt, hiến đất, tài sản trên đất) và 189 nghìn ngày công lao động. Từ nguồn lực to lớn này, mạng lưới giao thông nông thôn trong tỉnh đã từng bước được hiện đại hoá, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và góp phần kiềm chế tai nạn giao thông. Song, thực tế cho thấy nếu các địa phương trong tỉnh chỉ quan tâm đến vấn đề đầu tư xây dựng mới các công trình giao thông mà thờ ơ việc bảo trì, bảo dưỡng định kỳ thì trên 5.000km đường trên địa bàn đã đổ nhựa, đổ bê tông (gồm cả các Quốc lộ) từ trước đến nay chỉ vài năm nữa lại phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để tái đầu tư. Như vậy, sẽ dẫn tới lãng phí nguồn lực đầu tư, gây tốn kém cho Nhà nước và toàn xã hội...

 

Thiếu nguồn kinh phí để chi cho tất cả các hoạt động là thực trạng đang diễn ra tại  9/9 huyện, thành, thị hiện nay nhưng “trong cái khó nên ló cái khôn” để huy động tổng thể các nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó, việc tận thu phí đường bộ đối với các chủ phương tiện (mô tô, xe máy) để dành cho công tác bảo trì, bảo dưỡng đường và các công trình giao thông khác là điều các địa phương trong tỉnh nên thực hiện quyết liệt hơn…



bình ắc quy ô tô chính hãng