Dù đã CPH xong Công ty mẹ để chuyển sang hoạt động theo mô hình mới từ 1/4/2015, song Vietnam Airlines vẫn còn một mục tiêu lớn khác cần hoàn tất trong năm nay: Thoái toàn bộ phần vốn tại 10 công ty.
Bước dài trong thoái vốn
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh vừa đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT về phương án thoái vốn tại CTCP Khách sạn Hàng không - AH JSC của Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines). Thông tin này được Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ GTVT Vũ Anh Minh xác nhận với PV Báo Giao thông vào chiều 5/5.
Cụ thể, ông Minh cho biết, Phó Thủ tướng đã đồng ý với phương án toàn bộ số cổ phần của Vietnam Airlines tại AH JSC sẽ được thoái theo phương thức bán trọn lô cho nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kèm theo điều kiện nhận và thanh toán toàn bộ công nợ cho Vietnam Airlines.
Sau khi hoàn thành kế hoạch thoái vốn, Vietnam Airlines sẽ giảm bớt 15 doanh nghiệp có vốn góp trong số 33 đầu mối trước tái cơ cấu để còn 18 doanh nghiệp có vốn góp, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp vận tải hàng không và các lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến dây chuyền vận tải hàng không.
“Phương án mà Bộ GTVT đề xuất và nhận được sự đồng ý của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh được cho là tối ưu nhất, đảm bảo thoái vốn và thu hồi đủ số nợ phải thu, tránh được rủi ro”, ông Minh nhận định.
Được thành lập năm 2006 với mục tiêu ban đầu là tiếp tục triển khai Dự án khách sạn tại lô đất 27B Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM, nhưng trong suốt 9 năm hoạt động, AH JSC có kết quả kinh doanh chưa thực sự hiệu quả.
Tại công ty cổ phần này, Vietnam Airlines góp 57,6 tỷ đồng (tương đương 3,6 triệu USD) bằng một phần giá trị đầu tư dở dang tại lô đất này. Phần còn lại trong giá trị tòa nhà đã được xây dựng dở dang (tương đương 5,341 triệu USD) được Vietnam Airlines cho AH JSC nợ.
Trước khi phương án thoái vốn nói trên được đưa ra những người trong cuộc cũng đã cân nhắc hai phương án khác là thu hồi nợ trước, thoái vốn sau hoặc thoái vốn xong mới thu hồi công nợ. Tuy nhiên, cả hai phương án này đều khó khả thi. Nếu theo phương án thứ nhất, dù có ưu điểm là có thể xử lý dứt điểm công nợ nhưng việc thoái vốn có thể bị kéo rất dài vì phụ thuộc vào khả năng trả nợ của AH SJC trong khi tình hình tài chính của AH JSC đang rất khó khăn. Còn nếu theo phương án thứ hai, ưu điểm là hoàn thiện việc thoái vốn nhanh chóng song nhược điểm lớn là quá rủi ro khi tiến hành thu hồi công nợ sau này.
Đã có thặng dư từ thoái vốn
Được biết, đến thời điểm này, Vietnam Airlines đã hoàn tất việc thoái vốn tại CTCP Cung ứng dịch vụ Hàng không. Trong 9 đầu mối còn lại, có bốn DN Vietnam Airlines sẽ phải thoái vốn xong ngay trong quý II/2015 gồm: CTCP Bảo hiểm hàng không, Khách sạn hàng không, In hàng không và Tư vấn xây dựng và dịch vụ hàng không. Trong quý III và IV, Vietnam Airlines sẽ phải thoái vốn xong tại CTCP Vận tải ô tô hàng không, Công trình hàng không, Nhựa cao cấp hàng không, Đầu tư hàng không và Bưu chính viễn thông Sài Gòn.
Trước đó, Vietnam Airlines đã hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn tại 6 doanh nghiệp, gồm: Techcombank; Bảo hiểm Bảo Minh; Chứng khoán Hòa Bình; France Telecom; Kho vận hàng không ALS và Cung ứng dịch vụ hàng không - Airserco. Điểm đáng chú ý là nếu tính theo mệnh giá, Vietnam Airlines đã thoái được 88% tổng số vốn cần thoái theo Đề án tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng số tiền thu được là 499,5 tỷ đồng.
“Ngoài cổ tức hàng năm, Tổng công ty nhận được từ 6 doanh nghiệp thì khoản chênh lệch tăng giữa tổng giá trị bán thu được so với tổng giá trị vốn đầu tư thực tế là 273,3 tỷ đồng”, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết.