Tình trạng các bến đò ngang và cầu tự chế bắc qua sông, suối không đảm bảo an toàn hiện đang phổ biến trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông đường thủy, nhất là trong mùa mưa lũ.
Đây đã và đang là vấn đề được các cấp, ngành chức năng quan tâm giải quyết nhưng hiện gặp phải không ít khó khăn. Trên Báo Thái Nguyên số ra ngày 13-6 có bài viết “Cây cầu ông Phụ”, đề cập đến việc những người nông dân do nhu cầu qua lại 2 bờ sông Cầu (từ xã Phú Đô, huyện Phú Lương sang xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ và ngược lại) đã góp tiền làm một cây cầu phao. Vì không được cấp phép xây dựng, kiểm định, giám sát và đảm bảo an toàn nên chủ bến đã bị cơ quan chức năng, chính quyền xã nhắc nhở, lập biên bản xử phạt và đình chỉ, nhưng cây cầu vẫn hoạt động. Thực trạng đó đặt ra một bài toán khó có lời giải trong một sớm một chiều vì nhu cầu của người dân ngày một lớn trong khi vốn đầu tư từ ngân sách để xây cầu còn hạn chế. Xét trên phạm vi rộng hơn thì đây không phải là trường hợp cá biệt. Riêng trên địa bàn xã Phú Đô, ngoài cầu ông Phụ còn có một cầu phao tự chế khác ở xóm Cúc Lùng và một bến đò ngang từ xóm Phú Nam 6 sang xã Hòa Bình. Dù chưa xảy ra tai nạn đến mức thiệt hại về người tại các bến này nhưng đã có trường hợp khách bị ngã xuống sông.
Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải, toàn tỉnh hiện có 18 bến đò ngang, cầu tự chế bắc qua sông Cầu và sông Công, gồm: Huyện Phú Bình (6 bến), Phổ Yên (5 bến), Phú Lương (4 bến) và Đồng Hỷ (3 bến). Đó là chưa kể nhiều bến, cầu nhỏ do người dân tự bắc qua sông, suối ở những huyện miền núi, vùng cao. Ông Bùi Xuân Trưởng, Trưởng Phòng Quản lý vận tải và phương tiện (Sở Giao thông - Vận tải), cho biết: Qua các cuộc kiểm tra, chúng tôi nhận thấy hầu hết các bến không đảm bảo điều kiện an toàn cho phép, như đường lên xuống quá dốc, trơn trượt; thiếu dụng cụ an toàn; vi phạm các quy định về đăng ký, đăng kiểm và an toàn kỹ thuật của phương tiện. Ví dụ, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh trước mùa mưa bão năm 2014 đã xác định 13/18 bến vi phạm các quy định về an toàn, đã lập biên bản xử phạt và đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động của các bến này.
Cũng như mọi năm, hiện Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh đang phối hợp với Phòng Quản lý vận tải và phương tiện thuộc Sở Giao thông - Vận tải tổ chức Đoàn liên ngành (gồm cả lực lượng Thanh tra giao thông và đại diện chính quyền các cấp), tiến hành kiểm tra tình hình an toàn giao thông đương thủy nội địa. Trong quá trình kiểm tra, Đoàn chú trọng tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thủy nội địa, vận động các chủ phương tiện và hành khách sử dụng áo phao, cặp phao khi đi qua đò để đảm bảo an toàn. Kết quả sơ bộ cho thấy, tình trạng vi phạm của các chủ bến vẫn phổ biến (hiện Đoàn vẫn đang tiến hành kiểm tra). Ông Bùi Xuân Trưởng cho biết thêm: Mặc dù Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản dưới Luật quy định khá rõ hình thức xử phạt đối với những trường hợp vi phạm nhưng áp dụng vào thực tế không dễ, có chủ bến không chịu nộp phạt và phần lớn vẫn cố tình hoạt động sau khi đã bị đình chỉ. Nguyên nhân chính, như đã nêu ở trên là do nhu cầu tất yếu của người dân trong khi số lượng cầu do Nhà nước đầu tư còn rất thiếu.
Ngoài ra, vai trò của chính quyền cấp xã trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, xử phạt những chủ bến vi phạm thời gian qua là chưa rõ nét, mặc dù theo quy định của luật thì cấp xã có trách nhiệm chính. Nói như ông Phạm Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã Phú Đô thì “rất khó để hài hòa giữa tình và lý” trong trường hợp này - giữa nhu cầu thực tế của người dân và việc thực thi pháp luật. Do vậy, nhiều xã dù không muốn nhưng cũng gần như “làm ngơ”, hoặc không thể cưỡng chế dừng hoạt động của các bến thiếu an toàn.
“Bài toán” thiếu cầu và mất an toàn đò ngang đang được các cấp, ngành chức năng tích cực tìm lời giải. Ngoài việc tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động, kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt, thời gian qua, các địa phương đã rà soát và lập danh mục những vị trí cần đầu tư làm cầu dân sinh. Trên cơ sở đó, Sở Giao thông - Vận tải tiến hành khảo sát lại và tham mưu cho tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải bố trí vốn đầu tư. Theo ông Ngô Mạnh Cường, Trưởng Phòng Quản lý giao thông (Sở Giao thông - Vận tải): Năm 2013, tỉnh đề nghị được đầu tư 37 cầu dân sinh (gồm cả cầu treo và cầu cứng), cuối năm ngoái đề xuất thêm 16 chiếc. Trong số đó mới có 5 cầu treo được bố trí vốn đầu tư và đã cơ bản hoàn thành. Do nguồn vốn có hạn, Sở sẽ tiếp tục rà soát để điều chỉnh, bổ sung, đưa vào danh mục đề nghị ưu tiên làm cầu tại những nơi có nhu cầu lớn, các bến tiềm ẩn mất an toàn cao, trong đó có khu vực xã Phú Đô như Báo Thái Nguyên đã nêu…
Không thể phủ nhận sự tiện ích trước mắt của các bến đò ngang hay cầu tự chế đối với người dân, nhưng tính mạng con người là quan trọng, không ai có thể khẳng định các bến này đảm bảo an toàn tuyết đối cho khách qua lại. Ông Đỗ Vũ Bình, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho rằng: Nhu cầu của người dân là chính đáng, trong khi chờ Nhà nước đầu tư xây cầu, chính quyền các cấp, nhất là cấp xã cần tăng cường trách nhiệm bằng cách thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở các chủ bến đảm bảo an toàn, kiên quyết hơn trong việc xử lý những trường hợp vi phạm. Các cấp cũng nên hỗ trợ hoặc huy động hỗ trợ cho các chủ bến để họ đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện đảm bảo an toàn. Hơn hết, mỗi người dân cần tự nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ an toàn cho chính mình, như chấp nhận đi đường vòng xa, không qua sông, suối khi có lũ lớn, sử dụng áo phao hoặc cặp phao khi đi đò.