Damen - Tập đoàn đóng tàu danh tiếng hàng đầu thế giới bày tỏ mong muốn trở thành đối tác chiến lược và hợp tác phát triển mạnh mẽ lĩnh vực đóng tàu tại Việt Nam.
Tham vọng lớn
Tập đoàn đóng tàu Damen của Hà Lan đang đàm phán để trở thành đối tác chiến lược sở hữu 49% cổ phần của Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long, khi công ty này tiến hành IPO ngay trong năm 2015. Thông tin này được ông Phạm Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) cho biết khi chia sẻ với Báo Giao thông.
Theo ông Sơn, ngoài Công ty Đóng tàu Hạ Long, hơn hai năm nay, Damen nhiều lần đề xuất được trở thành đối tác chiến lược sở hữu tới 70% cổ phần của Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm. Tuy nhiên, đề xuất này của Damen chưa nhận được cái gật đầu từ phía Việt Nam do quy định hiện hành về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần. Cụ thể, theo quy định, mức sở hữu này sẽ không được quá 49%.
"Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép SBIC được bán 70% cổ phần tại Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm cho Damen theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, giá bán theo quy định pháp luật”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công
Tuy nhiên, thời gian tới theo nhiều chuyên gia, đề xuất của Damen hoàn toàn có cơ hội trở thành hiện thực khi theo quy định tại Nghị định 60 có hiệu lực từ ngày 1/9 tới đây, sẽ không giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Đáng nói hơn, mới đây, Bộ GTVT đã lần thứ hai có văn bản chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất này của Damen.
Tại Việt Nam, Damen và Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm còn đang cùng vận hành liên doanh Công ty TNHH Damen - Sông Cấm, với tỉ lệ sở hữu của Damen lên tới 70%. Liên doanh này đã bước sang năm thứ 2 hoạt động, với nhà máy đóng tàu hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, có vốn đầu tư giai đoạn 1 lên tới 65 triệu USD.
Giám đốc Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm Phạm Mạnh Hà cho biết, Công ty Liên doanh đóng tàu Damen - Sông Cấm là kết quả của sự hợp tác tốt đẹp giữa Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm và Tập đoàn đóng tàu Damen suốt 12 năm qua. Đây cũng là lần đầu tiên, tập đoàn Damen có hình thức liên doanh tại nước ngoài, nhằm đưa liên doanh này trở thành cơ sở đóng tàu công tác lớn nhất thế giới.
Đột phá công nghiệp đóng tàu
Chia sẻ về sự hợp tác trên, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch HĐTV SBIC cho biết, những năm qua ngành Đóng tàu rơi vào tình trạng đặc biệt khó khăn, nhưng Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm vẫn sống khỏe, đảm bảo việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động. Không những vậy, công ty vốn là một DN nhỏ, song đã sáp nhập thành công với Bến Kiền trở thành một DN làm ăn hiệu quả. “Có được kết quả đó phần lớn nhờ vào sự kết hợp với Damen - đơn vị đã cung cấp 100% sản phẩm đóng tàu để Sông Cấm - Bến Kiền gia công hoàn thiện”, ông Sự nói.
Cũng theo ông Sự, hiện tại, Damen đang có quan hệ hợp tác tốt và là đối tác quan trọng nhất của SBIC. Ngoài việc đang cung cấp toàn bộ đơn hàng cho Sông Cấm - Bến Kiền, Damen còn cung cấp đơn hàng đảm bảo công ăn việc làm cho Hạ Long tới hết năm 2016 và đang đàm phán để mua 49% cổ phần của Hạ Long, đồng thời mở rộng từng bước việc đặt hàng tại Phà Rừng.
Vì vậy, việc Damen mua cổ phần của SBIC tại Sông Cấm - Bến Kiền có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư, nâng tầm hợp tác chiến lược giữa hai bên, tạo cơ sở ban đầu để mở rộng hơn nữa việc hợp tác giữa hãng này và các nhà máy còn lại của SBIC.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, SBIC đang trong quá trình mở rộng thị trường, nhất là thị trường quốc tế nhằm khôi phục lại niềm tin đối với các chủ tàu nước ngoài. Damen lại là một đối tác lý tưởng cho bất cứ DN đóng tàu nào. Khi mà SBIC và cả Vinashin trước đây rất khó khăn, nhà đầu tư Damen vẫn kiên định đầu tư vào Sông Cấm. “Họ cũng đánh giá cao đội ngũ công nhân của nhà máy đóng tàu Sông Cấm nói chung và các nhà máy đóng tàu khác của Việt Nam. Điều đó cho thấy họ kiên định với các nhà máy đóng tàu của chúng ta”, Thứ trưởng công nói.