Theo Tổng công ty Cảng hàng không (CHK) Việt Nam (ACV), đến nay nhà ga hai CHK Đà Nẵng và Cam Ranh đều đã quá tải so với thiết kế. Hôm qua (12/8), làm việc với TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo: ngay tháng 11 tới đây phải khởi công dự án nhà ga quốc tế mới tại CHK Đà Nẵng để kịp phục vụ APEC 2017.
Kịp thời phục vụ APEC 2017
Ấn định thời hạn khởi công tháng 11, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh: đây là dự án cấp bách để phục vụ Hội nghị APEC 2017, là “bộ mặt” của Việt Nam với quốc tế, không thể chậm trễ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng dự án. Bản thân nhà ga CHK quốc tế Đà Nẵng hiện đã quá tải. Quy hoạch ban đầu đến năm 2020 nhà ga này đáp ứng 6 triệu lượt hành khách, nhưng năm 2015 dự kiến lưu lượng khách thông qua đã đạt 6,5 triệu lượt.
Theo báo cáo, dự án dự kiến khởi công từ tháng 1/2016 và vận hành, khai thác từ tháng 7/2017. Tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu phải khởi công sớm hơn. Để làm được điều này, Bộ trưởng truy vấn Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh khi nào thì có mặt bằng? Ông Thanh cho hay: “đang đề nghị Đà Nẵng khoảng tháng 9 giao mặt bằng”. Tổng giám đốc TCT CHK Việt Nam (ACV) Lê Mạnh Hùng cho biết: toàn bộ phần quy hoạch đã được đảm bảo di dời, chỉ chờ phía thành phố bàn giao mặt bằng là có thể triển khai ngay.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cam kết, thành phố sớm thành lập ban GPMB đáp ứng tiến độ. Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng giao ACV thống nhất Đà Nẵng về tiến độ GPMB, tiến độ xây dựng để vận hành khai thác chậm nhất vào quý I/2017. “Các dự án hàng không không được chậm tiến độ. Phải rút kinh nghiệm từ bài học xây dựng nhà ga cũ, yếu kém toàn diện, nhà thầu dàn trải, quá nhiều khâu trung gian nên chậm”, Bộ trưởng Thăng nhắc nhở.
CHK Cam Ranh Quá tải 30% từ năm 2014
ACV cũng vừa báo cáo Bộ GTVT phương án xây dựng nhà ga quốc tế CHK Cam Ranh. Theo ACV, số lượng, tần suất các chuyến bay đi và đến CHK quốc tế Cam Ranh hiện cao hơn so với năng lực của cảng. Ước tính mỗi ngày có 16 - 18 chuyến bay quốc nội và 3 - 4 chuyến bay quốc tế.
Nếu như năm 2004, Cam Ranh mới đón chuyến bay dân sự đầu tiên thì đến năm 2007, lượng hành khách thông qua cảng đã hơn 501 nghìn khách, xếp thứ 5 về sản lượng hành khách trong hệ thống 22 CHK của Việt Nam. Sang năm 2008, con số này đã là 661 nghìn khách, tăng 31,8%. Năm 2011 đạt 1 triệu khách và năm 2014 đạt hơn 2,1 triệu khách.
“5 năm gần đây, lượng hành khách qua CHK quốc tế Cam Ranh tăng bình quân 24%/năm”, Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng cho biết.
Đáng nói hơn, nhà ga hành khách hiện tại của CHK quốc tế Cam Ranh có công suất phục vụ 1,6 triệu lượt khách/năm. Điều này có nghĩa là tới năm 2014, nhà ga này đã quá tải gần 30% so với công suất thiết kế.
“Khu vực phòng chờ hiện nay không đủ diện tích nên thường xuyên quá tải trong các giờ cao điểm. Hơn nữa, do tình hình khai thác với tần suất cao, liên tục, cả hai cầu ống dẫn khách đã được sử dụng hết công suất nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu khai thác. Hiện nay, ACV đang cải tạo nhà ga hiện hữu để nâng công suất lên 2,5 triệu hành khách, phục vụ đủ cho lượng khách đến năm 2020”, ông Hùng nói.
Được biết, theo điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, lượng khách du lịch đến tỉnh này năm 2020 sẽ là 3,4 triệu khách, trong đó có 1,4 triệu khách quốc tế. Tuy nhiên, lượng du khách đến Khánh Hòa đã đạt 3,6 triệu khách ngay từ năm 2014.
Theo đánh giá, lượng khách hàng không đến Khánh Hoà sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. “Vì vậy, việc xây dựng một nhà ga hành khách quốc tế tại CHK quốc tế Cam Ranh là cấp bách, giúp tách riêng biệt quy trình khai thác ga quốc tế và quốc nội, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường trong tương lai”, ACV đề xuất.
Phương án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế CHK quốc tế Cam Ranh do ACV đề xuất nêu rõ: “Mục tiêu là xây dựng nhà ga hành khách mới phục vụ 2 triệu khách quốc tế/năm, đảm bảo thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận”. Đặc biệt, nhà ga sẽ được thiết kế mở, để có thể đầu tư nâng công suất lên 4 triệu khách/năm khi có nhu cầu. Nếu được phê duyệt, dự kiến công trình sẽ khởi công vào quý I/2016 và hoàn thành sau 18 tháng.
Sớm di dời ga đường sắt khỏi trung tâm TP Đà Nẵng
Làm việc với TP Đà Nẵng ngày 12/8 về dự án di dời ga Đà Nẵng, Bộ trưởng Thăng cho rằng, đây là dự án trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt từ lâu. Vấn đề là bài toán kinh tế. Dự án cần 6.800 tỷ đồng trong khi nguồn lực cho Đường sắt còn rất khó khăn, phía chính quyền địa phương cũng cần phải chung tay . “Giải được bài toán tài chính là chúng ta làm được”, Bộ trưởng Thăng nói và thông tin thêm hiện có bốn nhà đầu tư đang rất quan tâm đến dự án. Về hạ tầng đường sắt Đà Nẵng, ông Nguyễn Danh Huy, Trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (Bộ GTVT) cho hay, hai dự án gồm: Dự án hầm đường sắt qua đèo Hải Vân và dự án di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm TP Đà Nẵng đang được nghiên cứu. Trong đó, tổng đầu tư dự án hầm đường sắt qua đèo Hải Vân với chiều dài 22 km là khoảng 9.500 tỷ đồng và dự án di dời ga Đà Nẵng có tổng mức đầu tư khoảng 6.800 tỷ đồng. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu tách bạch làm hầm chui đường sắt qua đèo Hải Vân với dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng, làm di dời ga trước. Đà Nẵng chọn vị trí di dời ga từ trung tâm lên quận Liên Chiểu. Bộ trưởng giao các đơn vị chức năng của Bộ xây dựng phương án di dời ga, từ nay đến tháng 9 phải có phương án sơ bộ về dự án này. |