Tổ chức sinh hoạt đầu năm về an toàn giao thông (ATGT), ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông là những hoạt động đầu tiên mà các trường học đang chủ động triển khai nhằm đảm bảo ATGT cho học sinh ngay từ đầu năm học mới.
Sau tuần lễ cao điểm về xử phạt đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ từ 6 tuổi trở lên (từ ngày 6 đến 10-4-2015 trong toàn quốc) thì việc đội MBH của học sinh đã sớm đi vào nề nếp ngay từ đầu năm học mới. Quan sát từ phía cổng trường trước giờ vào lớp, học sinh các trường thuộc khu vực trung tâm như: THCS Quang Trung, THCS Nha Trang, THPT Chuyên, THPT Lương Ngọc Quyến… có ý thức khá tốt trong việc chấp hành đội MBH khi tham gia giao thông. Thầy Phạm Chí Hiếu, Bí thư Đoàn trường THPT Chuyên cho biết: Ý thức tham gia giao thông của học sinh THPT Chuyên nói chung và việc đội MBH nói riêng hiện nay tương đối tốt. Buổi sáng các em đến trường đều đội mũ, bước vào cổng trường cũng như là lên xe ra khỏi cổng trường là đội MBH, rất ít khi thấy các em đi xe đạp điện mà không đội MBH ngoài trường.
Để có được những chuyển biến về ý thức đội MBH khi tham gia giao thông, các nhà trường đã liên tục phổ biến cho học sinh đặc biệt là học sinh lớp 6, lớp 10 những quy định khi đi xe đạp điện vào những buổi sinh hoạt đầu năm, sinh hoạt đầu tuần và sinh hoạt đầu giờ. Bên cạnh đó, đội thanh niên cờ đỏ của các trường còn đẩy mạnh việc giám sát, nhắc nhở và ghi nhận những trường hợp không đội MBH. Nhằm tránh việc học sinh đội mũ theo kiểu chống đối, ban giám hiệu của nhiều trường trong đó có THPT Lương Ngọc Quyến đã phối hợp với công an khu vực trực tại các nút giao thông xung quanh để quản lý học sinh của trường. Thầy Phạm Lành, Phó hiệu trưởng trường THPT Lương Ngọc Quyến cho biết: Vào dịp hè, nhà trường vẫn phối hợp với công an giao thông để tiếp nhận và xử lý những biên bản vi phạm của học sinh. Những năm trước trường liên tiếp nhận được các biên bản về việc không đội MBH nhưng thời gian gần đây thì số lượng giảm hẳn. Hè vừa qua, trường chỉ nhận được hai trường hợp là học sinh chở người ngồi phía sau không đội MBH trên xe đạp điện. Đối với các trường trung học cơ sở bước đầu đã phối hợp với phụ huynh để tuyên truyền, nhắc nhở và ký cam kết đội MBH cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy.
Mặc dù học sinh mới học được 2 tuần nhưng các nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về ATGT năm học 2015-2016. Cụ thể, các trường học trên địa bàn tỉnh đang triển khai họp phụ huynh để tuyên truyền, nhắc nhở và ký cam kết việc không giao xe máy cho học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và cam kết đội MBH cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy. Nhà trường còn vận động phụ huynh cho các em sử dụng xe buýt đi học để giảm ùn tắc giao thông và giảm tối đa tai nạn giao thông. Do xác định “ý thức tham gia giao thông” là một trong ba nhiệm vụ trọng điểm nên các trường đã xây dựng và đề xuất những hình thức xử phạt khá nghiêm khắc. Đặc biệt nếu học sinh bị công an gửi biên bản xử phạt về trường, ngoài bị hạ hạnh kiểm, đưa ra Hội đồng kỷ luật giống như các trường, năm nay ban giám hiệu trường THPT Lương Ngọc Quyến còn áp dụng ký giấy xác nhận lấy xe từ 2 - 6 tháng kể từ ngày bị thu giữ.
Đối với công tác tuyên truyền về ATGT của trường THCS Nha Trang, Th.s Nguyễn Thị Phương Lan, hiệu trưởng cho biết: Dù chưa nhận công văn chính thức từ Sở GD&ĐT về ATGT năm học 2015-2016 nhưng nhà trường vẫn đẩy mạnh tuyên truyền ATGT trên các phương tiện truyền thanh của trường, khẩu hiệu, pano và băng rôn… Bước vào tháng cao điểm của ATGT, phần lớn các trường có kế hoạch mời các chuyên gia của Ban ATGT (tháng 9), Phòng Cảnh sát giao thông hoặc đội cảnh sát giao thông thành phố về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh. Và để học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức về ATGT được nhiều trường đưa vào các hoạt động Đoàn theo hình thức “sân khấu hóa” như các cuộc giao lưu, thi văn nghệ, học thuật....
Chị Hoàng Thị Đào, chuyên viên Phòng Pháp chế và Công tác học sinh, sinh viên Sở GD&ĐT cho biết: Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ có những văn bản chỉ đạo tất cả các đơn vị trường học trong toàn tỉnh về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông cần phải phối hợp với các ban, ngành liên quan của địa phương trong việc quản lý, kiểm tra, nhắc nhở học sinh khi tham gia giao thông, nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông xảy ra.
Chủ động tuyên truyền về ATGT là hiệu ứng tích cực về việc triển khai kế hoạch trật tự ATGT của các trường trong năm học 2015-2016. Hy vọng với cách làm này, nhà trường sẽ hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông của học sinh đồng thời tạo ra những chuyển biến hiệu quả trong nhận thức, trách nhiệm về chấp hành ATGT của gia đình và toàn xã hội.