Nghiêm khắc xử lý xe máy kéo, đẩy xe xích lô, xe ba gác

16:57, 17/08/2015

Chuyện xe máy kéo xe ba gác, đẩy xe xích lô trên phố từ lâu đã không còn là xa lạ với người dân Thái Nguyên. Hằng ngày, trên các trục đường phố, nhiều người không ngần ngại việc sử dụng xe máy để kéo xe ba gác, hoặc đẩy xe xích lô chạy từ phố này sang phố khác, cho tới khi đến đích mới thôi. Điều ngạc nhiên là sự việc xảy ra ngay trong lòng thành phố, thậm chí cả vào giờ cao điểm có đông người tham gia lưu thông trên đường, nhưng chẳng mấy khi cảnh sát giao thông toét còi, lập biên bản xử lý vi phạm.

Vì cuộc mưu sinh, nhiều người đã tự chế chiếc xe máy của mình có thêm bộ phận trục kéo phía yên sau, khi cần di chuyển, chỉ cần ngoắc càng xe ba gác vào là bon bon chạy ra phố. Một vi phạm phổ biến trên các đường phố là người điều khiển xe xích lô ngồi co chân lên cao, để người lái xe máy chạy sát phía sau dùng chân đẩy với tốc độ lên đến 30, 40 km.

 

Phổ biến hơn, những người làm nghề kéo xe ba gác đứng chờ việc tại các cửa hàng bán vật liệu xây dựng, thiết bị gia đình hoặc đồ dùng gia dụng trong phố. Do người đi mua hàng ít, nên chọn cách thuê người kéo xe ba gác vận chuyển với giá rẻ hơn so với việc thuê xe ô tô vận tải. Hàng hóa thường là xi măng, sắt thép, tấm lợp, biển hiệu quảng cáo, bàn ghế, bồn cầu, chậu tắm bằng sành sứ và nhiều loại hàng khác với số lượng chẳng đáng là bao. Qua quan sát của chúng tôi: Do thấy người kéo xe chạy chân quá chậm, miệng luôn thở dốc, nên người đi xe máy, đồng thời là chủ của số hàng hóa xếp trên xe ba gác, nóng ruột, bảo người kéo xe ngồi lên phía sau. Tay phải nắm càng xe ba gác, nên người kéo xe cực chẳng đã, phải ngồi xoạng chân, kẹp chặt vào bên hông xe để không bị ngã. Xe máy bắt đầu chạy, xe ba gác mang hàng hóa cồng kềnh cũng lăn bánh theo ở phía sau. Lúc này, người kéo xe ba gác trở thành “bộ phận” móc nối giữa xe máy với xe ba gác. Một sự kết nối bất đắc dĩ vì bát cơm, manh áo hằng ngày người kéo xe phải chấp nhận.

 

Tôi đã nhiều lần chứng kiến trên đường phố có những chiếc xe ba gác mang cồng kềnh nhiều tấm lợp bằng tôn sắt, dài thượt tới 4, 5 mét; hoặc mang trên nó cả một tấm biển quảng cáo vừa to, vừa dài. Tuy không nặng, nhưng cồng kềnh, khiến người kéo xe ba gác ngồi phía sau xe máy phải mắm môi, nghiến răng dang rộng cánh tay để cầm chắc càng xe ba gác. Lúc xe máy phanh lại làm người cầm càng xe ba gác lao chúi về phía trước. Lúc ga cho xe chạy, dù đã rất chú ý, nhưng người cầm càng xe ba gác vẫn bị ưỡn ngửa ra đằng sau. Nguy hiểm nhất là lúc xuống dốc, chiếc xe ba gác cứ dồn thúc lên phía trước, lơ đãng một chút là cả đống hàng hóa đổ ập lên người.

 

Với những hàng hóa cồng kềnh như tôn lợp mái nhà, khung sắt làm biển quảng cáo có độ dài quá khổ, lúc xe kéo nhau vào cua rất dễ va quệt vào người đi đường. Tôi đã hỏi một số người làm nghề kéo xe ba gác: Bác có biết là rất nguy hiểm khi ngồi sau xe máy lại kéo theo xe ba gác chất hàng hóa cồng kềnh? Họ đều có chung câu trả lời: Biết. Trước hết là vi phạm Luật Giao thông; đến nữa là gây nguy hiểm cho mình và mọi người trên đường. Có người kéo xe ba gác còn thổ lộ: Mỗi lần ngồi sau xe máy để kéo theo xe ba gác, tôi sợ lắm, nhưng không làm như thế, người ta không thuê...  Nhìn khuôn mặt nhợt nhạt của bác... xe, tôi hiểu, không có người thuê, đồng nghĩa với việc bác bị thất nghiệp, không có thu nhập. Bác... xe còn bảo: Thỉnh thoảng cũng bị các chú cảnh sát giao thông tuýt còi, các chú chỉ nhắc nhở, không phạt. Hoặc chỉ phạt người chủ hàng đang đi xe máy...

 

Tôi mang chuyện xe máy đẩy xe xích lô, kéo xe ba gác trên đường phố để trao đổi với đồng chí Triệu Đình Hưng, Đội trưởng Đội Tuyên truyền Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh. Đồng chí Hưng cho biết: Hằng ngày, có rất nhiều vụ vi phạm an toàn giao thông được xử lý, nhưng chúng tôi không bóc tách loại vi phạm này thành một mục riêng. Nhưng với những trường hợp xe máy kéo xe xích lô, đẩy xe ba gác, cơ quan chức năng đã kiên quyết xử lý đúng luật. Nhưng cơ bản là lập biên bản xử phạt người điều khiển xe máy, đồng thời nhắc nhở người đạp xe xích lô, kéo xe ba gác.