Vì sao tàu đi Trung Quốc chưa “hút” khách?

08:09, 04/08/2015

Chính thức khai trương từ đầu tháng 1/2009, nhưng đã hơn 6 năm hoạt động, tàu khách liên vận quốc tế Gia Lâm - Nam Ninh dù đã giảm nhiều thời gian làm thủ tục thông quan và giá vé so với ban đầu vẫn không hấp dẫn hành khách.

Giá vé thiếu cạnh tranh

 

Tàu khách quốc tế Gia Lâm - Nam Ninh được lập ra với mục tiêu “nhắm” tới là đối tượng khách du lịch đông đảo qua lại tham quan, du học sinh, kể cả người kinh doanh giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tàu do Cục Đường sắt Nam Ninh (Trung Quốc) tổ chức từ phương tiện đến nhân viên tổ tàu. Tàu chạy hàng ngày vào ban đêm để tránh tiền lưu trú cho khách.

 

Việc bán vé tàu do Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và Cục Đường sắt Nam Ninh tổ chức, thực hiện theo Hiệp định về bảng giá cước hành khách quốc tế (MPT), Hiệp định về liên vận hành khách đường sắt quốc tế (SMGS) và được thanh toán bằng franc Thụy Sĩ nên giá cước cao.

 

Khó khăn từ thủ tục xuất nhập cảnh hoàn toàn có thể khắc phục nếu có sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng quản lý nhà nước của hai bên. “Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đề xuất Bộ GTVT có ý kiến với các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc thực hiện việc kiểm tra xuất nhập cảnh “một cửa, một lần dừng”; Sử dụng giấy thông hành du lịch khi thông quan qua cửa khẩu đường sắt… tiến tới cho phép áp dụng làm thủ tục xuất cảnh tại ga xuất phát để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách”.

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

 

Thời gian đầu khai trương, giá vé tàu MR là 70,06 franc Thụy Sĩ/1 vé khoang bốn giường mềm (theo tỷ giá hồi đó khoảng 1,17 - 1,19 triệu đồng), 45,08 franc/1 vé khoang 6 giường cứng (khoảng 755 nghìn - 767 nghìn đồng). Sau đó, Đường sắt Việt Nam đã đàm phán, thỏa thuận với Đường sắt Trung Quốc, thống nhất giảm giá vé 55% để thu hút khách đi tàu. Một vé nằm mềm điều hòa khoang 4 Hà Nội - Nam Ninh là 31,53 franc Thụy Sĩ (khoảng hơn 700 nghìn đồng theo tỷ giá quy đổi hiện nay, tương đương giá vé năm 2014).

 

Theo ông Nguyễn Văn Bính, Phó tổng giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2015, sản lượng tàu liên vận quốc tế Gia Lâm - Nam Ninh và đến các ga quá Nam Ninh đến Bắc Kinh đạt 17.606 lượt hành khách. Trong đó, 10.482 lượt khách xuất, bằng 96% so với cùng kỳ 2014; khách nhập là 7.124 lượt, tăng 2% so với cùng kỳ. Số hành khách đi từ các ga liên vận quốc tế của đường sắt Việt Nam đến các ga đi quá Nam Ninh đến Bắc Kinh của đường sắt Trung Quốc chỉ chiếm chưa đến 2%. “Sản lượng như vậy so với mấy năm trước là tương đối ổn định. Để duy trì được sản lượng này, đường sắt Trung Quốc phải chịu lỗ khoảng 4 năm”, ông Bính cho biết thêm.

 

Thực tế cho thấy, sản lượng khách tàu MR hiện nay còn thấp so với năng lực. Hành khách hàng ngày lên tàu tại ga Gia Lâm ước tính chỉ khoảng 50 người, hành khách lên tàu tại các ga khác như Bắc Giang, Đồng Đăng hầu như không có. Vậy tại sao đoàn tàu có trang thiết bị hiện đại, tiện nghi, mùa đông có hệ thống sưởi, mùa hè có hệ thống điều hòa không khí, nội thất đẹp; giờ chạy hợp lý vào ban đêm, giúp hành khách tiết kiệm được thời gian ban ngày để du lịch, làm việc, mua sắm... lại không thu hút được hành khách?

 

Chị Lê Vân Anh, đang học thạc sĩ tại Nam Ninh cho biết: “Trước đây khi còn học đại học tại Nam Ninh và hiện giờ cũng vậy, tôi hay đi lại giữa Hà Nội - Nam Ninh bằng ô tô, chỉ mất khoảng 8 - 9 tiếng, kể cả thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh. 9h30 sáng xe chạy tại Hà Nội, chỉ 18h là đến nơi. Vé xe lại rẻ hơn đi tàu. Tôi đã từng đi tàu Gia Lâm - Nam Ninh rồi, hành trình quá dài, khoảng 12 tiếng rưỡi, rất mất thời gian. Hơn nữa, giá vé lại đắt”.

 

Lý giải thêm, chị Vân Anh cho biết, cùng khoảng cách khoảng 400 km Gia Lâm - Nam Ninh, nếu chọn giữa ô tô chất lượng cao với giá vé khoảng 500 nghìn đồng, thời gian hành trình ngắn và đi tàu với giá 700 nghìn đồng, thời gian hành trình kéo dài, chắc chắn hành khách sẽ chọn đi ô tô. Đó là chưa kể, đi ô tô linh hoạt hơn, nhiều giờ chạy, nhiều hãng xe khác nhau đón tại nhiều địa điểm, khách có thể chủ động lựa chọn. Nhà xe cũng có nhân viên hướng dẫn, đón khách qua biên giới tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

 

Thêm thủ tục phiền hà

 

Liên quan đến vấn đề giá vé, ông Nguyễn Văn Bính cho rằng, giá vé tàu tuy cao nhưng không quá cao so với ô tô, đi tàu lại thoải mái, tiện nghi hơn và đặc biệt an toàn hơn. Lý giải vì sao tàu chất lượng cao nhưng chưa hút khách, ông Bính nói: “Thủ tục làm hộ chiếu, visa và thời gian làm thủ tục thông quan tại hai ga cửa khẩu mới là yếu tố chính khiến khách không mặn mà. Hiện nay, thủ tục hành chính, thủ tục thông quan (biên phòng và hải quan) đối với hành khách tại các ga liên vận quốc tế Đồng Đăng và Bằng Tường (Trung Quốc) còn nhiều bất cập, gây khó khăn, phiền hà cho hành khách đi tàu liên vận quốc tế”.

 

Cụ thể, tại ga Đồng Đăng và ga Bằng Tường, hành khách khi làm thủ tục thông quan phải mang hành lý xuống tàu để kiểm tra và phải mất khoảng 3 giờ chờ làm các thủ tục này cho một chuyến tàu. Ban đêm là thời gian hành khách nghỉ ngơi, lại phải xuống tàu đến hai lần tại hai ga biên giới, đem theo hành lý để làm thủ tục xuất nhập cảnh, bao gồm: Kiểm tra hộ chiếu, kiểm dịch và kiểm tra hành lý. Tại ga Bằng Tường, cũng có cả lực lượng biên phòng lên tàu kiểm tra hộ chiếu nhưng hành khách vẫn phải đem theo hành lý xuống ga kiểm tra hành lý và kiểm dịch.

 

Mặt khác, việc các cơ quan Nhà nước quy định bắt buộc sử dụng hộ chiếu khi hành khách thông quan bằng đường sắt dẫn đến tăng chi phí để làm hộ chiếu, xin visa nên khó thu hút được luồng hành khách sử dụng giấy thông hành du lịch. “Chúng tôi đã thử khảo sát để xây dựng tour du lịch Hà Nội - Nam Ninh bằng tàu hỏa nhưng giá thành quá cao. Giá vé cao hơn ô tô đã đành, cái chính là chi phí để làm hộ chiếu cho khách, mất khoảng 85 USD/khách, thời gian chờ làm hộ chiếu phải mất bốn ngày. Trong khi đó, nếu đi bằng ô tô, làm giấy thông hành chỉ mất hơn 100 nghìn đồng”, ông Tào Khánh Hiệp, quyền Giám đốc Công ty Du lịch dịch vụ Công đoàn Đường sắt VN cho biết.

 

Theo ông Bính, khách đi tàu chủ yếu hiện nay là khách lẻ, khách du lịch đoàn không có. Tiềm năng khách đi du lịch giữa Hà Nội - Nam Ninh rất lớn, nếu đơn giản được các thủ tục sẽ giảm bớt chi phí, thời gian hành trình, chắc chắn thu hút được đối tượng khách tiềm năng này. Khi đó, việc chạy tàu MR không chỉ khẳng định uy tín trong tổ chức chạy tàu khách liên vận quốc tế, góp phần xây dựng thương hiệu mà còn đem lại doanh thu cho Đường sắt Việt Nam. Bởi, Đường sắt Việt Nam đang hưởng doanh thu bán vé chặng Gia Lâm - Đồng Đăng trên nguyên tắc giá vé bán cho tàu chạy bên nào bên ấy hưởng; Ngoài ra, nếu phía Việt Nam bán hộ sẽ hưởng 5% giá vé ghế ngồi.