Khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng họp chợ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn huyện Phú Bình có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ở các ngã ba, ngã tư hay cổng các công ty, nhà máy. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an ninh trật tự tại địa phương mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đối với người tham gia giao thông.
Chúng tôi đến cổng Nhà máy may TNG Phú Bình (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư & Thương mại TNG) lúc 16 giờ và chứng kiến một đoạn đường dọc 2 bên cổng nhà máy dài khoảng 40m, có gần 30 người đang chuẩn bị hàng hóa để bán với đủ các loại lương thực, thực phẩm, quần áo, giầy dép… Đa số các sản phẩm được “trưng bày” trên 1 mảnh ni nông trải dưới mặt đất hoặc trong những chiếc thùng xốp đã qua sử dụng. 17 giờ 30 phút là khoảng thời gian hoạt động mua bán ở chợ cóc này diễn ra sôi động nhất. Do bán tại cổng nhà máy và gần sát với mặt đường nên chợ thu hút được khá đông người mua, trong đó đa số là công nhân của Nhà máy may TNG và người dân ở một số địa phương lân cận như xã Kha Sơn, thị trấn Hương Sơn… Để thuận tiện cho việc mua hàng, nhiều người dừng, đỗ xe ngay dưới lòng đường gây cản trở giao thông mà không có sự can thiệp của lực lượng chức năng nào.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Thường trực Công đoàn Nhà máy may TNG Phú Bình cho biết: Dù chúng tôi đã đề biển “Cấm bán hàng” nhưng tình trạng chợ “cóc” họp ở khu vực cổng Nhà máy vẫn diễn ra khoảng 2 năm nay. Ban đầu chỉ có gần chục người đến bán hàng nhưng đến giờ con số ngày đã tăng lên gấp 2-3 lần. Nhà máy hiện có 23 chiếc xe đưa, đón hơn 2.600 công nhân, cán bộ đang làm việc tại đây nên việc họp chợ đã gây ùn tắc giao thông, chậm giờ làm, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của Nhà máy và mất an ninh trật tự. Trước thực trạng trên, Nhà máy cũng nhiều lần ra nhắc nhở người buôn bán nhưng họ vin vào lý do cần kiếm sống nên không chịu rời đi, trong khi đó lực lượng chức năng cũng chưa kiên quyết trong việc giải tỏa chợ “cóc” này.
Rời cổng Nhà máy may TNG, chúng tôi đến khu chợ tự phát ở ngã 3 Cầu Mây, thuộc xóm Kiều Chính, xã Xuân Phương. Đoạn đường ở khu vực này rộng khoảng 6m nhưng những người buôn bán ở đây đã bày hàng hóa, lấn chiếm đến 2/3 lòng đường, chỉ chừa một lối đi nhỏ cho người tham gia giao thông. Do chợ hoạt động cả ngày nên tình trạng tắc đường thường xuyên diễn ra, nhất là vào giờ cao điểm. Dù biết việc làm của mình là vi phạm Luật Giao thông đường bộ nhưng những người bán hàng ở đây vẫn kinh doanh vì lợi ích trước mắt. Bà Dương Thị Oanh, ở xóm Tân Sơn 9, xã Xuân Phương là người chuyên bán trái cây tại đây được gần 3 năm cho biết: Ngồi ở đây biết là mình vi phạm nhưng nếu không bán hàng thì tôi cũng chẳng biết làm gì để kiếm sống.
Không chỉ lấn chiếm lòng đường, những người bán hàng ở đây còn vô tư xả rác thải ngay tại chỗ, thậm chí đổ cả xuống dòng kênh cạnh đó gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường khiến người dân sống quanh khu vực này bức xúc.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, nguyên nhân khiến cho tình trạng chợ “cóc” ở Phú Bình diễn ra ngày càng phức tạp chủ yếu là do ý thức của người dân. Những người bán hàng thì cho rằng họp chợ cạnh lề đường sẽ tiện cho người mua, hàng hóa sẽ được tiêu thụ nhanh hơn. Còn người mua thì đưa ra lý do là mua hàng tại chợ cóc vừa nhanh, vừa rẻ, có khi chỉ cần ngồi trên xe cũng chọn được hàng mà không cần gửi xe. Tuy nhiên, ngoài những tiện ích mà chợ tự phát đem lại thì cũng có vô số những mặt trái cần quan tâm. Đó là nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao bởi hầu hết những mặt hàng được bầy bán tại chợ “cóc” đều không được kiểm soát, điều kiện bán hàng không đảm bảo; việc lấn chiếm đường giao thông, dừng đỗ xe không đúng nơi quy định có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và làm mất mỹ quan đô thị; việc tụ tập buôn bán họp chợ mà không có đơn vị nào quản lý sẽ tiềm ẩn nguy cơ trộm cắp, cướp giật…
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Anh Đức, Phó trưởng Công an huyện Phú Bình cho biết: Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn triển khai nhiều giải pháp để giải tỏa các chợ cóc, nhưng do hạn chế về nguồn kinh phí và nhân lực nên muốn giải quyết triệt để tình trạng chợ tự phát là rất khó khăn. Hơn nữa mỗi khi chúng tôi tổ chức tuần tra thì hàng hóa ở các chợ này được cất dọn rất nhanh, khuất bóng chúng tôi là họ lại bày ra ngay. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi cũng tiến hành thu giữ nhiều hàng hóa của những người buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nhưng đó đa số là những mặt hàng không có giá trị lớn nên họ thường bỏ luôn, không đến lấy và nộp phạt.
Thiết nghĩ, để giảm thiểu các chợ cóc trên địa bàn huyện Phú Bình trước hết phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân, ngoài ra các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc quyết liệt, mạnh tay hơn nữa, có như vậy lòng đường, vỉa hè mới được trả lại cho người tham gia giao thông.