Theo kế hoạch, dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm giao thông sẽ trình Chính phủ vào tháng 10 và ban hành vào tháng 12 tới. Nghị định lần này sẽ được sửa đổi theo hướng tăng nặng mức xử phạt để tăng sức răn đe đối với các hành vi vi phạm nguy hiểm đối với xã hội và trật tự ATGT.
Tăng xử phạt gấp 10 lần hành vi đi xe máy vào đường cao tốc
Theo ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT), sau một thời gian triển khai thực hiện Nghị định 171 và Nghị định 107 đã xuất hiện một số quy định còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đây chính là lý do để thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định. Trong đó, có nhiều hành vi được sửa đổi theo hướng tăng nặng nhằm gia tăng sự răn đe, giáo dục.
Cụ thể, đối với nhóm vi phạm về nồng độ cồn, dự thảo đề xuất tăng mức phạt tiền đối với tất cả các hành vi của lái xe ô tô. Theo đó, tăng mức phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng lên mức 3 - 5 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn dưới 50 miligam trong máu hoặc dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở (mức 1). Tăng từ 7 - 8 triệu đồng lên 8 - 12 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở (mức 2). Đặc biệt, người có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở (mức 3) sẽ phạt tiền từ 14 - 16 triệu đồng thay vì mức 10 - 15 triệu đồng như trước. Các hành vi ở mức 2 và 3 còn bị tước GPLX ba tháng thay vì hai tháng như hiện nay.
"Việc tăng mức phạt lần này liên quan đến các nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây ra TNGT nhằm tác động vào ý thức của người tham gia giao thông, với các hành vi này mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực nhưng vi phạm vẫn xảy ra phổ biến. Với mức phạt như hiện nay là chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là đối với hành vi chở quá tải trọng. Việc sửa đổi Nghị định 171 lần này sẽ tập trung vào xử phạt nặng đối với chủ phương tiện”.
Bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ VN).
Đối với người điểu khiển mô tô, xe gắn máy, mức phạt cũng tăng gấp đôi hiện nay. Vi phạm ở mức 2 sẽ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng và mức 3 là 5 - 7 triệu đồng. Ngoài ra còn bị tước GPLX từ 2 - 3 tháng.
Theo Ban soạn thảo, lý do phải tăng mức xử phạt đối với nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn bởi theo thống kê, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia gây ra trung bình mỗi năm chiếm tới 16 - 20%. Tỷ lệ này có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Hơn nữa, các vụ TNGT liên quan đến sử dụng rượu, bia thường rất nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại về người và tài sản, đe dọa ATGT đối với những người khác.
Cũng tại dự thảo này, hành vi đi xe máy vào đường cao tốc, mức xử phạt tăng lên gấp 10 lần. Theo đó, người điều khiển mô tô - xe gắn máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng thay vì mức 200 - 400 nghìn hiện nay. Theo Ban soạn thảo, đây là hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ TNGT do các xe ô tô đang lưu hành trên đường cao tốc với tốc độ rất cao. Trong khi đó, mức xử phạt hiện nay không đủ sức ngăn chặn, răn đe. Đối với xe ô tô dừng đỗ không đúng quy định trên đường cao tốc cũng tăng từ mức 800 nghìn - 1,2 triệu đồng lên mức 2 - 3 triệu đồng.
Với hành vi chở quá tải 150%, mức phạt tiền cũng tăng gấp đôi. Theo đó, lái xe vi phạm sẽ bị xử phạt từ 14 - 16 triệu đồng còn chủ phương tiện là cá nhân bị xử phạt từ 18 - 22 triệu đồng (mức cũ là 16 - 18 triệu đồng). Đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt từ 36 - 44 triệu đồng so với mức cũ là 32 - 36 triệu đồng. Hành vi không chấp hành việc kiểm tra tải trọng cũng tăng mức phạt từ 3 - 5 triệu đồng lên tới 14 - 16 triệu đồng nhằm ngăn chặn tình trạng chống đối khi bị kiểm tra tải trọng trên đường.
Các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh vận tải hành khách như: Chở quá số người, sai luồng tuyến, không có phù hiệu… cũng được bổ sung các chế tài xử phạt từ mức gấp đôi trở lên để đảm bảo trật tự ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ.
Với nhóm hành vi vi phạm về tốc độ mức xử phạt cũng tăng cao theo từng hành vi và mức độ nguy hiểm khác nhau. Trong đó, mức cao nhất là của xe ô tô đi với tốc độ vượt trên 35 km/h so với quy định sẽ bị phạt từ 8 - 12 triệu đồng và tước GPLX ba tháng…
Tại dự thảo Nghị định lần này cũng bổ sung một loạt các hành vi vi phạm khác như: Xe sử dụng tín hiệu ưu tiên nhưng không có giấy phép; điều khiển xe đi trên hè phố; đón trả khách không đúng địa điểm đón, trả khách theo hợp đồng; không thông báo hợp đồng vận chuyển tới Sở GTVT…
Tăng xử phạt là cần thiết
Ủng hộ đề xuất tăng nặng mức phạt đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Thương mại vận tải dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) cho rằng, điều đó là cần thiết nhằm lập lại trật tự vận tải hành khách. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là khi triển khai thực hiện phải đồng bộ, kiên quyết, triệt để. Còn ngược lại sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. “Với mức xử phạt cao như vậy, để không ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp bắt buộc phải quán triệt nghiêm túc thực hiện Luật GTĐB đối với lái xe”, ông Hải nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Công ty TNHH Trường Giang - một doanh nghiệp hoạt động vận tải hàng hóa cũng cho rằng, cần thực hiện nghiêm, nhưng để đảm bảo hiệu quả khi triển khai phải làm toàn diện, tăng cường công tác tuyên truyền để doanh nghiệp thay đổi nhận thức.
Anh Trần Quốc Dũng ở Khu đô thị Văn Khê (Hà Nội) thường xuyên đi ô tô trên các tuyến cao tốc cũng cho rằng, việc xử phạt nặng hành vi đi xe máy vào cao tốc là rất cần thiết bởi đây là hành vi rất nguy hiểm cho cả người đi ô tô lẫn xe máy.