Những ngày này, các địa phương trên địa bàn huyện Phú Bình đang tập trung thu hoạch lúa mùa, rất nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xóm, liên xã bị bà con tận dụng để làm chỗ tuốt lúa, phơi, đốt rơm rạ. Đây là vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Vào ngày mùa đi trên Quốc lộ 37, đoạn chạy qua địa phận huyện Phú Bình, cứ cách một đoạn ngắn chúng tôi lại bắt gặp hình ảnh người dân vô tư trải rơm ra đường. Có những đoạn, rơm được phơi kéo dài hàng chục mét, tràn ra đến gần giữa đường. Hầu như các loại phương tiện khi lưu thông qua những đoạn này đều phải cho xe chạy lấn sang cả làn đường ngược chiều, sẽ rất dễ xảy ra tai nạn giao thông nếu không chú ý quan sát kỹ.
Không chỉ riêng Quốc lộ 37 mà nhiều tuyến đường liên xóm, liên xã trên địa bàn huyện cũng phủ kín một lớp rơm dày. Mỗi khi có các phương tiện giao thông đi qua, rơm cuốn cả vào vành xe, che lấp những chiếc ổ gà khiến cho không ít người qua đó bị giật mình, lạc tay lái.
Chúng tôi có dịp chứng kiến sự bất bình của nhiều người đi đường khi đến cổng trường mầm non thị trấn Hương Sơn. Cả một đoạn đường dài trước cổng trường đã bị người dân chiếm dụng làm chỗ phơi rơm, đúng giờ tan tầm buổi chiều, họ dùng que để gẩy rơm khiến cho bụi bay mù mịt, nhiều phụ huynh đến đón con phải lấy tay che mặt và phóng vội qua đó, kèm theo là những lời trách mắng, tỏ rõ sự khó chịu. Bà Đồng Thị Dung, Hiệu trưởng Trường mầm non Hương Sơn cho biết: Việc phơi rơm trước cổng trường đã gây ảnh hưởng nhiều đến việc đưa, đón trẻ. Ngày nắng thì bụi bặm, ngày mưa nước ngấm vào khiến rơm ải ra, mỗi khi đi qua đó rất bẩn. Nhà trường đã đề nghị hộ dân có rơm phơi ở đó vận chuyển đi nơi khác nhưng họ vẫn chưa thu gom.
Những năm gần đây, việc đưa máy móc vào thu hoạch nông sản ngày càng phổ biến trên địa bàn huyện Phú Bình, đặc biệt là việc sử dụng máy tuốt lưu động. Vì vậy, bà con nông dân sau khi cắt lúa xong thay vì mang về nhà thì nhiều hộ lại tuốt lúa ngay tại các bờ ruộng, lề đường. Đường làng chiếc máy tuốt đã chiếm đến quá nửa phần đường, nhà nọ nối tiếp nhà kia tuốt lúa đã gây ách tắc, cản trở việc đi lại của người dân. Đó là chưa kể một số người vô ý còn xoay cả họng xả rơm ra ngoài đường khiến cho bụi bay mù mịt, người tham gia giao thông mỗi khi qua những điểm như thế không còn cách nào khác là phải dừng lại để chờ lúa được tuốt xong. Được biết, sau khi tuốt lúa xong, phần lớn rơm sẽ được phơi tại chỗ cho khô rồi mới vận chuyển về nhà, hộ nào không có nhu cầu tích trữ rơm thì sẽ gom thành đống to và đốt ngay tại ruộng. Do đó, khi đến Phú Bình vào ngày mùa, không khó để bắt gặp những cột khói bốc cao mù mịt, che khuất cả tầm nhìn của người đi đường.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, mỗi khi đến ngày mùa, Ban An toàn giao thông huyện Phú Bình và các đơn vị chức năng đều tích cực tuyên truyền để bà con nông dân thấy được nguy cơ của việc mất an toàn giao thông khi tuốt lúa, phơi rơm trên đường nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để bởi trong suy nghĩ của nhiều người dân, việc tuốt lúa, phơi rơm là tiện đâu làm đấy, còn việc đốt rơm rạ thì vừa làm sạch đồng ruộng, vừa tận thu được tro làm phân bón cho lúa và hoa màu. Thiếu tá Hứa Thanh Ngân, đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện Phú Bình cho biết: Trên địa bàn huyện Phú Bình tuy chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nào liên quan đến việc tuốt lúa, phơi, đốt rơm rạ trên đường, nhưng những việc làm này nếu không được giải quyết triệt để sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao. Bên cạnh đó, để việc tuyên truyền đạt được hiệu quả cao nhất thì rất cần sự vào cuộc của chính quyền các địa phương nhằm phát hiện, xử lý và nhắc nhở những người có hành vi lấn chiếm lòng lề đường.
Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, ngày 13-11-2013 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, phạt từ 200.000đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức có hành vi vi phạm phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ.