Ngành GTVT đặt nhiều mục tiêu lớn năm 2016

08:56, 05/01/2016

Chiều 4/1, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và chủ trì Hội nghị.

Chất lượng văn bản QPPL được cải thiện

 

Báo cáo tổng kết công tác năm 2015, Thứ trưởng  Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), năm 2015, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 14 dự thảo VBQPPL; 7 chiến lược, quy hoạch... hoàn thành 100% kế hoạch năm 2015; ban hành 85 thông tư, thông tư liên tịch; 28 quy hoạch, kế hoạch và đề án khác.

 

Trong 5 năm qua, Bộ GTVT đã tổ chức nghiên cứu, sửa đổi bổ sung 4 Luật, Bộ luật. Quốc hội đã thông qua 3 dự án Luật, Bộ luật về lĩnh vực Đường thủy nội địa, Hàng không dân dụng và Hàng hải. Đối với Dự án Luật Đường sắt, Bộ đang khẩn trương triển khai xây dựng dự thảo theo tiến độ. Bộ đã chủ trì xây dựng, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 52 nghị định, 15 quyết định, phê duyệt 45 đề án. Bộ trưởng đã ban hành 373 thông tư, phê duyệt 140 đề án.

 

Mức cải thiện điểm số của Bộ GTVT ở MEI 2014 so với MEI 2012 là 27,58%, dẫn đầu trong 14 Bộ. Đồng thời, Bộ GTVT cũng dẫn đầu 14 Bộ ở Chỉ số xếp hạng hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật với 68,22 điểm.

 

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được triển khai quyết liệt; chất lượng VBQPPL ban hành không ngừng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 

Tuy nhiên, vẫn còn một số ít văn bản vừa được ban hành nhưng phải sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tế; một số đề án được phê duyệt chưa phát huy được hiệu quả khi triển khai trên thực tế.

 

Hoàn thành 112 công trình, dự án

 

Thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết năm 2015, Bộ GTVT đã khởi công, triển khai thi công mới 51 công trình, dự án. Trong đó, có 15 dự án đầu tư theo hình thức BOT với tổng số vốn huy động trên 45 nghìn tỷ đồng, vượt 21% so với kế hoạch năm 2015.

 

Bộ GTVT đã hoàn thành, đưa vào khai thác 112 công trình, dự án. Trong đó có nhiều công trình, dự án lớn như hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn từ 1 đến 1,5 năm so với kế hoạch; hoàn thành tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; các cầu: Năm Căn, Cổ Chiên, Hạc Trì, Mỹ Lợi, QL19...; Nhà ga Cảng hàng không Vinh, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đậu máy bay Cảng hàng không Pleiku, cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, Nhà ga đường sắt Ninh Bình, 44 cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP HCM, nâng cấp tuyến Kênh Chợ Gạo - giai đoạn 1, luồng kênh Cái Tráp, cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang...

 

Đặc biệt là việc hoàn thành xuất sắc cụm 3 công trình: Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cầu Hữu nghị Việt - Nhật (cầu Nhật Tân) và đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân - Nội Bài) đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trao tặng Giải thưởng Cống hiến.

 

Sản lượng vận tải năm 2015 ước đạt 1.134 triệu tấn, 3.283 triệu lượt hành khách; tăng 6% về tấn vận chuyển và tăng 7,7% về hành khách vận chuyển so với năm 2014; tăng 58,6% về vận chuyển hàng hóa và 33,4% về vận tải hành khách so với năm 2010. Vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam tăng mạnh, đạt 31,1 triệu hành khách, tăng 21,2% so với năm 2014. Riêng Vietnam Airlines vận chuyển được trên 17,4 triệu lượt hành khách.

 

Nhờ những nỗ lực nêu trên, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 9 bậc so với năm 2014, tăng 36 bậc so với năm 2010.

 

“Các công trình của ngành GTVT đều có chất lượng tốt nhưng cục bộ ở một số công trình sau một thời gian đưa vào khai thác sử dụng đã xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên mặt bê tông nhựa. Bộ đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan có giải pháp kịp thời khắc phục, xử lý”, Thứ trưởng Đông khẳng định.

 

Công tác quản lý hoạt động vận tải ngày càng chặt chẽ, phát huy hiệu lực, hiệu quả; chất lượng các loại hình dịch vụ vận tải ngày càng được cải thiện nhất là lĩnh vực hàng không và đường sắt. Bộ đã thí điểm đưa sàn giao dịch vận tải VinaTrucking vào hoạt động. Sau 1 năm triển khai, tuyến vận tải ven biển đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mở ra cơ hội kết nối giữa các vùng, miền. Việc tăng cường đối thoại, trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, hiệp hội vận tải đã kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển vận tải.

 

Năm thứ hai liên tiếp số người chết vì TNGT giảm dưới 9000 người

 

Về công tác bảo đảm TTATGT, việc siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện được triển khai liên tục với nhiều giải pháp đồng bộ, tiếp tục phát huy hiệu quả, hạn chế được tình trạng xe quá tải, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và giảm TNGT.

 

Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tiếp tục được triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ, lượng xe vi phạm vượt tải trọng trên 100% cơ bản đã hết, chủ yếu là các xe vi phạm vượt tải thấp từ 30% trở xuống.

 

Năm 2015, TNGT cả nước xảy ra hơn 22.400 vụ, làm chết hơn 8.600 người, làm bị thương hơn 20.500 người. So với năm 2014, giảm 2.918 vụ (giảm 11,52%), giảm 325 người chết (giảm 3,61%), giảm 3.861 người bị thương (giảm 15,81%).

 

Năm 2015 là năm thứ 2 liên tiếp số người chết vì TNGT giảm xuống dưới 9.000 người; là năm thứ 18 liên tiếp không để xảy ra tai nạn hàng không. Tuy nhiên, TNGT đường sắt, đường thủy nội địa tăng so với cùng kỳ năm 2014. Hiện tượng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM có dấu hiệu gia tăng trở lại.

 

Năm 2015, Bộ đã hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa và thực hiện IPO 33 doanh nghiệp; trong đó có Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Bệnh viện GTVT Trung ương. Giai đoạn 2011 - 2015, Bộ GTVT được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu về việc thực hiện công tác đổi mới, sắp xếp, CPH doanh nghiệp; đã triển khai CPH 137 doanh nghiệp nhà nước trên tổng số 514 doanh nghiệp cả nước (chiếm 26,65%) được CPH trong giai đoạn này.

 

Nhiều mục tiêu lớn trong năm 2016

 

Bước sang năm 2016, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, ngành GTVT xác định phương châm hành động của toàn ngành là “Chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”.

 

Cụ thể, về vận tải, tiếp tục thực hiện “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”. Phấn đấu tăng trưởng bình quân từ 7-8% về tấn hàng hóa và lượt hành khách so với năm 2015. Về đầu tư phát triển: Hoàn thành kế hoạch thực hiện và giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao dự kiến gần 81 nghìn tỷ đồng; trong đó, vốn có nguồn gốc NSNN gần 49 nghìn tỷ đồng, vốn ngoài NSNN 32.000 tỷ đồng.

 

Về bảo đảm trật tự ATGT, khắc phục ùn tắc giao thông, tiếp tục thực hiện năm ATGT 2016 với  chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”; phấn đấu giảm TNGT ở tất cả các địa phương từ 5% đến 10% so với năm 2015 trên cả 3 tiêu chí; giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM.

 

Cũng trong năm 2016, ngành GTVT sẽ hoàn thành chuyển đổi 37 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần; cổ phần hóa 7 công ty thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy sau khi được chấp thuận phương án xử lý tài chính.