Muôn nẻo giao thông ký

15:22, 15/02/2016

Trong những năm qua, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đây là dấu hiệu đáng mừng thể hiện sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng và sự chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân. Tuy nhiên, khi tham gia giao thông, chúng ta vẫn bắt gặp nhiều tình huống, nguy hiểm, có khi bực mình đến tức cười chỉ vì hành vi, ý thức chấp hành của một số người tham gia giao thông.

Mối nguy hiểm mang tên… xe đạp điện

 

Trên đường đi làm về, vừa bấm còi và bật đèn tín hiệu xin đường để chuẩn bị rẽ vào vào ngõ lên nhà thì bất thình lình, một chiếc xe đạp điện từ trong phi ra, quá bất ngờ, chị Hà xóm tôi chỉ kịp hét lên và vội vàng phanh gấp khiến xe loạng choạng rồi va vào cột điện khiến đầu xe bị xước. Cũng may là chị và con không bị ngã xuống đường. Còn chiếc xe đạp điện do 1 cậu học sinh điều khiển không hề dừng lại hỏi han câu nào mà chạy thẳng. Vài ngày sau, khi đem chuyện này ra kể lai với mọi người trong khu phố, chị Hà vẫn chưa hết hoảng sợ và không khỏi bức xúc.

 

Lúc này, mọi người trong xóm xôn xao bàn tán về chủ đề xe đạp điện. Bà Liên thêm chuyện: Đúng là sợ thật! Chúng tôi hay đi bộ buổi tối, lo nhất vẫn là xe đạp điện. Chạy cứ êm ru, chẳng tiếng động gì, đèn có cũng chẳng bật, rẽ vào ngõ, góc khuất cũng không có lấy 1 tiếng còi báo hiệu. Chị Châm tiếp: Ôi trời, bật đèn, còi chắc chúng nó sợ tốn điện ắc quy, không đi được nhanh đấy! Chị Hương góp chuyện: Đi ở trong ngõ đã đành, giờ xe đạp điện chạy ngoài đường cũng nhanh chẳng kém xe máy, cứ vù vù mà nhiều đứa còn chở 2, chở 3, đánh võng như ai, mũ bảo hiểm thì chẳng đội… Chuyện râm ran 1 hồi rồi mọi người cùng đề nghị phải có ý kiến trong đợt họp tổ dân phố sắp tới để nhắc nhở chung bởi trong xóm có không ít phụ huynh đã mua xe đạp điện cho các cháu đi học. Phải sử dụng và điểu khiển đúng quy định, đúng luật thì mới mong đảm bảo an toàn cho mọi người và bản thân người đi xe đạp điện.

 

Ô tô tốc độ rùa…

 

Dù cơ quan chức năng xử lý khá mạnh tay nhưng tình trạng các xe khách chạy như “rùa bò”, vô tư dừng đỗ, chèo kéo để bắt khách vẫn diễn ra, nhất là các xe xuất phát từ Thái Nguyên đi Hà Nội. Nhà tôi ở gần Bến xe khách Thái Nguyên, mỗi lần đi lại đều phải đi qua ngõ sát với cổng ra của Bến. Không ít lần ra đến đầu đường gặp chiếc xe khách cỡ lớn chắn ngang, bò từng chút một như đứng im. Trong phút chốc, hàng chục chiếc xe các loại từ trong ngõ đi ra đều bị “chặn” gây ra cảnh ùn ứ. Phải một lúc sau mới có khe hở để thoát ra. Nhưng chẳng được bao lâu, đầu ngõ lại bị chặn bởi một chiếc xe khách khác và cứ thế… Khổ nhất là vào thời điểm sắp đến giờ làm việc công sở, lượng người tham gia giao thông lớn. Mặc cho bao người khác nôn nóng, thậm chí la ó nhưng lái xe vẫn cứ cho xe bò rất chậm và cò xe vẫn cứ vô tư chèo kéo, “gom” khách. Điều này vừa gây cản trở giao thông vừa gây nguy hiểm cho các phương tiện khác tham giao giao thông. Không chỉ diễn ra tại ngay cổng bến mà thực trạng này kéo dài tới 5, 7 cây số trong nội thành. Bởi vậy mà nhiều lần đi xe Hà Nội, tôi thấy mất cả tiếng đồng hồ, xe vẫn chưa chạy được chục km. Mặc cho khách ý kiến, sốt ruột, nhà xe cứ phớt lờ.

 

Được phép rẽ nhưng… không rẽ được

 

Trên địa bàn thành phố Thái Nguyên có nhiều tuyến đường giao cắt nhau sử dụng hệ thống đèn tín hiệu giao thông treo biển ghi: Đèn đỏ được phép rẽ phải. Dưới lòng đường cũng có vạch ngăn các làn đường hoặc mũi tên hướng dẫn. Vậy nhưng, mỗi lần đèn đỏ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông dường như chẳng cần quan tâm tới điều này mà cứ dừng xe tràn khắp lòng đường. Ai đến trước dừng trước, kín hết hàng đầu rồi nối tiếp nhau. Vậy là người muốn rẽ phải dù được phép đi theo chỉ dẫn nhưng không thể di chuyển vì không có đường. Có lần tôi chứng kiến anh tài xế taxi đang vội đón khách cứ dừng ở làn đường bên phải mà bấm còi inh ỏi, còn phía trước là rất nhiều xe máy đang dừng chờ đèn đỏ phía trước. Còi không được, như ức quá, anh ta kéo cửa kính xuống thò đầu ra ngoài mà quát: Không nhìn thấy biển chỉ dẫn à, đèn đỏ được rẽ phải to đùng thế, không rẽ thì dừng sang làn đường bên kia (bên trái) để lối cho người ta rẽ chứ!

 

Nghe anh tài xế taxi mắng, có người quay lại ái ngại, có người chẳng quan tâm. Biết làm sao được, cho xe sang trái không được, chạy thẳng lên thì thành ra vượt đèn đỏ, rẽ phải thì không phải đường mình đi. Thôi đành đợi đèn xanh. Không biết lần sau họ có nhớ dừng đúng làn đường để lối cho xe khác rẽ phải không. Và hiện nay, tình trạng được rẽ nhưng không rẽ được như câu chuyện trên vẫn thường xuyên xảy ra tại các đèn đỏ dù có biển hướng dẫn: được phép rẽ phải. Được biết, ở Thủ đô Hà Nội việc đi, dừng đỗ sai làn đường bị lực lượng chức năng theo dõi và xử phạt khá mạnh. Còn đối với chúng ta, trước khi nói đến chế tài, xử phạt có lẽ mỗi người nên tự nâng cao ý thức văn hóa khi tham gia giao thông...