Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) vừa đề xuất Bộ GTVT xem xét phê duyệt chủ trương điều chỉnh khung giá thu với hành khách đi tuyến quốc nội tại nhiều cảng hàng không mới được đầu tư.
Giá phục vụ khách quốc nội bằng 12 - 15% quốc tế
Đây là khẳng định của Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng. Cụ thể, theo ông Hùng, giá phục vụ hành khách quốc nội tại Việt Nam chỉ bằng 12 - 15% giá phục vụ hành khách quốc tế. Nhìn ra các nước trong khu vực, tỷ lệ này là 40 - 60%, cao hơn khá nhiều so với Việt Nam.
Ngoài ra, ACV cũng đề xuất Bộ GTVT xem xét điều chỉnh cơ chế chiết khấu giá hiện tại, phù hợp với năng lực khai thác của các hãng hàng không nội địa sau khi ACV đã trở thành công ty cổ phần để minh bạch hóa về các nguồn thu đối với các cổ đông, đồng thời thiết lập một mặt bằng kinh doanh bình đẳng giữa các hãng hàng không nội địa. |
Ông Hùng cũng cho rằng, trong khi toàn bộ chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng tại cảng hàng không cũng như chi phí khai thác theo giá thị trường, doanh thu của tổng công ty chủ yếu do Nhà nước quy định về giá (khoảng 70%). Điều này dẫn đến giá dịch vụ hàng không áp dụng cho chuyến bay quốc nội đang rất thấp, chưa tương xứng với chi phí đầu tư, chất lượng dịch vụ, sản lượng khai thác và chênh lệch lớn với giá dịch vụ áp dụng cho chuyến bay quốc tế.
Với chính sách giá như hiện nay, ông Hùng cho rằng khả năng thu hồi vốn khi thực hiện đầu tư các cảng hàng không, sân bay (không chỉ riêng với ACV mà với bất kỳ nhà đầu tư nào) là vô cùng khó khăn. “Như dự án Nhà ga hành khách CHK quốc tế Cát Bi vừa đưa vào khai thác từ 12/5/2016 với mức giá dịch vụ như hiện nay thì 40 năm mới thu hồi đủ vốn đầu tư”, ông Hùng dẫn ví dụ.
Ông Hùng cũng cho rằng, chính sách giá thấp áp dụng cho các hãng hàng không trong nước như hiện nay là hình thức Nhà nước đang bù đầu vào cho các Hãng hàng không thông qua ACV. Điều này thể hiện rõ qua giá vé máy bay Sài Gòn - Hà Nội của Vietjet Air và Jetstar Pacific khoảng 865 nghìn đồng/người/chiều, trong khi giá vé tàu hỏa tuyến này lại dao động 1,033 - 1,5 triệu đồng/người/chiều.
“Điều này làm méo mó thị trường vận tải, làm hạn chế sự phát triển của các loại hình vận tải khác như đường sắt, đường bộ trong khi công năng, tiện ích của vận tải hàng không lớn hơn rất nhiều”, ông Hùng phân tích.
Về vấn đề tăng giá phục vụ, phía các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không cho rằng, không ảnh hưởng đến khai thác của các hãng. Đại diện Vietjet, ông Vũ Phạm Nguyên Tùng, Giám đốc phát triển cho biết về thực chất, việc tăng giá phục vụ hành khách quốc nội hay không sẽ không ảnh hưởng đến các hãng hàng không. “Trên thực tế, hãng hàng không chỉ đứng ra thu hộ số tiền này của hành khách cho ACV. Mức này như thế nào, chúng tôi thu như thế đó”, ông Tùng nói.
Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Jetstar Lê Hồng Hà cho rằng, khi đó, người dân sẽ phải trả thêm tiền để được đi máy bay và cơ hội bay giá rẻ cũng sẽ giảm.
Thu hẹp khoảng cách quốc nội với quốc tế
Nhằm “tăng thu, tăng tích lũy, thúc đẩy quá trình tái đầu tư, cải thiện kết quả kinh doanh”, doanh nghiệp đang quản lý khai thác 22 cảng hàng không trên cả nước đã đề xuất Bộ GTVT xem xét về việc phê duyệt lộ trình điều chỉnh khung giá thu đối với hành khách đi tuyến quốc nội hiện nay theo hướng thu hẹp khoảng cách giữa quốc nội và quốc tế xuống từ 2 - 4 lần trong vòng 5 năm sau cổ phần hóa để đảm bảo hiệu quả trong đầu tư và khai thác tài sản.
Trước mắt, ACV đề xuất Bộ xem xét chấp thuận chủ trương điều chỉnh khung giá thu theo lộ trình từ năm 2015 - 2020 đối với hành khách đi tuyến quốc nội tại một số cảng mới đầu tư, thuộc các địa bàn có kinh tế phát triển, phục vụ khách du lịch có điều kiện về kinh tế nhất định như các cảng: Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Vinh, Phú Bài.
Phó Tổng giám đốc ACV Đào Việt Dũng cho biết: “Sẽ trình phương án cụ thể đối với từng cảng khi được chấp thuận về mặt chủ trương”.
Trả lời câu hỏi của Báo Giao thông về việc liệu đề xuất của ACV có hợp lý, có làm tăng giá vé máy bay và giảm cơ hội bay giá rẻ của người Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Văn Hảo cho biết, Cục mới nhận được đề xuất của ACV và cần thời gian nghiên cứu.
“Việc có hợp lý hay không, ảnh hưởng như thế nào, có nên chấp thuận chủ trương này cần phải có một hội đồng xem xét kỹ lưỡng, phân tích tình hình mới có thể đánh giá, nhận định được”, ông Hảo nói.