Hàng không tăng trưởng “nóng”

09:10, 06/08/2016

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), nửa đầu năm nay, thị trường hàng không có sự tăng trưởng “nóng”, đạt hơn 30% với tổng lượng hành khách qua các cảng hàng không (CHK) gần 38 triệu khách. Các hãng đã đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, với việc mở rộng mạng bay và tăng tần suất trên các đường bay nội địa cho nên số lượng hành khách nội địa tăng trưởng mạnh, đạt 14 triệu khách, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2015.

Chất lượng dịch vụ song hành tăng trưởng

 

Theo nhận định của Cục HKVN, mặc dù thị trường hàng không tăng trưởng “nóng” nhưng chất lượng dịch vụ hàng không vẫn được cải thiện đáng kể, các hãng đã có những thay đổi tích cực. Qua khảo sát, lấy ý kiến hành khách theo các tiêu chí về các dịch vụ hành khách ở tất cả các khâu từ đặt chỗ, bán vé, thủ tục hành khách, phòng chờ, hành lý,... Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đạt 5,52 trên thang điểm 7 về mức độ hài lòng của hành khách, VietJet có 94,1% khách phản hồi sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ. Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Trần Văn Thắng cho biết, ACV đã rất nỗ lực mở rộng, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị và rà soát, sắp xếp mặt bằng tại các CHK để đáp ứng nhu cầu khai thác. Cùng với đó, ACV tiếp tục cải tạo Nhà ga hành khách T1 Nội Bài, lắp đặt thêm hệ thống ca-mê-ra giám sát ở khu vực nhà ga hành khách, sân đỗ tàu bay và các khu vực quan trọng khác,…

 

Trong nửa đầu năm nay, bên cạnh thị trường vận tải hàng không tiếp tục tăng trưởng tốt, VNA đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ dấu hiệu chững lại của tăng trưởng kinh tế, bất ổn tại các nước châu Âu, tình trạng quá tải hạ tầng hàng không,... Tổng Giám đốc VNA Dương Trí Thành cho biết, trước bối cảnh đó, VNA đã nắm bắt kịp thời xu hướng tăng trưởng mạnh của thị trường, tận dụng tốt các điều kiện thuận lợi và nỗ lực của cả hệ thống, nhờ đó đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Theo đó, hãng thực hiện hơn 70 nghìn chuyến bay an toàn, tăng gần 11% so với cùng kỳ; vận chuyển 9,65 triệu lượt khách, tăng 15,5% so cùng kỳ, trong đó, vận chuyển trên các đường bay quốc tế tăng 6,9% và nội địa tăng 21,1% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu hợp nhất ước đạt hơn 36 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.600 tỷ đồng, đạt gần 70% so với kế hoạch năm 2016. Trong đó, doanh thu công ty mẹ ước đạt hơn 29 nghìn tỷ đồng tổng doanh thu và gần 1.140 tỷ đồng lợi nhuận, đạt hơn 72% kế hoạch năm 2016.

 

Cùng với đó, VNA đã hoàn thành hai nhiệm vụ lớn, quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự phát triển của hãng. Đó là cơ bản hoàn tất quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa với việc ký và nhận đủ tiền mua cổ phần của hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản ANA Holdings để tập đoàn này chính thức trở thành cổ đông chiến lược vào ngày 1-7 vừa qua (nắm giữ 8,771% cổ phần). Hợp tác sâu rộng giữa VNA và Tập đoàn ANA có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển dài hạn của VNA, giúp hãng triển khai chương trình đổi mới đội tàu bay bằng những dòng máy bay thế hệ mới, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ và hoạt động hiệu quả hơn.

 

Ngày 12-7, VNA đã được nhận chứng chỉ công nhận hãng hàng không 4 sao tiêu chuẩn quốc tế tại Lễ trao giải thường niên của Skytrax diễn ra ở triển lãm Farnborough Airshow (Anh), chính thức đứng vào hàng ngũ những hãng hàng không 4 - 5 sao hàng đầu thế giới. Đồng thời, hãng cũng được công nhận là một trong ba hãng hàng không tiến bộ nhất thế giới. Đây là những kết quả tích cực và nỗ lực của VNA trong việc tạo bước đột phá, tận dụng cơ hội để phát triển, tăng tỷ suất lợi nhuận và nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh. Không bù lỗ làm méo mó thị trường hàng không

 

Liên quan việc điều chỉnh tăng mức giá, khung giá dịch vụ hàng không, Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng cho rằng, hiện tại, chính sách giá hiện nay ưu đãi các hãng hàng không trong nước bằng hình thức bù lỗ chi phí đầu vào thông qua mức giá dịch vụ hàng không nội địa bị Nhà nước khống chế. Khoản bù lỗ chi phí cho các hãng hàng không trong nước thực tế tác động trực tiếp làm giảm doanh thu dịch vụ hàng không của ACV, nên không thể có nguồn lợi nhuận ổn định từ dịch vụ hàng không nhằm tích lũy tái đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các CHK.

 

Theo tính toán của ACV, hiện nay, toàn bộ chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng tại CHK cũng như chi phí khai thác (chi phí đầu vào của ACV) theo giá thị trường nhưng doanh thu (đầu ra) của ACV chủ yếu do Nhà nước quy định về giá (bằng khoảng 70%). Chính sách giá này không hợp lý, giá dịch vụ hàng không quốc nội thấp hơn nhiều so với giá dịch vụ hàng không quốc tế cho nên chưa tương xứng với chi phí đầu tư, chất lượng dịch vụ, sản lượng khai thác và chênh lệch lớn với giá dịch vụ áp dụng cho chuyến bay quốc tế. Cụ thể, trong năm 2015, doanh thu cất/hạ cánh (lượt chuyến) đối với quốc nội là 383 tỷ đồng, thấp hơn gần 2,5 lần so với doanh thu quốc tế (940 tỷ đồng); giá phục vụ hành khách quốc nội chỉ bằng 12-15% giá phục vụ hành khách quốc tế. Chính vì thế, ACV kiến nghị điều chỉnh giá hạ/cất cánh quốc nội bằng 50% giá hạ/cất cánh quốc tế; điều chỉnh giá phục vụ hành khách quốc nội hai năm/lần để có thể cải tạo hệ thống hạ tầng nhà ga nội địa đã quá tải (từ ngày 1-1-2017, điều chỉnh mức giá phục vụ hành khách quốc nội 100 nghìn đồng/người); bổ sung thu dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa, thiết bị vào phục vụ trong khu cách ly (xăng dầu hàng không, suất ăn hàng không,...).

 

Các hãng hàng không trong nước thực hiện chính sách giảm giá vé để tăng thị phần, sản lượng; giúp tăng doanh thu của các hãng hàng không trong khi đó giá dịch vụ hàng không nội địa được tính theo chuyến bay cho nên phần chi phí do tăng sản lượng hành khách sẽ phải do ACV gánh chịu do áp lực sử dụng hạ tầng nhà ga tăng cao. Khi được hưởng ưu đãi từ chính sách giá bù lỗ chi phí đầu vào, các hãng hàng không cạnh tranh giảm giá vé máy bay làm méo mó thị trường vận tải chung, tác động tiêu cực đến sự phát triển của các ngành vận tải khách khác như đường sắt, đường bộ (đối với trục giao thông chính Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, giá vé máy bay từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội của các hãng hàng không giá rẻ khoảng 865 nghìn đồng, trong khi giá vé tàu hỏa dao động từ 1 đến 1,5 triệu đồng).

 

Trong toàn ACV, chỉ có hoạt động kinh doanh tại hai CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài là có lãi, Đà Nẵng và Cam Ranh chỉ đủ bù đắp chi phí hoạt động. Do vậy, lợi nhuận của hai CHK Tân Sơn Nhất và Nội Bài phải gánh toàn bộ cho các cảng còn lại. Kiến nghị của ACV về việc điều chỉnh hệ thống giá dịch vụ hàng không nội địa không phải là tăng giá dẫn đến tăng chi phí đầu vào của các hãng hàng không trong nước mà mục đích để điều chỉnh giá dịch vụ hàng không quốc nội tiệm cận giá thực tế của dịch vụ. Điều này sẽ giảm dần sự bù chi phí cho các hãng hàng không trong nước mà ACV đang phải gánh chịu, đồng thời phù hợp giá dịch vụ hàng không quốc tế theo thông lệ. Bên cạnh đó, ACV đề xuất bỏ hình thức thuê bao trọn gói sân bay căn cứ như hiện nay và áp dụng bằng 75% mức giá thu theo giờ trong khung giá dịch vụ sân đậu tàu bay để thu hồi được vốn đầu tư cho các dự án sân đậu bổ sung mới.

 

Đứng vào hàng ngũ các hãng hàng không 4 sao là phần thưởng xứng đáng dành cho những cố gắng của VNA trong việc nâng cấp sản phẩm và dịch vụ. Việc đưa vào khai thác đồng thời hai loại máy bay mới trong một thời gian ngắn là thách thức không nhỏ nhưng VNA đã thực hiện thành công. Thành quả mà VNA nhận được chính là ưu thế của việc sở hữu những sản phẩm chất lượng trên các đường bay dài trọng điểm. Chúng tôi ghi nhận những thay đổi và cải tiến của VNA, từ việc nâng cấp chất lượng dịch vụ hạng thương gia cho tới triển khai các phương pháp đào tạo tiếp viên, tất cả sẽ giúp hãng củng cố vững chắc vị trí của một hãng hàng không quốc tế 4 sao. (E. Plây -xtít, Giám đốc điều hành Tổ chức SkyTrax)