Khẳng định hàng không đang tăng trưởng nóng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, nếu không đảm bảo an toàn, an ninh, hậu quả sẽ rất nặng nề. Không thể hy sinh tiêu chí an toàn, an ninh chỉ vì mục tiêu tăng trưởng.
Không thể để các hãng hàng không muốn tăng là cho tăng
Một trong những vấn đề quan trọng được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh khi trực tiếp thị sát và làm việc tại cảng hàng không (CHK) quốc tế Nội Bài hôm qua (5/12) là an ninh, an toàn. “Hàng không đang tăng trưởng “nóng”, sân bay tắc nghẽn, trên trời phải bay vòng như lò xo, 5-6 vòng chưa xong, 45 phút chưa hạ cánh được. Cứ phát triển “nóng” như vậy, trong khi hạ tầng không theo kịp sẽ gây hậu quả khó lường”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng, cơ cấu vận tải của bất kỳ quốc gia nào cũng phải tính đến các loại hình, cả đường sắt, đường thủy, đường bộ, hàng không.
Thực tế, theo Phó Thủ tướng, Tân Sơn Nhất chiếm 40% lưu lượng hành khách thông qua của toàn bộ mạng CHK. Việc tắc nghẽn của cảng (tại khu bay, nhà ga, đường giao thông tiếp cận) ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của thị trường, chất lượng dịch vụ, tiềm ẩn uy hiếp an toàn, an ninh hàng không, đặc biệt là dịp cao điểm Tết Nguyên đán Đinh Dậu khi các hãng hàng không xây dựng kế hoạch tăng khai thác 29% so với lịch bay thường lệ, trong đó 90% kế hoạch đến và đi từ Tân Sơn Nhất.
“Trong khi CHK quốc tế Long Thành chỉ có thể đưa vào khai thác từ năm 2025, bên cạnh việc thực hiện những giải pháp cấp bách và lâu dài để nâng cao năng lực khai thác, việc tái cơ cấu vận tải, điều tiết thị trường nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh, giảm thiểu suy giảm chất lượng dịch vụ hàng không, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Bộ GTVT và của ngành Hàng không”, Phó Thủ tướng chỉ rõ và yêu cầu Bộ GTVT cần quyết liệt triển khai chiến lược tái cơ cấu, phát triển hài hòa, đồng bộ các phương thức vận tải; Điều tiết thị trường hàng không, đảm bảo phát triển bền vững trên cơ sở kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng; Nghiên cứu điều chỉnh giá phí, giá dịch vụ hàng không nhằm đảm bảo phát triển bền vững cơ sở hạ tầng hàng không.
Riêng với việc phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Bộ GTVT cần chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát tổng thể năng lực phục vụ, trên cơ sở cân đối với các loại hình vận tải khác (đường bộ, đường sắt, đường thủy) để điều tiết lịch bay hợp lý nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh hàng không, duy trì chất lượng dịch vụ hàng không, đặc biệt là tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài”.
“Không phải các hãng hàng không cứ xây dựng kế hoạch, muốn tăng 29% là mình phải cho phép cả 29%. Phải xem kỹ càng hạ tầng thế nào, nhân lực, phương tiện ra sao, đáp ứng được không”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình một lần nữa nêu rõ.
Gấp rút giải quyết tắc nghẽn tại Tân Sơn Nhất
Cũng tại buổi làm việc, trên cơ sở việc di dời hoạt động bay quân sự ra khỏi Tân Sơn Nhất theo chỉ đạo của Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu thực hiện ngay các giải pháp đồng bộ giải quyết tình trạng tắc nghẽn, tăng năng lực thông qua của Tân Sơn Nhất. “Bộ GTVT thống nhất với Bộ Quốc phòng triển khai ngay việc đầu tư xây dựng Nhà ga hàng không lưỡng dụng; Bàn giao, đầu tư nâng cấp, đưa 21ha sân đỗ tàu bay quân sự vào khai thác dân dụng”, Phó Thủ tướng nói và cho biết thêm: “Tôi đã báo cáo Thủ tướng, tinh thần là giao Bộ GTVT làm đầu mối. Phải làm thế nào để phát triển hạ tầng, giải tỏa căng thẳng ở Tân Sơn Nhất nhưng vẫn phải đảm bảo quốc phòng, an ninh”.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu xây dựng thêm một đường lăn song song và các đường lăn nối đồng bộ; Nâng cấp đường cất/hạ cánh tại Tân Sơn Nhất; Chủ trì nghiên cứu bổ sung quy hoạch tăng năng lực khai thác của cảng trên cơ sở đề xuất sử dụng đất quốc phòng để xây dựng thêm nhà ga hành khách, sân đỗ tàu bay, xưởng bảo dưỡng tàu bay và các công trình hàng không dân dụng khác.
Phía UBND TP.HCM cần triển khai thực hiện các dự án chống ùn tắc giao thông tiếp cận các Nhà ga hành khách T1, T2; Phát triển hệ thống giao thông tiếp cận vào Nhà ga lưỡng dụng; Giải tỏa hệ thống mương thoát nước và các biện pháp chống ngập khác. “Bộ Quốc phòng đã khẳng định sẽ giao đất làm hồ điều hòa, giải tỏa tình trạng ngập tại sân bay. CHK Tân Sơn Nhất cần phối hợp với TP.HCM triển khai nhanh. Muốn vậy, phải giải tỏa hệ thống kênh, mương, rạch bị lấn chiếm, bị lấp. Xem lại, khảo sát lại các hệ thống dự phòng trước đây và tiến hành khôi phục”, Phó Thủ tướng nói và bày tỏ lo ngại: “Để Tân Sơn Nhất cứ ngập như vừa qua nguy hiểm quá. Có những lúc tắc đường ở Tân Sơn Nhất 2-3 tiếng đồng hồ. Nước thì ngập mênh mông”.
Ngoài các giải pháp cấp bách nâng năng lực cho Tân Sơn Nhất, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sớm nâng cấp hệ thống đường cất/hạ cánh sân bay Nội Bài; Nghiên cứu, lập kế hoạch thực hiện quy hoạch Nội Bài giai đoạn sau 2020; Triển khai đồng bộ thực hiện Dự án CHK quốc tế Long Thành, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo Nghị quyết của Quốc hội…
Chấn chỉnh hệ thống quản lý an toàn
Liên quan đến công tác an ninh, an toàn, tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, dù các chỉ số an toàn năm 2016 được cải thiện so với năm 2015, không để xảy ra tai nạn hoặc sự cố nghiêm trọng nhưng hầu hết các sự cố uy hiếp an toàn, an ninh hàng không đều do yếu tố con người (tổ bay, nhân viên bảo dưỡng tàu bay, kiểm soát viên không lưu). Do đó, phải chấn chỉnh hệ thống quản lý an toàn, đặc biệt hệ thống giám sát an toàn nội bộ của các đơn vị liên quan, bên cạnh công tác nâng cao năng lực, ý thức kỷ luật của nhân viên hàng không.
Với an ninh hàng không, Phó Thủ tướng chỉ rõ nguy cơ khủng bố đối với hoạt động hàng không dân dụng vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, việc tái tổ chức lực lượng kiểm soát an ninh hàng không tại CHK, sân bay một cách hợp lý trong điều kiện cổ phần hóa TCT Cảng hàng không VN chưa được nghiên cứu hoàn thiện.
“Thời gian tới, cần tăng cường trao đổi thông tin, thực hiện nghiêm việc đánh giá thường kỳ về nguy cơ uy hiếp an ninh hàng không; Hoàn thiện hệ thống kiểm soát an ninh nội bộ, đặc biệt là đối với nhân viên hàng không trực tiếp tiếp cận tàu bay, nhân viên người nước ngoài. Không cho phép những nhân viên có biểu hiện nợ nần, cờ bạc, rượu chè, ma túy tiếp cận tàu bay. Kiểm soát chặt chẽ quy trình tuyển dụng, cấp giấy phép, năng định nhân viên hàng không. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ”, Phó Thủ tướng nói.