Sau một thời gian lắng xuống, vào thời điểm cuối năm 2016 và đầu năm 2017, tình trạng xe quá tải hoạt động trở lại ở một số cung đường nơi có nhiều mỏ khoáng sản. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng của tỉnh đã triển khai các phương án nghiệp vụ, siết chặt kiểm tra, kiểm soát, xử lý xe quá tải tại một số khu vực trọng điểm. Kết quả, trật tự đã được lập lại chỉ sau hơn 1 tháng triển khai.
Cuối năm 2016, do thị trường tiêu thụ sắt thép tăng đột biến, nên hoạt động vận tải quặng sắt từ khu vực Trại Cau (Đồng Hỷ) nơi có tuyến Quốc lộ 17 chạy qua trở nên sôi động hơn bình thường. Một loạt đơn vị, doanh nghiệp (ĐV, DN) khai thác khoáng sản tại đây đã tăng cường sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nhiều hợp đồng mua bán, vận chuyển quặng sắt được ký kết và triển khai thực hiện. Tần suất vận tải trên tuyến Quốc lộ 17 đoạn từ thị trấn Trại Cau ra thị trấn Chùa Hang tăng mạnh. Lúc cao điểm có hơn 10 DN vận tải tham gia với hàng trăm lượt xe tải từ 2 đến 4 trục bánh (có thể cõng được từ 7 đến 40 tấn hàng mỗi xe) lưu thông mỗi ngày. Với tần suất vận tải lớn, lượng xe chở quá tải chiếm số đông khiến không ít người lo ngại tình trạng vận tải làm hỏng cả tuyến đường cách đây 3 năm sẽ tái diễn
Ông Nguyễn Thành Long, một người dân sống ở xã Cây Thị (Đồng Hỷ), thường xuyên đi lại trên tuyến đường này bức xúc: Năm 2013, khi Mỏ sắt Trại Cau bán hàng trăm nghìn tấn quặng ra bên ngoài, DN vận tải đã đưa dàn xe mấy chục tấn vào làm hỏng toàn bộ tuyến đường này. Mãi sau tỉnh mới tu sửa và nâng cấp lên thành Quốc lộ. Tôi e rằng, nếu không ngăn chặn sớm chẳng mấy nỗi tuyến đường sẽ bị phá nát.
Được biết, trong khu vực được xem là trọng điểm này có gần 10 ĐV, DN khai khoáng, luyện kim gồm: Mỏ sắt Trại Cau, Mỏ sắt Tiến Bộ, Công ty cổ phần Luyện kim đen, Công ty Khoáng sản Đông Việt, Công ty cổ phần Nhẫn, Công ty TNHH Hải Thành, DN Anh Thắng… Cùng với đó là một loạt DN vận tải ăn theo. Thường quặng sắt được vận chuyển từ khu vực Trại Cau theo Quốc lộ 17 ra thị trấn Chùa Hang rồi chia làm 2 hướng, một chạy thẳng Quốc lộ 1B qua cầu Gia Bảy nối vào đường Bắc Kạn, đường Cách mạng Tháng Tám về Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên; một chạy ngược lên đường tránh T.P Thái Nguyên nối ra đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên xuôi về Cảng Đa Phúc.
Trước thực tế đó, từ đầu tháng 1-2017, Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) đã cùng với lực lượng chuyên ngành của địa phương sở tại lập 2 chốt kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông. Trong đó, một chốt tại khu vực gần cầu Linh Nham, điểm cuối của cung đường vận tải từ Trại Cau ra bên ngoài và một chốt tại tuyến đường tránh T.P Thái Nguyên, đoạn gần cầu Cao Ngạn. Theo ghi nhận của chúng tôi trong hai ngày 7 và 8-2, trên các cung đường có điểm chốt giao thông, hoạt động vận tải quặng sắt đã giảm mạnh so với trước, chỉ còn lác đác một số xe vận tải nhỏ lưu thông. Theo Đại úy Chu Quang Vang, Trưởng một ca trực của lực lượng Cảnh sát giao thông trên tuyến Quốc lộ 17, thì khoảng 1 tháng nay, qua cân kiểm tra tại chốt rất ít trường hợp vi phạm quy định về tải trọng. Những ngày gần đây, gần như không phát hiện trường hợp vi phạm nào. Cũng theo lực lượng chốt tại tuyến đường tránh T.P Thái Nguyên, tỷ lệ vi phạm tải trọng xe cơ giới lưu thông trên tuyến giảm rõ rệt. Số lượng xe vi phạm với tỷ lệ vượt tải quá nhiều so với quy định đã không còn.
Trước đó, Sở Giao thông - Vận tải cũng đã chỉ đạo Thanh tra giao thông tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý khá nhiều trường hợp vi phạm tải trọng tại 2 vị trí trên. Do vậy, theo khẳng định của ngành chức năng hiện tại trật tự vận tải ở khu vực trọng điểm này đã được lập lại.
Tìm hiểu thực tế tại một số ĐV, DN khai khoáng trong khu vực Trại Cau chúng tôi nhận thấy, hoạt động giao dịch, vận tải những ngày đầu tháng 2 này gần như đình trệ. Với một số đơn vị, xe vận tải đã dừng lưu thông, đỗ thành hàng dài tại bãi tập kết từ nhiều ngày nay. Hầu hết các ĐV, DN đều cho rằng, do tỉnh siết chặt quản lý tải trọng nên khi chở đúng tải giá cước tăng không cạnh tranh được với thị trường, nên các DN vận tải phải tạm dừng vận chuyển quặng sắt. Chỉ có duy nhất Mỏ sắt Tiến Bộ vẫn cho xe vận chuyển đúng tải chạy ngược vào Mỏ sắt Trại Cau để chuyển quặng ra Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên bằng đường sắt.
Mặc dù gặp khó khăn về đầu ra, một số còn tiết lộ nhiều khả năng phải dừng hoạt động, nhưng khi được hỏi, hầu hết các ĐV, DN đều ủng hộ việc siết chặt quản lý tải trọng xe cơ giới, đồng thời cam kết sẽ thực hiện nghiêm theo quy định. Tuy nhiên, các ĐV, DN này cũng đề nghị, lực lượng chức năng cần làm đồng bộ ở tất cả các địa bàn trong tỉnh, tránh trường hợp chỗ siết chặt chỗ nới lỏng, tạo sự bất bình đẳng và mất công bằng trong cạnh tranh thị trường. Còn theo chúng tôi, việc lập chốt kiểm soát tải trọng ở các địa bàn trọng điểm là cần thiết, song đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế, quan trọng vẫn là làm sao kiểm soát được tận gốc, bởi thực tế lực lượng chức năng mỏng, không phải lúc nào cũng duy trì được chốt kiểm tra cố định.