“Sáng - Tối” trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe: Cải cách hành chính tháo nhiều “nút thắt” (Kỳ 1)

16:35, 13/11/2017

Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện bộ đề thi,tự động hoá khâu sát hạch, giám sát; chuẩn hoá cơ sở vật chất của ngành Giao thông – Vận tải (GT-VT) đã đem lại nhiều kết quả trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX). Tuy nhiên, do ý thức của một bộ phận học chưa cao; việc đào tạo, sát hạch chưa tuyệt đối nghiêm túc theo quy định của pháp luật dẫn tới việc người học “rỗng” kiến thức pháp luật; thực hành, thực nghiệm nửa vời… Đây là một trong những căn nguyên dẫn tới xảy ra tai nạn giao thông, gây thiệt hại lớn về người, tài sản thời gian qua.

Năm 2016, Sở GT-VT thực hiện cấp mới gần 34 nghìn GPLX mô tô, trên 12 nghìn GPLX ô tô; cấp đổi, cấp lại gần 37 nghìn GPLX các loại; cung cấp trên 5 nghìn thông tin về xác minh, đề nghị xác minh, các vi phạm về sử dụng GPLX. Theo đánh giá của Sở GT-VT, việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch cấp GPLX đã giảm thiểu đến 50% số lần giao tiếp và khoảng 60% thời gian theo hạn định giữa cơ quan quản lý với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện các thủ tục nói trên. Qua đó, góp phần hạn chế tiêu cực, áp lực, bức xúc cho cán bộ cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và người học.

Lĩnh vực đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô, mô tô luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Bởi theo quy định của pháp luật, người điều khiển xe cơ giới từ 50 phân khối trở lên bắt buộc phải có GPLX. Do vậy, Chính phủ, Bộ GT-VT đã có sự chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này trên các phương diện: Yêu cầu chuẩn hoá bộ kiến thức dành cho người học; chuẩn hoá điều kiện cơ sở vật chất đối với cơ sở đào tạo và không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và nhất là người học để thi lấy GPLX. Trong đó, mục tiêu của cơ quan Nhà nước là xã hội hoá nhằm thu hút nhiều nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo đạt chuẩn; rút ngắn và mở rộng khung thời gian đào tạo để người học tranh thủ ngày nghỉ, ngoài giờ học lý thuyết, học thực hành để thi lấy GPLX.

Cụ thể, triển khai thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16-11-2010 của Chính phủ và Thông tư số 15/2011/TT-BGTVT ngày 31-3-2011 của Bộ GT-VT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, Sở GT-VT tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, như: Tổ chức tập huấn, phổ biến văn bản pháp lý về đào tạo, sát hạch cấp GPLX tới đối tượng liên quan; phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh, như: Báo Thái Nguyên; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực này; hướng dẫn 8 cơ sở đào tạo lái xe thực hiện chuẩn hoá phòng học, thiết bị giảng dạy; sân thực hành; trung tâm sát hạch… theo quy chuẩn của Bộ GT-VT.

Ông Lê Hải Linh, Trưởng phòng Quản lý phương tiện vận tải và Người lái (Sở GT-VT): Giáo trình đào tạo lái xe của chúng ta đã liên tục được cập nhật, bổ sung và có sự phù hợp, tiếp cận với một số quốc gia phát triển, như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo xu hướng kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện ngày càng hiện đại nên nhiều nước đã giảm dần độ khó trong bộ đề thi GPLX. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền cũng nên nghiên cứu, từng bước giảm số lượng, độ khó trong câu hỏi thuộc bộ đề thi GPLX.
Ông Nguyễn Đắc Tường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Chế biến và Thương mại Đắc Tường: Chúng tôi đề nghị Bộ GT-VT cho phép các cơ sở đào tạo có điều kiện xây dựng trung tâm sát hạch để chủ động khép kiến quy trình đào tạo và sát hạch, tránh sự phụ thuộc, ảnh hưởng tới kết quả đào tạo.

Đặc biệt, Sở GT-VT đã thực hiện việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết toàn bộ thủ tục về đào tạo, sát hạch cấp phép, cấp đổi GPLX tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trên, lãnh đạo Sở GT-VT đã giao cho Phòng Quản lý Vận tải phương tiện và Người lái xây dựng, chuyển giao chương trình quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX, cấp đổi GPLX từ tiếp nhận danh sách người học, lịch học, lịch thi trên hệ thống mạng; in, trả kết quả cho công dân ngay khi làm thủ tục cấp đổi GPLX; tự động hoá toàn bộ từ khâu dạy, thi lý thuyết; dạy, thi trên mô hình và điều khiển phương tiện trên đường; tăng cường trang thiết bị tin học đảm bảo việc truyền dữ liệu thông suốt giữa bộ phấn tiếp nhận và trả kết quả với các phòng chuyên môn của Sở, 8 cơ sở đào tạo, 9 huyện, thành, thị để giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn nhất. Việc xây dựng hộp thư điện tử nhằm trao đổi thông tin, tạo thuận lợi trong việc xác minh, tham chiếu, giải quyết liên quan đến cấp GPLX được duy trì thường xuyên, ổn định; mở tài khoản thu phí, lệ phí tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để nhân dân thuận lợi trong việc nộp phí, lệ phí bằng hình thức chuyển khoản. Không dừng ở đó, Sở GT-VT đã xây dựng mô hình công sở điện tử để nâng mức các dịch vụ công trực tuyến hiện có từ mức 2 lên mức 3 và từ mức 3 lên mức 4. Do vậy, tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến cấp mới, cấp đổi GPLX, khôi phục hồi hồ sơ gốc…tại Sở GT-VT đều được thực hiện bằng công nghệ thông tin, quản lý trên trang thông tin điện tử (website). Theo đó, người dân trong tỉnh (người dân trong tỉnh đang làm việc ở khắp mọi nơi trong, ngoài nước) muốn làm thủ tục cấp mới (công đoạn đăng ký học), cấp đổi vào trang thông tin của Sở tìm kiếm tờ khai, kê thông tin, gửi kèm ảnh số (tiêu chuẩn VGA) và bản sao chụp các giấy tờ liên quan gửi qua đường bưu điện (đối với những giấy tờ cần có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền). Người có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính có thể nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp GPLX tại nhà khi chọn phương thức thanh toán phí, lệ phí qua tài khoản hoặc qua nhân viên bưu điện.

Lãnh đạo các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh đều cho rằng giáo trình dạy lái ô tô nói chung, hạng B2 nói riêng hiện khá đầy đủ. Chỉ cần việc dạy và học nghiêm túc thì đã là quá đủ, thậm chí có lãnh đạo cơ sở còn cho rằng sau khi cầm bằng có thể làm được luôn nghề lái xe taxi mà không cần phải học bổ túc thêm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đắc Tường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Chế biến và Thương mại Đắc Tường, nếu đưa được thêm cách xử lý một số tình huống tai nạn giao thông thường gặp sẽ tốt hơn. Còn theo Đại tá, Tiến sĩ Phạm Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề số 1 (Bộ Quốc phòng), bên cạnh các nội dung theo quy định bắt buộc, Nhà trường còn đưa thêm một số nội dung khác vào dạy cho những học sinh có nhu cầu như cách thay lốp dự phòng. Đại tá Hòa cho rằng, để lái ô tô vững, xử lý tình huống tốt, chạy được đường dài, ngoài việc nắm được các yêu cầu bắt buộc cả về lý thuyết và thực hành, còn phụ thuộc vào yếu tố thần kinh, tâm lý và cả năng khiếu của người đó. Đại tá Phạm Văn Hoà dẫn chứng ngay với vợ mình, nếu chỉ đi loanh quanh 10-20km trong thành phố thì cô ấy lái rất tốt, nhưng nếu đi đường dài trên dưới 100km là sẽ bị rối, mất bình tĩnh.