Sáng - Tối” trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe: Cải cách hành chính tháo nhiều “nút thắt” (Kỳ 3)

23:05, 14/11/2017

Việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX những năm qua được cho là khá bài bản, khoa học và tưởng chừng rất khó để gian lận. Vậy tại sao vẫn có chuyện học viên phải nộp tiền “chống trượt” và lãnh đạo nhiều cơ sở đào tạo thì lên tiếng đề nghị ngành chức năng phải siết chặt hơn việc tổ chức sát hạch để “chặt đồng đều”, còn người có GPLX đảm bảo về “chất”…

Những uẩn khúc cần lời giải

Theo Điều 13, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT ngày 15-4-2017 quy định,
thời gian đào tạo lái xe các hạng B1, B2, C như sau: (a) hạng B1: Xe số tự động: 476 giờ (lý thuyết: 136, thực hành lái xe: 340); xe số cơ khí (số sàn): 556 giờ (lý thuyết: 136, thực hành lái xe: 420). (b) Hạng B2: 588 giờ (lý thuyết: 168, thực hành lái xe: 420). (c) hạng C: 920 giờ (lý thuyết: 168, thực hành lái xe: 752). Đối với phần thực hành trên đường, học viên được học từ 1.000-1.100km (tùy hạng).

Việc tổ chức sát hạch để lấy GPLX trên địa bàn tỉnh thời gian qua và hiện nay được tự động bằng phần mềm trên máy tính; phòng sát hạch có camera giám sát thì ai cũng nghĩ khó có thể xảy ra tiêu cực. Vậy nhưng, trong quá trình chúng tôi làm việc với lãnh đạo nhiều cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh, một kiến nghị được đưa ra là cần thắt chặt việc sát hạch để người tham gia học, thi GPLX thực sự trách nhiệm, ý thức.

Theo Đại tá Phạm Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghể số 1: Trước nhu cầu đa dạng của người học, trong đó có một tỷ lệ không nhỏ muốn được học theo nhu cầu, mà không quan tâm nhiều đến chất lượng thực sự thì với những cơ sở đào tạo nghiêm túc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Nếu việc sát hạch được thực hiện nghiêm túc hơn thì sẽ làm hạn chế được tình trạng này.

Đồng tình với quan điểm cần phải siết chặt khâu sát hạch, ông Nguyễn Đắc Tường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Chế biến và Thương mại Đắc Tường, có Trung tâm Dạy nghề lái xe Thịnh Đức và ông Trần Dương Uy, Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp nghề Thái Hà đều cho rằng nếu việc sát hạch được thắt chặt hơn sẽ tránh được tình trạng người học học đối phó, còn giáo viên sẽ phải trách nhiệm hơn trong việc giúp người học viên học thật, thi thật.

Tại sao lại có chung đề nghị này từ lãnh đạo các cơ sở đào tạo? Có lẽ câu trả lời phần nào được lý giải khi chiếm một tỷ lệ lớn trong số những học viên đã tham gia sát hạch mà chúng tôi phỏng vấn đều cho biết: Trước khi thi, họ đều được giáo viên dạy trực tiếp hoặc chủ nhiệm lớp gợi ý đóng tiền “chống trượt” (có người thì gọi là “bồi dưỡng giám thị”), với nhiều mức khác nhau (từ khoảng 300.000-600.000 đồng/người). Đây là khoản thu tự nguyện, nên những ai cảm thấy tự tin sẽ không phải đóng.

Theo đó, đối với phần thi lý thuyết, học viên sẽ được sắp xếp ngồi gần với người nắm vững kiến thức để được nhắc đáp án với những câu chưa trả lời được. Trong phần thi thực hành, họ sẽ được ưu tiên hơn trong việc chọn xe mà mình đã tập quen, có đánh dấu hiệu trên xe để khi thi sa hình biết cách căn chỉnh hợp lý. Thậm chí có trường hợp được cả giáo viên đứng trong khu vực thi để ra tín hiệu nhắc bài cho học viên… Khi trao đổi với lãnh đạo nhiều cơ sở đào tạo, tất cả đều khẳng định không biết việc “chống trượt” với lý do cơ sở đào tạo chỉ có trách nhiệm với học viên khi thi xong tốt nghiệp. Còn việc sát là do Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao việc nộp tiền “chống trượt” lại được thực hiện bởi chính giáo viên dạy hoặc chủ nhiệm lớp thì lãnh đạo các cơ sở đều khẳng định họ không đưa ra chủ trương này nên không biết!? Thực tế này rất cần câu trả lời từ phía cơ quan chức năng.

Bất cập nào cần tháo gỡ?    
Đại úy Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), còn một số bất cập trong việc cấp lại GPLX cũng như việc tổ chức học - thi sát hạch hiện nay. Cụ thể, theo Thông tư số 12/2017 (thay thế Thông tư 58 được Bộ GTVT ban hành ngày 15-4-2017) có hiệu lực từ 1-6-2017 quy định về việc cấp lại GPLX cơ giới đường bộ, chỉ những người có GPLX quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng đến dưới 1 năm, kể từ ngày hết hạn mới phải sát hạch lại lý thuyết; còn người có GPLX quá thời hạn sử dụng từ 1 năm trở lên, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành. Nhưng với người còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng thì được xét cấp lại GPLX mà không cần phải thi lại bất cứ nội dung nào. Trong khi đó, trên thực tế, có không ít trường hợp có khi cả 10 năm cầm GPLX nhưng chưa tự lái xe lần nào nên không thể kiểm soát được họ còn nhớ luật và biết lái nữa hay không. Ngoài ra, theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ 2016, có không ít nội dung, biển báo… đã có sự thay đổi so với trước đó. Nếu người lái xe không có ý thức tự tìm hiểu sẽ không nắm bắt được, tiềm ẩn nguy hiểm cho người lái khi tham gia giao thông. Còn đối với việc dạy - học lái xe, trong khi hầu hết các cơ sở chỉ chú trọng dạy lái xe số sàn nhưng thực tế hiện nay, đặc biệt là phụ nữ sau khi có bằng lái, lại chủ yếu lái xe số tự động. Điều này cũng khiến việc lái xe của nhiều người trở nên khó khăn…

Ở một góc độ khác, đại diện cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và cả người học lái xe đều đưa ra những ý kiến đóng góp, phản biện. Theo cơ quan quản lý, về cơ bản, chất lượng phương tiện, cơ sở kết cấu hạ tầng giao thông của Thái Nguyên ngày càng được nâng cao, dù vậy Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn yêu cầu thực hiện theo bộ đề thi lý thuyết 405 câu (tăng 100 câu so với giai đoạn trước năm 2008); cùng với đó bổ sung tiểu phần lùi ngang trong phần thi sa hình đã tạo áp lực rất lớn đối với người học. Việc Quy hoạch phát triển trung tâm sát hạch cấp 1, cấp 2 của Bộ GT-VT đã phê duyệt cách đây nhiều năm, đến nay đã nảy sinh bất cấp khi một số cơ sở đào tạo muốn xây dựng theo mô hình liên hợp (học và sát hạch cùng một nơi), nhưng chưa được cấp phép.

Việc cấp phép đào tạo cũng có sự thiếu thống nhất khi quy chuẩn của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và ngành GT-VT được thực hiện theo 2 luật khác nhau (Luật Dạy nghề và Luật Giao thông đường bộ). Đơn cử như ở Trung tâm Dạy nghề lái xe Thịnh Đức, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì cấp phép đào tạo nghề 750 chỉ tiêu nhưng Sở GT-VT lại chỉ cấp phép đào tạo 712 chỉ tiêu. Ngoài ra, mặc dù đã có tiêu chuẩn nghề nghiệp dành cho lực lượng giáo viên dạy lái theo Đề án của Bộ GT-VT nhưng vẫn có một tỷ lệ không nhỏ giáo viên hạn chế về nghiệp vụ sư phạm và đạo đức nên có những ứng xử thiếu chuẩn mực, khiến người học bức xúc, phần bào ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo. Qua tìm hiểu ở một số cơ sở đào tạo thì đều có việc sa thải người dạy do vi phạm các lỗi liên quan đến cách ứng xử với học viên.

Có thể nói, nếu nhìn nhận một cách công bằng về chất lượng dạy - học lái xe ô tô những năm qua thì bên cạnh những bất cập trong việc dạy và tổ chức sát hạch có một phần lỗi không nhỏ, thậm chí mang tính quyết định từ chính người học. Để giải quyết thực trạng này, cần thiết phải có sự kiểm tra, giám sát hơn nữa đối với giáo viên, học viên trong quá trình dạy - học của chính các cơ sở đào tạo, trong đó quan tâm chú trọng đến việc dạy đạo đức người lái xe. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm túc công tác sát hạch, xử lý nghiêm những trường hợp liên quan đến việc “chống trượt”. Có như thế mới mong chất lượng cấp GPLX thực sự đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi, qua đó góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu TNGT mà nguyên nhân xuất phát từ vấn đề trình độ của người lái xe.