Trong công tác xử lý vi phạm giao thông, nếu hành vi gây ra ở mức độ thấp, chưa hoặc không cấu thành tội phạm thì xử phạt vi phạm hành chính. Đối với những vụ vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì chuyển sang xử lý hình sự. Tuy nhiên, trong công tác xử lý những vụ án giao thông đường bộ cũng còn những vướng mắc do hình phạt và các biện pháp chế tài xử phạt còn quá nhẹ.
10 tháng qua, Thái Nguyên tiếp tục là địa phương giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và người bị thương. Tuy nhiên, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng lại có chiều hướng gia tăng, việc truy cứu trách nhiệm hình sự, xét xử nghiêm minh đối với những người phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vẫn còn gây nhiều tranh cãi…
Lỗi vô ý nhưng hậu quả khôn lường
Ông Phạm Công Huấn, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Trong công tác tuyên truyền về ATGT, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội cần chú trọng đến nhóm đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên và khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nội dung và hình thức tuyên truyền cần được đổi mới, đa dạng hoá, giúp các đối tượng dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nhớ. Từ đó góp phần thay đổi hành vi, cách ứng xử của người tham gia giao thông, tạo cơ sở bền vững cho công tác đảm bảo trật tự ATGT, đặc biệt là kiềm chế và đẩy lùi TNGT. |
Mới đây, Tòa án nhân dân thị xã Phổ Yên đã tiến hành phiên sơ thẩm và tuyên phạt mức án nghiêm khắc đối với một lái xe ôtô gây TNGT nghiêm trọng dẫn đến chết người tại địa bàn vào cuối năm 2016. Trước đó, khoảng 22 giờ 50 phút, ngày 12-9-2016, Mông Đình Hoàn điều khiển ô tô biển kiểm soát (BKS) 20C-055.29 đi hướng Hà Nội - Thái Nguyên. Khi đến Km 41+300 Quốc lộ 3 (cũ), thuộc địa phận xóm Trại, xã Nam Tiến, Hoàn điều khiển xe ô tô sang phần đường bên trái để vượt một xe ô tô đi cùng chiều. Sau khi vượt được xe, Hoàn đang điều khiển xe về phần đường bên phải của mình thì xảy ra tai nạn với xe mô tô BKS 98D1-259.27 đi ngược chiều do anh Lê Đức Linh điều khiển chở anh Lê Văn Nghĩa. Hậu quả, anh Linh bị thương và chết trên đường đi cấp cứu; anh Lê Văn Nghĩa bị thương phải đi cấp cứu điều trị tại bệnh viện; xe ô tô và mô tô bị hư hỏng. Với nhận định hậu quả vụ án là nghiêm trọng và hành vi của bị cáo đã phạm vào tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ theo Điều 202, Bộ luật Hình sự, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt Mông Đình Hoàn 12 tháng tù giam.
Cũng tại địa bàn này, một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào tháng 11-2016 đã khiến cho 3 gia đình rơi vào nỗi đau mất người thân, còn đối tượng thì đang chờ ngày bị đưa ra tòa án xét xử. Theo đó, khoảng 15 giờ 40 phút ngày 19/11/2016, tại Km 40 + 800 đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thuộc địa phận xóm Sứ, xã Tân Hương xảy ra vụ TNGT giữa xe ô tô sơ mi romoc, đầu kéo BKS: 89C-07917, romooc có BKS: 89R- 00485 do lái xe Vũ Văn Hoàng, sinh năm 1985, ở thôn Cộng Hòa, xã Thăng Long (Đông Hưng, Thái Bình) điều khiển, đi hướng Hà Nội - Thái Nguyên đâm vào đuôi xe ô tô con nhãn hiệu TOYOTA- INNOVA, BKS: 99A- 142.53 do lái xe Ngô Văn Sơn, sinh năm 1978, trú tại thôn Đông Mai, xã Trung Nghĩa, Yên Phong, Bắc Ninh đi cùng chiều trên xe chở 10 người. Hậu quả làm chết 04 người và bị thương 06 người trên xe ô tô BKS: 99A- 142.53. Sau một thời gian điều tra khởi tố, ngày 03/11/2017 Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phổ Yên đã chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thị xã Phổ Yên. Hiện vụ án đang được thụ lý nghiên cứu giải quyết và sớm đưa ra xét xử trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Phòng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, 11 tháng qua, toàn tỉnh đã xảy ra 148 vụ TNGT, làm chết 67 người, 127 người bị thương. Điều này đồng nghĩa với rất nhiều gia đình phải gánh chịu sự mất mát khủng khiếp về con người mà không gì bù đắp được. Những hậu quả mà mỗi vụ TNGT để lại không chỉ là sự đau thương mà còn là sự xót xa đối với những người bị thương tật suốt đời. Nhìn nhận về các vụ án TNGT nói chung, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết, có tới hơn 50% vụ TNGT nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện thiếu chú ý quan sát, đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và chuyển hướng không an toàn. Hậu quả mà các lái xe gây TNGT thực hiện hoàn toàn chỉ là lỗi vô ý. Có nghĩa là các lái xe ôtô không cố ý thực hiện hành vi gây tai nạn và cũng không hề mong muốn cho hậu quả xảy ra. Tuy nhiên, về mặt thực tiễn thì hậu quả của lỗi vô ý này đôi khi lại rất khủng khiếp và khôn lường khiến gia đình nạn nhân và ngân sách nhà nước mỗi năm phải chi phí hàng chục tỷ đồng để khắc phục hậu quả của TNGT.
“Nương tay” trong áp dụng khung hình phạt
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự, xét xử nghiêm minh đối với những người vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chỉ là để trừng phạt đối với người vi phạm mà còn mang ý nghĩa răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho mọi người. Tuy vậy, thực tế công tác xét xử các vụ án về TNGT trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu đó. Hình phạt và các biện pháp chế tài khác mà tòa án áp dụng đối với các bị cáo còn quá nhẹ. Theo tìm hiểu và thống kê của chúng tôi, tại các tòa án cấp huyện, thành, thị từ năm 2012 đến nay phần lớn các vụ án TNGT gây hậu quả nghiêm trọng mà bị cáo được cho hưởng án treo và phạt tiền. Còn lại các vụ án bị cáo điều khiển phương tiện giao thông chạy sai phần đường “tông” chết nhiều người, bị xét xử theo khoản 3 điều 202 (có mức hình phạt từ 7-15 năm tù) nhưng cũng chỉ bị xử từ 1 đến 3 năm tù giam.
Trả lời cho câu hỏi vì sao một số vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng lại có mức án “nhẹ nhàng” như vậy, đa số các thẩm phán cho rằng tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là do lỗi vô ý nên chỉ cần xử án treo là tương xứng. Đành rằng chẳng một ai mong muốn TNGT xảy ra, tuy nhiên chính việc coi thường pháp luật của người phạm tội đã trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe, tước đi sinh mạng của người khác. Nhất là khi phạm tội thuộc khoản 2, khoản 3 của điều 202 Bộ luật Hình sự là thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng nên cần phải bị trừng trị thích đáng.
Thêm nữa, hầu hết các vụ TNGT đều được các công ty bảo hiểm chi trả thiệt hại cùng với sự hỗ trợ của chủ phương tiện nên các bị cáo thường tự nguyện bồi thường cho gia đình người bị hại những khoản tiền hậu hĩnh. Trong khi đó, người thân của người bị hại cũng nghĩ rằng dù sao người thân của họ cũng không thể sống lại, và do bị cáo luôn hứa hẹn nếu được hưởng án treo sẽ thường xuyên qua lại giúp đỡ. Vì thế, gia đình nạn nhân thường làm đơn xin cho bị cáo được hưởng án treo và không kháng cáo cho dù tòa án xét xử quá nhẹ. Có thể nói, việc những người làm công tác xét xử và gia đình của người bị hại hướng đến chính sách nhân đạo là cần thiết. Tuy vậy, cần xem xét ngược lại, nếu nhân đạo không đúng chỗ sẽ trở thành… vô nhân đạo đối với những người đã khuất và với số đông xã hội khi mà TNGT đang từng ngày rình rập mọi người.
Trọng tâm vẫn là công tác tuyên truyền
Theo dự báo của các cơ quan chức năng, trong thời gian tới phương tiện giao thông tiếp tục gia tăng trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng; một bộ phận người tham gia giao thông ý thức chưa cao nên tình trạng vi phạm giao thông sẽ còn diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn tình trạng này, đặc biệt là những lỗi vi phạm muôn thuở, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp tích cực hơn và có chế tài đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm. Trong đó giải pháp trọng tâm vẫn là tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tới mọi tầng lớp nhân dân nhất là việc chấp hành về nông độ cồn, tốc độ, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Nâng cao ý thức tự chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân khi mua bán, được cho, tặng xe mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện) cũng cần làm thủ tục sang tên đổi chủ để khi xe vi phạm giao thông hay liên qua đến các vụ án hình sự, giúp cho các cơ quan chức năng nhanh chóng xác định được chủ sở hữu. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh; đặc biệt đối với xe chở hàng quá tải trọng trên các tuyến đường bộ trong tỉnh. Đối với các biện pháp xử lý hành chính về vi phạm giao thông cần có biện pháp xử phạt mạnh hơn để đủ sức răn đe.
Nhằm hạn chế TNGT, cần tăng cường xét xử công khai, lưu động một số vụ án TNGT điển hình là hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất để góp phần thay đổi nhận thức của mọi người và họ sẽ tự mình rút ra những bài học cho bản thân.
Kết thúc bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ tâm sự của ông Phạm Xuân Thắng, Phó Đội trưởng Đội CSGT và xử lý vi phạm, Công an huyện Đồng Hỷ để qua đó, mọi người có rút được kinh nghiệm gì cho mình chăng?. Anh cho biết: Gần 20 năm làm cảnh sát giao thông, đã từng điều tra, xử lý rất nhiều vụ TNGT phức tạp nhưng có một vụ TNGT tuy không có người chết nhưng ám ảnh tôi suốt từ đó đến nay. Tôi nhớ hồi đó tôi còn làm cảnh sát giao thông ở khu vực T.P Thái Nguyên, tôi được tiếp nhận và xử lý vụ một người phụ nữ chở con nhỏ 5 tuổi đi chợ Thái. Sau khi tạm dừng xe và xuống mua hàng, người phụ nữ này đã quên không tắt máy và để con đứng trên chiếc xe tay ga chờ mẹ. Trong lúc đó, do nghịch ngợm cháu bé đã vô tình chạm vào tay ga, chiếc xe rồ lên rồi đổ xuống, cháu bé ngã vật xuống đường. Đúng lúc đó, một chiếc ô tô lao tới đã nghiến nát đôi chân của bé. Hôm tôi vào viện thăm cháu bé, cháu ngước ánh mắt ngây thơ, trong trẻo hỏi tôi một câu mà khiến tôi nghẹn ngào không thể trả lời - “Chú ơi! chân của cháu đâu rồi? Bao giờ nó mọc lại???”. Tôi tin câu hỏi đó không chỉ khiến tôi ám ảnh mà còn khiến mẹ cháu day dứt cả đời…
Hy vọng những thông điệp “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà”, “An toàn giao thông là không tai nạn”, “An toàn của anh - Hạnh phúc của tôi”… mỗi người chúng ta hãy tự giác chấp hành Luật giao thông, nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông, đừng vì “Nhanh một phút…” để rồi “…chậm cả đời”. Hãy vì niềm thương cảm với những người đã mất hãy hành động cho sự an toàn của những người đang sống hôm nay.