Hơn chục năm trở lại đây, các tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, làm thể nào để duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường và nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông đang rất cần được các cấp, ngành quan tâm.
Từ những con đường nắng bụi, mưa lầy
Hơn chục năm trước, con đường xóm 6, xóm 7 xã Bình Thuận (Đại Từ) khó đi lắm. Anh Nguyễn Văn Cương, một người dân ở xóm 6, xã Bình Thuận cho biết: Thời điểm đó, con đường vào xóm là đường đất. Những hôm nắng, xe máy đi trước cuốn bụi đất đỏ mù mịt lấp cả tầm nhìn của người điều khiển xe máy đi sau, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Vào mùa mưa phùn gió bấc, đường vào xóm nhậy nhụa bùn đất. Có hôm tôi vận chuyển rau xanh gia đình trồng được ra chợ bán, chiếc xe máy của tôi gặp chỗ trơn trượt bị đổ nhào, xe bẩn, rau nát hết cả, cũng may người không bị xây xát nhiều.
Tương tự như người dân xóm 6, hơn 10 năm trước, con đường vào xóm Thanh Trà 2, xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên) cũng gây nhiều cản trở cho người tham giao thông. Chị Ngô Thị Năm, Bí thư Chi bộ xóm Thanh Trà 2 cho hay: Thời điểm chưa đổ bê tông, nhiều hôm đi chợ mua thực phẩm, trời mưa phùn, đường trơn trượt, vừa dắt xe đạp ra đầu cổng, tôi bị ngã, cả người và xe ướt đẫm bùn đất, bắp chân rớm máu. Mỗi lần như vậy tôi bị đau khắp mình mẩy, chân tay mất mấy ngày. Cũng may là đi xe đạp nên bị thương nhẹ chứ đi xe máy với tốc độ nhanh hơn, nguy cơ bị thương nặng cao hơn rất nhiều.
Những năm trước, không chỉ riêng xóm 6 và xóm Thanh Trà 2 mà ở nhiều vùng nông thôn trong tỉnh, hệ thống đường giao thông cũng chủ yếu là đường đất đỏ gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Khi đi lại trên những tuyến đường này, người điều khiển phương tiện giao thông có nguy cơ gặp tai nạn, nhẹ thị xây xát tay, chân, thân thể, nặng thì có thể bị gẫy chân, tay, trấn thương phần mềm, sọ não…
Đến những cung đường bê tông uốn lượn
Hôm nay, nhiều tuyến bê tông uốn lượn qua những xóm, làng ở khắc các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thay thế cho những cung đường giao thông bụi bặm lúc nắng; trơn trượt, lầy lội khi mưa của những ngày xưa ấy. Sự hiện hữu của con đường bê tông đã giúp người dân nông thôn vợi bớt nỗi lo trượt ngã, gặp tai nạn giao thông do trơn trượt, bụi bặm. Anh Phùng Văn Lành, xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) nói: Gần 3 năm trước, con đường từ trung tâm xã vào xóm núi Khuổi Mèo dài gần 8km rất gian nan. Những ngày nắng, bà con phải đi mất cả buổi mới tới được trung tâm xã, chưa kể ngày mưa đường trơn, nước từ núi tràn về cô lập các xóm đến cả tuần. Được cứng hóa theo Đề án 2037 từ đầu năm 2015, đến nay, tuyến đường đã phục vụ rất tốt cho việc đi lại của người dân. Từ ngày có con đường, người dân không lo bị ngã do đường trơn trượt, gồ ghề nữa…
Có thể thấy, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa của người dân và thúc đẩy kinh tế các vùng khó khăn đi lên, hơn 10 năm nay, nhất là từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (năm 2011), tỉnh ta đã huy động mọi nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân… xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là mạng lưới giao thông. Theo ông Ngô Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Gao thông - Vận tải thì trong năm 2016, toàn tỉnh đã được cứng hóa được trên 586km đường giao thông nông thôn, trong đó có 511km mặt đường bê tông xi măng, 75,8 mặt đường nhựa. Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng được 6 cầu BTCT và cầu sắt, 4 tràn liên hợp, 3 cầu treo theo Đề án 186 cầu treo của Bộ Giao thông – Vận tải cho những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn cao... Tổng giá trị đầu tư cho các tuyến đường giao thông nông thôn là gần 1.378 tỷ đồng. Riêng 11 tháng qua, toàn tỉnh cũng đã cứng hóa được trên 160km đường giao thông nông thôn.
Các tuyến đường giao thông nông thôn được cứng hóa đã mở ra cho người dân nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, làm thế nào để bảo vệ các tuyến đường và nâng cao ý thức của bà con khi tham gia giao thông là vấn đề đang đặt ra.
Nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông
Tìm hiểu thực tế tại các địa phương chúng tôi thấy, nhiều người dân rất băn khoăn về độ “bền” của các tuyến đường đã được bê tông. Anh Chu Văn Ba, một người dân ở xóm Cộng Hòa, xã Động Đạt nói: Nhiều đoạn đường của xóm đã được xây dựng từ 4 - 5 năm trước. Khi xây dựng các tuyến đường, chúng tôi đã nắn chỉnh, hạ độ cao, làm gờ giảm tốc đúng quy cách, kỹ thuật để tránh tai nạn giao thông. Giờ mặt đường không còn nhẵn mịn như khi mới làm nữa, có những chỗ đã lộ ra lớp sỏi. Nếu không bảo vệ thì các đoạn đường này có nguy cơ xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại và làm tăng nguy cơ mất an toàn giao thông.
Bởi vậy, để bảo vệ các tuyến đường giao thông đã được cứng hóa, chính quyền và người dân (nơi có tuyến đường đi qua) cần có nội quy bảo vệ đường, cắm biển báo giao thông, biển thông báo tải trọng các con đường. Nghiêm cấm các xe ô tô có trọng tải lớn đi vào các tuyến đường hay cấm người dân đào, cắt đường, cấm đổ rác, đổ nước thải ra đường. Đặc biệt là luôn giữ gìn cho các tuyến đường phong quang, sạch đẹp để thời gian sử dụng được lâu bền.
Cùng với việc giữ gìn các tuyến đường bê tông, ý thức của người tham gia giao thông cũng cần được nâng lên. Ông Lê Văn Thà, xóm Khâu Giang, xã Bản Ngoại (Đại Từ) cho biết: Hơn hai tuần trước, khi vừa đi xe máy ra đến cổng, tôi đã bị chiếc xe máy do một thanh niên trẻ điều khiển đi ngược chiều đam va vào. Cũng may tôi đi với tốc độ chậm nên chỉ bị choạng lại chứ không bị đổ xe. Từ ngày các tuyến đường trong xã được đổ bê tông, việc đi lại thuận tiện, bà con mua xe máy nhiều hơn. Không ít người đi trên các tuyến đường này chạy với tốc độ cao nên nguy cơ đâm va gây ra tai nạn giao thông là rất lớn. Bởi vậy, bên theo đồng chí Hoàng Văn Ninh, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), để hạn chế tình trạng này, các cấp, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân ở vùng nông thôn theo nhiều hình thức như tuyên truyền trực tiếp tại hộ dân; qua loa truyền thanh của xóm, xã; qua các buổi họp xóm; các hội nghị lớn, nhỏ của xã…
Bên cạnh nỗ lực của các cấp, ngành, mỗi người dân nông thôn cũng cần tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, hành động có trách nhiệm với chính mình, với gia đình, người thân, bạn bè và toàn xã hội. Đồng thời, chủ động phòng ngừa như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không phóng nhanh, vượt ẩu; đi đúng phần đường quy định… để hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, giảm tổn thất không đáng có về tính mạng và tài sản.