Nhu cầu và mật độ giao thông trên địa bàn tỉnh gia tăng nhanh, tuy kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được quan tâm đầu tư nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) đã được xác định từ trước nhưng chưa xử lý nay lại phát sinh thêm những điểm mới. Việc giải quyết vấn đề này đang gặp những khó khăn không chỉ do thiếu vốn…
Chỉ trên đoạn dài khoảng 1km của tuyến đường liên xã từ Quốc lộ 3 đi các xã Phấn Mễ, Tức Tranh (Phú Lương) đã có 2 điểm tiềm ẩn TNGT. Điểm chung của 2 vị trí này là mặt đường hẹp, độ cua rất gấp và khuất tầm nhìn. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông qua đây nếu không quen đường, chủ động giảm tốc độ, thiếu chú ý thì rất dễ xảy ra tai nạn. Bà Trần Thị Đoan, người dân xóm Giá 2, xã Phấn Mễ, nói: Tôi đã thấy một số người đi xe máy bị ngã ở đây, may là cả người và xe đều chỉ bị xây xát nhẹ… Theo anh Hứa Quang Huy, cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Lương, đại diện các cơ quan của tỉnh, huyện đã về khảo sát và xác định đây là những điểm tiềm ẩn TNGT nhưng chưa có kinh phí khắc phục. Muốn xử lý dứt điểm 2 vị trí này cần nắn cua và mở rộng mặt đường để tạo tầm nhìn cho người tham gia giao thông.
Phú Lương là huyện miền núi, các tuyến đường trên địa bàn, nhất là tỉnh lộ và các đường liên xã thường có nhiều đoạn cong cua khuất tầm nhìn, mặt đường hẹp, có nơi còn thiếu biển cảnh báo. Nguyên nhân chính là các tuyến tỉnh lộ, đường liên xã có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, nhiều tuyến được xây dựng, cải tạo bằng việc vận động người dân hiến đất hoặc hạn chế kinh phí nên không cải thiện được độ dốc, độ cua, khó mở rộng mặt đường. Cùng với đó, 7/9 tuyến đường công vụ phục vụ thi công Dự án đường Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn) đã rất xuống cấp nhưng nhà đầu tư vẫn chưa thi công hoàn trả. Ngoài ra, tuyến Quốc lộ 3 chạy qua huyện có chiều dài 38,7km được xác định còn hơn 10 điểm đen và điểm tiềm ẩn TNGT. Thực trạng này cộng với ý thức tham gia giao thông của nhiều người chưa tốt dẫn đến những nguy cơ xảy ra tai nạn.
Giống như Phú Lương, các huyện miền núi, vùng cao khác của tỉnh cũng có kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, nhiều vị trí nguy hiểm về giao thông đã được xác định từ lâu nhưng chưa khắc phục. Ví dụ như huyện Võ Nhai, chỉ riêng tuyến đường Tràng Xá – Phương Giao đã có 3 điểm tiềm ẩn TNGT được xác định từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí (dự kiến trên 1 tỷ đồng). Ở huyện Đại Từ, tuyến đường sắt Núi Hồng – Quan Triều có 28 vị trí đường dân sinh cắt qua cần phải xây dựng gờ giảm tốc nhưng các cấp, ngành chưa bố trí được nguồn vốn để giải quyết…
Các địa phương có điều kiện thuận lợi hơn như T.P Thái Nguyên cũng khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn để xử lý các vị trí nguy hiểm về giao thông nên vẫn phải trông chờ sự hỗ trợ của cấp trên. Được biết, T.P Thái Nguyên đã đầu tư kinh phí cải tạo một số điểm nút giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, ùn tắc như đầu cầu Gia Bẩy (bên phía thuộc phường Hoàng Văn Thụ), đảo tròn Đồng Quang… Nhưng một số vị trí tiềm ẩn TNGT khác thuộc các tuyến đường do thành phố quản lý vẫn chưa được xử lý. Điển hình như cầu Z115 (trên đường Z115 đoạn qua xã Quyết Thắng) xây dựng nhiều năm, nhỏ hẹp nên không tương thích với mặt đường được mở rộng từ năm 2013, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Ông Nông Văn Tế, một người dân có nhà ở gần cầu Z115 cho biết: “Trong năm nay đã có 2 xe ô tô con lao vào mố cầu bị hư hỏng, lái xe cũng bị thương”. Dự kiến, kinh phí làm mới cầu này khoảng 10 tỷ đồng nhưng chưa được bố trí.
Theo ông Ngô Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải, nhu cầu vốn để xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên địa bàn tỉnh là khá lớn. Ví dụ như thời điểm năm 2012 cần trên 100 tỷ đồng, hiện tại cũng cần khoảng 56 tỷ đồng trước mắt để xử lý 29 điểm đen tiềm ẩn TNGT. Vì không có nguồn vốn bố trí thường xuyên nên các cấp, ngành phải cân đối từ nhiều nguồn khác nhau và cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, trong khi các điểm tiềm ẩn TNGT tiếp tục phát sinh do việc mở rộng mạng lưới đường bộ và mật độ giao thông gia tăng. Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị ngành Giao thông – Vận tải đầu tư kinh phí nhằm xử lý các vị trí giao cắt là điểm đen trên những tuyến quốc lộ qua địa bàn (11 vị trí ưu tiên 1 cần triển khai ngay và 6 vị trí ưu tiên 2).
Dù gặp khó khăn về vốn nhưng có thể thấy trong những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh đã quan tâm, nỗ lực trong việc xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT. Nhiều vị trí nguy hiểm về giao thông trên tuyến Quốc lộ 1B, Quốc lộ 37 và một số tuyến đường tỉnh đã được xử lý đảm bảo. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT cần giải quyết. Khó khăn về kinh phí luôn là “bài toán” nan giải, nhưng thiết nghĩ việc bố trí vốn để giải quyết vấn đề này cần phải được ưu tiên thỏa đáng hơn, không để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Ngoài vấn đề kinh phí đầu tư cho hạ tầng, các cấp, ngành cần quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn, xóa bỏ tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Giao thông. Giải pháp rất quan trọng nữa là đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức và kỹ năng tham gia giao thông cho người dân.
Thông tư số 26/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông – Vận tải quy định: - Điểm đen TNGT đường bộ là nơi thường xảy ra TNGT, thuộc một trong các trường hợp sau (tính trong một năm): 2 vụ TNGT có người chết; 3 vụ tai nạn trở lên trong đó 1 vụ có người chết; 4 vụ tai nạn trở lên nhưng chỉ có người bị thương. - Điểm tiềm ẩn TNGT đường bộ là nơi có thể xảy ra TNGT, thuộc một trong các trường hợp sau: Hiện trạng công trình đường bộ, hiện trạng tổ chức giao thông và xung quanh vị trí có yếu tố gây mất an toàn giao thông; trong một năm xảy ra 5 vụ va chạm trở lên hoặc có ít nhất 1 vụ tai nạn nhưng chỉ có người bị thương. |